"Bờ vai" của ông Cần

18/12/2015 - 07:53

PNO - “Đừng viết gì về tôi cả. Chỉ viết về một nơi như thế này giữa lòng phố xá. Để càng nhiều người biết và tìm đến càng vui..."

Sài Gòn, tháng cuối năm. Gió xao xác từng hồi. Tiếng động cơ chạy rì rầm trên con đường Nguyễn Hữu Cảnh nhộn nhịp. Trước căn nhà số 21, trên dãy ghế đá, ba nam thanh niên chăm chú đọc sách. Cạnh bên, hai cụ già vừa nhâm nhi chén trà, vài mẩu bánh vừa nhẩn nha đọc sách. Là khung cảnh một buổi hoàng hôn giữa lòng phố…

1. Nâng niu cuốn sách cũ trên tay, đưa lên mũi hít nhè nhẹ mùi giấy, Lê Thị Hoài An (SV năm 3 ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) khẽ vuốt mặt bìa, thong thả lật từng trang… Sau một giờ đọc sách thì nỗi đau khổ nào của mình cũng biến mất, An đã nói như vậy với tôi. Và cô đã thật sự coi sách như người bạn đồng hành, là thứ trang sức đẹp đẽ nhất để làm đẹp tâm hồn.

Giống An, Nguyễn Thái Anh Thư (SV năm 2 ĐH Mỹ thuật) cũng là “mối” quen ở đây. “Còn nhớ, lần đầu em biết đến nơi này là hôm biết tin mình thi rớt đại học. Bước chân hoang mang, vô định. Em tuyệt vọng cùng cực. Đi ngang đây, em ghé vào, lựa đại một cuốn sách, đọc mà nước mắt cứ lã chã rơi. Rồi chú Cần đã đến hỏi thăm, động viên, an ủi. Nhờ những lời khuyên chí tình của chú ấy, mà em ráng gượng dậy, học tiếp. May sau đã thi đậu. Vậy là em gắn bó luôn với nơi này. Lúc rảnh rỗi tìm đến đây, làm bạn cùng sách, cùng chú, cùng những người bạn mới. Thấm thoát đã bốn năm trôi qua…”, Thư kể.

Ông Cần tận tụy với thư viện mini

Ngày đó, ông Cần không thể không chú ý một cô gái gương mặt dàu dàu, ủ rũ, thường xuyên ghé đọc sách và như có ý nấn ná không muốn về khi đến giờ đóng cửa. Sau nhiều ngày quan sát, ông đã mở lời: “Con có chuyện gì buồn sao con?”.

Anh Thư nghẹn ngào kể với ông về nỗi đau khổ thi rớt, về nỗi lòng tuyệt vọng đến mức muốn tự tử. Trầm ngâm, ông đưa cô bé tham khảo cuốn: Quẳng gánh lo đi mà vui sống. Những ngày sau, khi cô bé đến, hôm thì ông nấu cho tô mì gói, hôm ông giới thiệu cuốn Thép đã tôi thế đấy.

Thân thiết, Anh Thư kể ông nghe về Mỹ Tho quê mình, về đàn em nheo nhóc, về những vất vả mưu sinh của cha mẹ. Ông chỉ im lặng ngồi nghe thôi. “Vậy mà cái hôm con nhỏ nói quyết định sẽ đăng ký thi lại, tôi mừng suýt khóc. Tôi không muốn ép cháu phải học, phải thi, vì biết đâu gây nên gánh nặng áp lực tâm lý, con nhỏ sợ, không ghé đây, rồi nghĩ quẩn thì khổ. Tôi chỉ như một người bạn, lặng lẽ nghe con bé trút kể nỗi niềm. Ngày con nhỏ chạy như bay trên chiếc xe đạp đến báo tin thi đậu, tôi khóc thật. Rồi hai chú cháu ngồi hàng giờ bên những cuốn sách, vẽ nên tương lai tươi sáng. Tuổi trẻ mà, có những ranh giới mong manh như sợi tóc, nếu không có ai cạnh bên chia sẻ, dễ buông tay đầu hàng. Nên những ngày Anh Thư khủng hoảng, đêm tôi cũng ngủ không yên. Sợ con nhỏ nản chí, làm liều…”.

2. “Tôi mở quầy sách đọc miễn phí này đã hơn 5 năm. Bởi tôi nhớ niềm đam mê ham đọc sách thuở nhỏ. Thời khó khăn ấy, tôi là đứa trẻ chuyên đọc cọp. Giờ tuổi già xế bóng, cuộc sống hưởng được nhiều điều như ý, tôi muốn chia sẻ thú vui đọc sách cùng mọi người”, ông Nguyễn Ngọc Cần, 63 tuổi, chủ quầy sách cho biết.

Trước ông phụ trách nhân sự cho một công ty, sau chuyển sang làm việc tại Hội người mù quận Bình Thạnh. Có căn nhà rộng, ông ngăn ra cho thuê mở quán cà phê, diện tích còn lại ông đầu tư thành thư viện mini này.

Có hơn 3.000 đầu sách đủ các lĩnh vực văn học, sức khỏe, học làm người, sách về đạo Phật. Những ngày đầu, ông cặm cụi đi gom góp sách khắp nơi. Và mãi tận bây giờ vẫn thế - mỗi sáng ông đi đến khắp các chỗ mua bán sách, lựa thêm nguồn tuyển mua về. Chiều từ 15g-22g, ông mở cửa “thư viện”, đón đủ các đối tượng già trẻ, học sinh sinh viên, trí thức… Đều đặn mỗi ngày, kể cả những ngày lễ tết.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI