Bỏ về khi đang cấp cứu: Bệnh nhân tự rước nguy hiểm cho mình

13/02/2023 - 06:53

PNO - Được bác sĩ cấp cứu qua nguy kịch, một số bệnh nhân vừa tạm hết đau đã nằng nặc đòi về nhà, thậm chí trốn viện mà không biết rằng họ vừa tự đưa mình vào tình huống có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Vừa bớt đau, bệnh nhân đã xin về

Một bệnh nhân là ông N.V.T. (72 tuổi, ở tỉnh Long An) vừa được một bệnh viện (BV) tại TPHCM cấp cứu tạm qua cơn đau đầu như búa bổ, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy ông bị phình mạch máu não cần nhập viện phẫu thuật điều trị. Tuy vậy, 2 người con của ông vẫn nằng nặc đòi cho về, bỏ qua lời cảnh báo của bác sĩ rằng ông T. có thể tử vong bất kỳ lúc nào nếu mạch máu bị vỡ. Một người con trai của ông T. cho biết đã điện thoại về nhà, mẹ anh không đồng ý phẫu thuật vì… “hết nhức đầu thì thôi, khi nào đau lại sẽ vào BV tiếp”. Anh T. cũng đồng quan điểm với mẹ: “Tôi thấy nhiều người mổ não rất nguy hiểm, có khi bị nhiều di chứng nữa. Hiện tại, cha tôi đang ổn, tỉnh táo, nói chuyện rất rành mạch thì không cần phải mổ”. 

Nghe câu chuyện này, bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Thị Mỹ Hiền - Phó khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định - chia sẻ: “Dù tỉ lệ bệnh nhân bỏ điều trị tại đây rất thấp, nhưng cũng có nhiều trường hợp khi người bệnh trở nặng, quay trở lại cấp cứu thì đã quá muộn, rất đáng tiếc”.

 

Mỗi ngày, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận khoảng 200 ca cấp cứu - ẢNH: PHẠM AN
Mỗi ngày, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận khoảng 200 ca cấp cứu - Ảnh: Phạm An 

Chẳng hạn một cụ bà bị nhiễm trùng đường mật, cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, sốt cao, vàng da… Xử trí ban đầu, bác sĩ cho người bệnh dùng thuốc giảm đau, và làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Kết quả cho thấy bà bị nhiễm trùng đường mật do sỏi, phải phẫu thuật xử lý. Tuy nhiên, do được truyền thuốc giảm đau, hạ sốt trong khi chờ kết quả siêu âm, CT nên cụ bà không thấy đau nữa. Người nhà lập tức xin về vì cho rằng bà đã lớn tuổi, nếu phẫu thuật sẽ mất sức và “hiện bà không còn đau nữa thì bệnh không đến nỗi phải phẫu thuật”.

Dù bác sĩ đã giải thích rõ là bệnh của bà phải phẫu thuật chứ không thể điều trị nội khoa, nếu đưa về khi hết thuốc bà sẽ đau lại… Người thân lại cho rằng nhà ở gần BV, nên vẫn sẽ đưa về, nếu bà có gì sẽ quay lại BV sau. Về nhà chưa được 2 ngày, các con của cụ lại hớt hải đưa bà vào cấp cứu. Lúc này, bà đã rơi vào sốc nhiễm trùng, nhiễm khuẩn nặng, mạch, huyết áp không ổn định, khó thở. Bác sĩ phải dùng thuốc vận mạch, cho bà thở máy… nhưng bệnh tiến triển quá nhanh nên bà không qua khỏi. 

“Nếu ngay từ đầu người nhà đồng ý cho bà cụ nhập viện phẫu thuật theo chỉ định, thì khả năng bình phục của bệnh nhân rất cao. Bởi vì trong lần cấp cứu đầu tiên, tình trạng nhiễm trùng của người bệnh được kiểm soát, đủ sức khỏe phẫu thuật để lấy sỏi đường mật ra ngoài. Sau phẫu thuật, người bệnh nằm viện khoảng 5-7 ngày chăm sóc hậu phẫu sẽ bình phục trở lại” - bác sĩ Hiền nói.

Hay một bệnh nhân nam bị viêm phổi, khi đến BV cấp cứu bác sĩ đã phải hỗ trợ thở. Nằm cấp cứu khoảng 30 phút, bệnh nhân thấy hết mệt liền cùng người nhà đòi về. Chỉ được vài tiếng đồng hồ, nam bệnh nhân lại lên cơn khó thở, quay lại BV nhưng đã ngưng tim, ngưng thở. 

Phối hợp với bác sĩ để điều trị tốt hơn

Bác sĩ Đặng Thị Mỹ Hiền cho biết, trung bình mỗi ngày, Khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định tiếp nhận khoảng 200 trường hợp cấp cứu. Trong đó, có khoảng 2/3 bệnh nhân cần nhập viện để theo dõi, điều trị và tìm nguyên nhân bệnh. Mỗi tháng có khoảng 10 trường hợp người bệnh hoặc thân nhân xin về, tự ý về sau khi qua nguy kịch. Tuy tỉ lệ rất thấp nhưng nguy hiểm vì những trường hợp này chưa được xác định bệnh và điều trị triệt để.

Người xin về thường là những bệnh nhân lớn tuổi, có chỉ định phẫu thuật. Số ít người bệnh ở độ tuổi thanh niên, thậm chí trẻ nhỏ với nhiều lý do như không chấp nhận phẫu thuật, sẽ đưa người bệnh đi khám vào hôm khác… Nguy hiểm nhất là suy nghĩ chủ quan cho rằng nhà gần BV nên “nếu đau, mệt, chạy vào cũng nhanh”. “Không chỉ ở người lớn tuổi, từng có bệnh nhân trẻ bị sốt xuất huyết vào cấp cứu. Mặc dù bệnh nhân đang ở những ngày nguy hiểm của sốt xuất huyết, các chỉ số xét nghiệm đã “báo động” nhưng bệnh nhân cho rằng đang cảm thấy khỏe nên không chấp nhận nằm viện. Không may, khi về nhà, người bệnh rơi vào sốc sốt xuất huyết quay trở lại đã suy hô hấp, không thể cứu được” - bác sĩ Hiền nói thêm.

Cấp cứu chỉ giải quyết các vấn đề nguy cấp ban đầu, trường hợp bệnh nhân cần phải nhập viện theo dõi, tìm nguyên nhân bệnh bác sĩ mới cho chỉ định nhập viện. Chính vì vậy, người bệnh và thân nhân cần hợp tác thì bác sĩ mới có thể điều trị triệt để. Đặc biệt là những bệnh cần theo dõi như cơn thoáng thiếu máu não, nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng, viêm phổi, bệnh về hô hấp, co giật… hay những bệnh nhân gặp các vấn đề về nội khoa, chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. 
Quyền quyết định điều trị không ở bác sĩ mà từ người bệnh, gia đình. Khi người thân, bệnh nhân cố tình không hợp tác với bác sĩ đã vô tình tước đi cơ hội được cứu sống của chính mình. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI