Một nghiên cứu của IDC cho biết, nhờ Big Data (tập hợp dữ liệu lớn), vào năm 2013 Amazon đạt doanh thu tới 74 tỷ USD, IBM đạt hơn 16 tỷ USD.
Vậy Big Data là gì mà thần kỳ như vậy?
Thế giới chúng ta đang bước vào kỷ nguyên Big Data, khi các quyết định, các chiến lược được đưa ra không dựa vào chuyên gia mà dựa vào các tập hợp dữ liệu lớn này.
Các doanh nghiệp cũng đang sở hữu Big Data của riêng mình. Tuy nhiên, tính nhạy cảm quanh thông tin cá nhân và an ninh là những trở ngại trong việc ứng dụng. Ngày càng có nhiều công ty cần phải truy cập dữ liệu từ các bên thứ ba, như đối tác kinh doanh hay khách hàng, và hợp nhất chúng với dữ liệu của họ.
Chính vì vậy mà vụ lùm xùm về sử dụng dữ liệu khách hàng của Facebook - mạng xã hội lớn nhất thế giới thời gian gần đây đã vô tình vén lên những góc khuất sau bức màn nhung lung linh của trang mạng xã hội này nói riêng và khá nhiều ông lớn trong lĩnh vực công nghệ nói chung.
|
Cuộc sống của chúng ta hiện nay được giám sát bởi "Bộ Tứ Quyền Lực" này. |
Điểm qua “tứ đại quyền lực” nổi đình đám nhất trên thế giới hiện nay, gồm Facebook, Google, Apple và Amazon, với tất cả sự tôn trọng về những thành công mà họ đạt được, nhưng mỗi đại gia này đằng sau những chiếc mặt nạ dát vàng là chiến lược và năng lực thao túng siêu phàm, cũng đồng nghĩa với những góc khuất, những bê bối liên quan đến việc sử dụng nguồn tài nguyên khổng lồ này đã hoặc chưa được khai thác.
Facebook
Nói về Facebook những ngày qua có khi lại thừa, khi tên tuổi của họ với vụ bê bối để bên thứ ba là Cambridge Analytica sử dụng thông tin khách hàng vào những mục đích chính trị đã quá phổ biến. Có nhiều góc nhìn và mức độ đánh giá độ nghiệm trọng của sự việc, nhưng Facebook cũng đứng trước những trừng phạt từ tài chính đến những ảnh hưởng chưa dự đoán chính xác được về chiến lược lâu dài và những thay đổi lớn chắc chắn sẽ diễn ra.
Facebook được đánh giá là nơi tô vẽ cuộc sống của bạn như một bức tranh đầy màu sắc với những lớp sơn bóng bẩy, những nét vẽ đẹp đẽ (theo The Four), tuy nhiên qua đó, hàng loạt hoạt động, tính cách, hình ảnh, quan hệ, sở thích,… của bạn được vạch trần qua những thói quen và hành vi sử dụng.
|
Mark Zuckerberg - CEO Facebook điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tuần trước liên quan đến bế bối thu thập thông tin người dùng. |
Chúng ta được Facebook dẫn dắt để khai thác đến trần trụi bản chất của mình với một tâm thế đầy hứng khởi và trở thành một thói quen ăn sâu khó bỏ.
Facebook tuyên bố sẽ thay đổi, nhưng cũng đưa ra vấn đề sẽ thu phí nếu nguồn thông tin cá nhân của người sử dụng được kiểm soát an toàn và chặt chẽ. Rõ ràng, nguồn dữ liệu mà Facebook thu được khi bán cho bên thứ ba hay các khách hàng doanh nghiệp đã từng mang đến cho hãng lợi nhuận khổng lồ.
Google
Vụ bê bối của Facebook kéo gã khổng lồ Google vào danh sách những công ty công nghệ nằm trong tầm kiểm soát chặt chẽ khi Google cũng là một trong những công ty đang nắm trong tay những dữ liệu khổng lồ liên quan đến người dùng. Những gì Google có thể làm khi sử dụng những thống kê về hành vi của người dùng trên nền tảng của mình thật sự khủng khiếp.
Một ví dụ nhỏ mang tính tích cực, năm 2009, Google đã sử dụng dữ liệu Big Data để phân tích và dự đoán việc ảnh hưởng, lan truyền của dịch cúm H1N1. Dịch vụ này có tên là Google Flu Trends. Những kết quả Google rút ra được là từ những từ khóa tìm kiếm liên quan đến dịch H1N1. Kết quả được kiểm chứng là rất sát so với kết quả do 2 hệ thống cảnh báo cúm độc lập Sentinel GP và HealthStat đưa ra.
Big Data là thuật ngữ dùng để chỉ một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp đến nỗi những công cụ, ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không thể đảm đương được. |
Bằng những tìm kiếm trên nền tảng này, chúng ta đã tự động trút hết những thầm kín riêng tư với người khổng lồ, cả những điều chúng ta không thể chia sẻ với cha mẹ, bạn thân, bác sĩ hay thậm chí cả linh mục - theo The Four.
Như vậy, những tìm kiếm, những câu hỏi của chúng ta trên nền tảng này, sau những thống kê sẽ giúp Google có được những dữ liệu về tính cách, hành vi, quan điểm, lối sống,… của người sử dụng.
Ngoài những bê bối về phân biệt chủng tộc, độc quyền,… Google đã từng đứng trước các đơn khiếu nại về việc xâm nhập bất hợp pháp và cho phép người khác thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng điện thoại Android mà không được sự đồng ý. Khiếu nại tố cáo việc Google cho phép các nhà phát triển ứng dụng thu thập vị trí địa lý, tuổi tác, giới tính, mã bưu điện, hoạt động người dùng, ID thiết bị và các thông tin khác.
Apple
Tương tự như hai “ông lớn” nêu trên, Apple là một trong những công ty công nghệ liên tục đối mặt với những khiếu nại, kiện tụng. Mới đây khi điều trần trước Quốc hội Mỹ, CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã… khều nhẹ “quả táo cắn dở” khi cho rằng Apple cũng có những thuật toán và cơ chế khai thác thông tin người dùng trên điện thoại của họ.
Một trong những dẫn chứng có thể thấy Mark đúng là việc Apple thừa nhận và xin lỗi cho việc làm chậm thế hệ iPhone cũ khi người dùng nâng cấp phần mềm lên phiên bản mới.
Bằng việc lèo lái tâm lý người tiêu dùng rằng chỉ có 1% người trên thế giới có thể mua được các sản phẩm của Apple, hãng đã khiến người sử dụng tin rằng họ thông minh và tinh tế khi có được sản phẩm khan hiếm trong tay - theo The Four.
Cách nào khiến Apple có thể có được những chiến lược như vậy ngoài việc hiểu được hành vi và tâm lý người dùng. Việc khai thác tốt nguồn tài nguyên dữ liệu về người dùng đã mang đến cho Apple những bước đi và chiến lược tốt. Dĩ nhiên, bên cạnh đó luôn là những rủi ro về kiện tụng.
Amazon
Với Amazon, tiêu chí “Dữ liệu thống trị tất cả” là kim chỉ nam cho tất cả mọi hoạt động của hãng. Khả năng tận dụng tốt dữ liệu người dùng là chìa khoá để gia tăng giá trị vòng đời của mỗi khách hàng, qua đó thúc đẩy giá trị doanh nghiệp. Amazon là kẻ vô cùng lão luyện trong việc sử dụng dữ liệu của mình để giữ chân khách hàng, buộc họ phải tiếp tục đưa ra quyết định mua hàng với những chiêu thức marketing vô cùng chuẩn xác.
Dữ liệu của Amazon nằm trong hệ thống của họ, và vì thế công ty này có thể tận dụng được lợi thế dữ liệu xuyên suốt chiều dài lịch sử của mình một cách quy chuẩn, thống nhất, và khả năng am hiểu những khách hàng trung thành của mình muốn gì với độ chính xác lên tới 100%.
“Bộ tứ quyền lực” đang thống trị nền kinh tế số cơ bản đều phát triển và lớn mạnh bên cạnh tài năng thì phần lớn dựa vào nguồn dữ liệu khổng lồ - Big Data. |
Tầm quan trọng của dữ liệu khách hàng liên quan đến sự sống còn hay định giá của một công ty như Amazon. Trên thực tế, những công ty trên nền tảng web với dữ liệu người dùng chất lượng cao như Amazon sẽ có định giá doanh nghiệp cao hơn nhiều so với một công ty với quy mô doanh thu tương tự nhưng có ít dữ liệu giá trị hơn. Ví dụ: Walmart, dù công ty này có doanh thu gấp 4 lần nhưng chỉ được định giá bằng một nửa Amazon.
Vụ bê bối của Facebook chắc chắn sẽ đặt Amazon - người đang nắm giữ nguồn dữ liệu khổng lồ và quy củ này dưới sự giám sát khắt khe cùng những điều luật ràng buộc về cách thức sử dụng “mỏ vàng” này một cách gắt gao nhất.
Có thể thấy, “bộ tứ quyền lực” đang thống trị nền kinh tế số cơ bản đều phát triển và lớn mạnh bên cạnh tài năng thì phần lớn dựa vào nguồn dữ liệu khổng lồ - Big Data.
Chính vì vậy, việc các “ông lớn” bằng cách này hay cách khác bất chấp khai thác dữ liệu khách hàng là điều hiển nhiên. Khi những gì có thể khai thác được từ Big Data hay AI (trí tuệ nhân tạo) dựa trên những hiểu biết của thế kỷ 21 này còn nhỏ bé, hãy chờ xem thế giới sẽ mang lại cho chúng ta những gì, những “ông lớn” nào khác sẽ xuất hiện với những công nghệ mới soán ngôi Tứ Đại Quyền Lực đương thời.
Vân Anh