Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch cần là đầu tàu để áo dài thành di sản

19/10/2020 - 06:30

PNO - Bà Huỳnh Ngọc Vân (Giám đốc Bảo tàng Áo dài) cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đứng ra điều phối để lựa chọn hướng đi phù hợp.

Hội thảo Áo dài và di sản văn hóa là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ Lễ hội Áo dài TP.HCM 2020 (kéo dài tới tháng 11). Tại đây, lịch sử, giá trị của áo dài gắn với bảy di sản văn hoá phi vật thể như: hát xoan, quan họ, dân ca, ví dặm... lần lượt được trình bày. Một câu hỏi lớn được đặt ra, áo dài gắn với di sản, nhưng bao giờ bản thân nó sẽ trở thành một di sản có “giấy tờ” của Việt Nam?

Bà Huỳnh Ngọc Vân khẳng định áo dài trở thành di sản chính thức của người Việt là một công việc quan trọng. “Trước khi áo dài trở thành di sản của người Việt thì nó phải được công nhận là quốc phục bằng văn bản của Nhà nước. Muốn UNESCO công nhận áo dài là di sản, trước hết phải hoàn tất khâu trong nước” - bà Vân nói.

Áo dài trình diễn trong khai mạc Lễ hội Áo dài TP.HCM 2020
Áo dài trình diễn trong khai mạc Lễ hội Áo dài TP.HCM 2020

Áo dài là vật thể hiện hữu nhưng nếu muốn công nhận đây là một di sản văn hóa phi vật thể thì có ba con đường: thứ nhất, nghề may áo dài, thứ hai, không gian văn hóa áo dài (mặc ở đâu, dịp gì) và thứ ba, tổng hợp quá trình trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, may áo dài. Bộ Văn hoá , Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vẫn đang phân vân lựa chọn con đường nào để trở thành di sản văn hóa phi vật thể liên quan tới áo dài.

Hướng đầu tiên hiện đang gặp khó, bởi chưa thể tôn vinh nhiều nghệ nhân may áo dài, do vướng luật hiện hành. “Nhà thiết kế thì nhiều, nhưng họ chỉ đóng vai trò sáng tạo là chủ yếu. Còn người gìn giữ nghề may áo dài thực sự họ sống trong những xóm, làng rất nhỏ, không có tên tuổi. Nhưng hiện tại gặp khó để họ được công nhận là nghệ nhân, như các loại hình nghệ thuật khác. Họ làm nghề rất âm thầm, kiếm được hàng trăm học trò giỏi nghề càng là chuyện khó, bởi nghề may rất khó để truyền, ngay cả cha mẹ truyền cho con cái” - bà Vân chia sẻ.

Hiện tại chỉ mới một người ở Hà Nội được vinh danh nghệ nhân may áo dài chính thức. Còn một người cũng được vinh danh nghệ nhân, nhưng do Bộ Công thương thực hiện chứ không phải Bộ VHTTDL. 

Bà Vân cho biết đã đề xuất với Ban tổ chức Lễ hội Áo dài TP.HCM mỗi năm tìm và vinh danh mười thợ giỏi nghề, đặc biệt nhóm có tuổi đời lớn, tuổi nghề lớn, từ đó hình thành một cộng đồng thợ may áo dài để tiến những bước xa hơn. Ngoài ra, bà cho rằng Huế, Hà Nội cũng cần thực hiện động thái này, để việc xét danh hiệu trong thời gian tới thuận lợi hơn.

Thừa Thiên - Huế hiện là địa phương muốn phát triển hình ảnh thành quê hương của áo dài, với rất nhiều hoạt động cụ thể vừa qua. Bà Vân cho rằng Huế, TP.HCM hay thủ đô Hà Nội đều xứng đáng là những không gian văn hóa gắn với áo dài để góp phần hoàn thiện hồ sơ. Ở ba địa phương này, áo dài được sử dụng rất nhiều trong các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống và hiện đại, đồng thời áo dài cũng được dùng rất nhiều trong đời sống.

Trong chia sẻ mới nhất với Báo Phụ Nữ TP.HCM, phó giáo sư - tiến sĩ Đặng Văn Bài (nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam) và phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện Nghệ thuật Văn hóa quốc gia Việt Nam) đều cho rằng TP.HCM là địa phương thích hợp trình hồ sơ để giúp áo dài trở thành di sản của Việt Nam.

Nghệ nhân ưu tú Hồng Oanh đề xuất hướng dẫn viên du lịch Việt Nam cần trang bị áo dài và học hát dân ca ba miền để góp phần truyền tải giá trị của áo dài và nghệ thuật Việt đến khách trong nước, quốc tế
Nghệ nhân ưu tú Hồng Oanh đề xuất hướng dẫn viên du lịch Việt Nam cần trang bị áo dài và học hát dân ca ba miền để góp phần truyền tải giá trị của áo dài và nghệ thuật Việt đến khách trong nước, quốc tế

Bà Vân cho rằng TP.HCM có lợi thế hình ảnh năng động, áo dài được sử dụng nhiều trong lễ hội, công

Một số diễn giả có mặt trong hội thảo Áo dài và di sản văn hóa đề xuất một số ý tưởng nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dành cho áo dài như: áo dài gắn với ma chay của người Việt (có những địa phương mặc áo dài cho người đã khuất khi tẩm liệm), áo dài với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, áo dài với người nước ngoài…

việc… có thể phù hợp với tiêu chuẩn không gian văn hóa. Nhưng TP.HCM hạn chế ở điểm không có các làng nghề dệt vải lụa như ở Huế, Hà Nội để làm hồ sơ theo hướng thứ ba, chưa có bất kỳ nghệ nhân nào được công nhận danh hiệu để hoàn thiện hồ sơ theo hướng thứ nhất, nhưng có ưu thế với số lượng thợ giỏi nghề nhiều. Đặc biệt, hướng thứ ba sẽ là một quy trình phức tạp, khó cho cả ba địa phương.

Theo bà, nếu chọn tiêu chí không gian văn hóa thì hồ sơ sẽ đủ mạnh, vì cả ba nơi đều có thể đáp ứng. 

“Cách đây hai tháng, tôi có tham dự một hội nghị ở Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam đã rất tích cực để đốc thúc các cơ quan chức năng lựa chọn hướng đi cho áo dài trở thành di sản. Trước mắt, chúng ta phải lựa chọn con đường đi. Bộ VHTTDL phải là đầu tàu, nhạc trưởng để điều phối cho các địa phương, trình phương án lên Chính phủ và tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan” - bà Vân nói. 

Trước mắt, bà Vân cho rằng cần phải chờ đợi thêm để hồ sơ được hoàn thành theo luật định. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là diện áo dài nhiều hơn, mặc đúng cách và tiếp tục phát huy, đặc biệt với giới trẻ, thế hệ sẽ tiếp tục gìn giữ áo dài. 

Trung Sơn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI