Trở về với vợ hiền
Một câu chuyện “trở về với vợ” vừa được truyền tai nhau trong hẻm nhỏ. Chuyện lục đục trong gia đình người ta mà cả người kể lẫn người nghe đều phải bật cười vì kết thúc…có hậu của nó.
Ba năm trước, anh chồng say mê cô bồ trẻ bỏ bê vợ con, đến một ngày cuốn gói đi luôn. Cuộc sống của anh từ đó hàng xóm không ai biết nữa, chị vợ vốn là người hiền lành và kín tiếng, chị lặng lẽ nuôi con gái, không lần nào mang chuyện của anh ra ngồi lê đôi mách hay than vãn kể khổ. Hàng xóm biết tình cảnh chị thì thương vậy thôi. Rồi mọi chuyện cũng trôi vào quên lãng.
Vậy rồi ba năm sau anh về. Nói là nhớ con gái quá. Anh tránh mặt hàng xóm, cúi gằm đầu, đi thẳng vào nhà. Chị nhìn lên, hờ hững không vui không buồn, chỉ nói với con gái: “Con đi xúc gạo nấu cơm cho ba con ăn đi”.
Chỉ một câu nói đó thôi mà khiến anh sững sờ, nhận ra “vợ mình sao mà hiền quá đỗi”. Đó là sau này khi anh mang chuyện ra kể, hàng xóm mới biết cuộc trở về thăm con lần ấy đã khiến anh thay đổi.
|
Chị đón nhận anh vì còn yêu thương hay vì nghĩ cho con? Ảnh minh họa nguồn Internet |
Lúc về nhà người vợ thứ, anh trằn trọc nhiều đêm, tự trách bản thân sao lại có thể bỏ một người vợ hiền như thế. Anh từng tưởng rằng sẽ nhận từ chị một cơn thịnh nộ, những hờn ghen hay chí ít cũng là những lời cật vấn. Vậy mà trái ngược hoàn toàn với mọi hình dung.
Vài tuần sau đó, người xóm lại thấy anh về. Lần này mang theo cả hành lý tư trang. Anh về tạ lỗi cùng vợ cũ. Chị đón nhận anh vì còn yêu thương hay vì nghĩ cho con gái, vì nghĩa vợ chồng người khác không thể hiểu hết? Chỉ biết, điều ai cũng thấy là chị vẫn đối đãi với anh nhu mì, hiền lành như xưa.
Có người trách chị sao hiền quá, dại quá. Nhưng rồi họ cũng nhìn vào đó như một gương lành để tự biết cách ghìm mình trong gia đình. Người ta chỉ hỏi anh: “Thế còn vợ nhỏ thì sao?”. Anh nói vợ hai của anh rất dữ, lúc nào cũng sẵn sàng lớn tiếng, mắng chồng như mắng con.
Anh trở về thế này là phải trốn đi trong đêm, nếu không “có khi bị xử”. Những lời ấy nghe từ một người đàn ông đáng trách, chẳng hiểu sao lại khiến người ta bật cười. “Đó, nhân quả báo ứng. Bỏ vợ hiền mà đi thì gặp chằn lửa thôi” – mấy cô hàng xóm cười rúc rích với nhau.
Chuyện gây chú ý một thời gian thôi, rồi cũng đèn nhà ai nấy rạng. Chỉ còn lại điều mà người ta chắc chắn rằng, nếu anh bị vợ cũ trách móc chì chiết trong lần trở về thăm con, có lẽ mãi mãi gia đình họ cũng không thể đoàn tụ như bây giờ. Lỗi lầm xưa được bôi xóa, anh chí thú làm ăn, như một “kẻ chạy lại” với sự ăn năn hối lỗi. Chị vẫn là một người vợ hiền – dù đã một mình gồng gánh hết mọi nỗi đau…
Tự hào vì vợ ngoan
Trong một câu chuyện khác, lại thấy thêm cái nết hiền ngoan của người vợ đúng là lạt mềm buột chặt. Chị là phụ nữ hiện đại, ra ngoài cũng nhiều người ngưỡng mộ. Xinh đẹp, thành đạt là vậy, nhưng về đến nhà là chị bỏ lại “con người xã hội” ngoài ngạch cửa. Thay giọng điệu quyền lực bằng sự nhỏ nhẹ, nhã nhặn với chồng. Trong nhà anh chị chưa bao giờ để xảy ra to tiếng cãi vã, mọi mâu thuẫn được hai người giải quyết bằng sự hài hước và tiếng cười.
Chị kể cũng có lần bực mình, chị nói chuyện với âm vực lớn hơn bình thường. Trong khoảnh khắc ấy chị nhìn thấy ánh mắt anh sững lại. Anh im lặng bỏ vào phòng, không nói. Từ đấy chị biết anh không muốn vợ lấn lướt to tiếng với mình.
Lần ấy, chị hít thở sâu tránh cơn buồn bực mà nói chuyện nhỏ nhẹ với anh. “Cuộc đối thoại nhẹ nhàng” ấy cuối cùng đã giải quyết được vấn đề. “Giận nhau chuyện nhỏ thì vài giờ thôi, chuyện lớn hơn thì cũng chỉ một ngày là tối đa. Đừng để lâu sẽ chỉ khiến tâm trạng cả hai trở nên nặng nề. Đàn ông họ không giỏi suy đoán, phụ nữ giận gì, muốn gì cứ phải nói ra, chuyện gì cũng có thể giải quyết được hết” – chị phân tích như vậy.
Chị bảo có lần vui miệng đã “ép” chồng trả lời câu hỏi “Anh thích nhất điều gì ở em?” – yêu cầu trả lời trong vòng một phút bao mươi giây. Anh nói ngay: “Em ngoan”. Chị mới biết, không phải sự xinh đẹp hay bản lĩnh công việc, trí tuệ hay bất cứ những hào nhoáng nào khác từ địa vị xã hội của chị, mà chỉ là một chữ “ngoan”.
Có lần về quê anh, chị cũng nghe anh tự hào khen “vợ hiền và ngoan” với anh em họ hàng. Lúc nghe anh nói vui: “Mai mốt về quê mà nói vợ anh muốn đi ngủ sớm cũng xin phép chắc anh em họ hàng ghen tỵ chết thôi”, chị chợt nhận ra rằng bấy lâu nay, sự “ngoan hiền ngọt ngào” của mình vẫn là niềm tự hào của chồng.
|
Anh hãnh diện vì chị ngoan hiền, đó là kết quả quá trình "học ghìm" của chị. Ảnh minh họa nguồn Internet |
“Sự hiền ngoan” đó một phần từ tính cách dịu dàng ngọt ngào của chị, phần khác là chị đã biết cách để giữ vững lửa ấm cho gia đình. Chị nói vì biết rõ “thế mạnh” của mình trong lòng anh nên đã dùng nó như một “quyền lực mềm”. Mà đó cũng là hạnh phúc của chị.
Phụ nữ hiện đại biết chăm chút, yêu thương bản thân nên luôn có thể xinh đẹp, giỏi giang. Nhưng phụ nữ hiện đại cũng cần học cách ghìm mình vì một chữ “ngoan” – tất nhiên là “ngoan” với người xứng đáng…
Diệp Nguyễn