Bộ trưởng trải lòng về làm đổi mới giáo dục

08/09/2015 - 07:38

PNO - Trong gần 90 phút trò chuyện, người đứng đầu ngành giáo dục luôn đề cao sức mạnh tập thể để tìm phương án "có lợi" nhất cho học sinh...

“Đến thời điểm này, chúng ta đã tiến hành 3 lần cải cách - đổi mới quá trình giáo dục. Có thể nói, những lần trước không động chạm đến phương pháp mà chỉ tăng hoặc giảm kiến thức...

Cho nên, có thể khái quát lại là khối lượng kiến thức dồn vào nhiều. Nhưng cũng có lý do khách quan là kiến thức nhân loại phát triển..." – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tóm lược.

Tuy nhiên, theo ông Luận, lần đổi mới căn bản này không chỉ động chạm đến kiến thức mà còn động chạm đến cách tiếp cận, đến cách thức, phương pháp.

“Nói theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê nin là "Quan trọng không phải sản xuất ra cái gì mà sản xuất như thế nào". Và nói theo ngôn ngữ khoa học là "chuyển từ phương thức truyền thụ kiến thức một chiều sang phát triển kỹ năng và năng lực".

Bo truong trai long ve lam doi moi giao duc
Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận.

Và trong sự thay đổi này đã có thay đổi triết lý. “Đó là vì sự phát triển của học sinh theo một lộ trình để trở thành người lao động tốt - chứ không phải triết lý cứ trang bị nhiều kiến thức, không phải nhớ nhiều kiến thức rồi nói lại đúng những kiến thức đã học rồi được đánh giá là giỏi.

Trước đây, chúng ta trang bị cho các cháu phương pháp học thế nào, còn nay là làm thế nào để các cháu tự học, rồi dần dần tự nghiên cứu để giải quyết chuyện học suốt đời.

Muốn triển khai được sự thay đổi đó thì phải thay đổi nhận thức, những gì là ưu điểm thì giữ lại, còn cái gì lạc hậu thì phải bỏ đi. Với cái mới được đưa vào cũng phải có cách tiếp cận mới, để lựa chọn đúng cái phù hợp” – ông Luận phân tích.

Cách tiếp cận khác

“Khi làm chương trình mới, nếu các thầy lại mang vốn sống cũ vào chiếu thiếu phần này, thiếu môn này, phải có môn này, phải có môn kia, thì đó là tư duy cũ. Bây giờ, điều xuyên suốt là cần cái gì để phát triển năng lực cho các cháu?

Công cuộc đổi mới này tất nhiên vẫn có những kế thừa, không xóa sạch trơn để làm mới từ đầu mà làm mới có kế thừa nhưng không phải như cũ”.

Ví dụ cho quan điểm này, ông Luận đưa ra việc đổi mới thi năm nay. “Nếu xét chi tiết thì cụm thi ở địa phương năm nào cũng tổ chức, cụm thi ĐH diễn ra 14 năm nay rồi.

Nhưng trước đây làm theo một cách tiếp cận khác, bây giờ kế thừa nhưng trong một hệ thống mới, cách tiếp cận mới, sắp xếp theo cách mới nhằm đạt mục tiêu khác. Chứ làm mới tinh tất cả thì cũng không làm được, nên vẫn phải huy động vốn sống, huy động kinh nghiệm của anh em để làm”.

Trở lại Thông tư 30, ông Luận đặt câu hỏi và tự trả lời: “Cách đánh giá này mới không? Chắc chắn là không mới, vì trước đây phần đầu Giấy kiểm tra một bên là điểm, một bên là lời phê. Và bài kiểm tra cho điểm 9 nhưng bên cạnh vẫn kèm lời phê của cô giáo...”.

“Tôi nhắc lại điều đó để thấy không có gì mới ở Thông tư 30, mà trở về cái tốt cũ nhưng đặt nó trong hệ thống mới.

Cốt lõi của Thông tư 30 không đặt ra trò nào loại 2, trò nào loại 3, chúng ta quan tâm, chăm sóc, động viên và uốn nắn từng cháu, để các cháu vượt chính mình theo hướng chuẩn.

Như thế, là trở về cái cũ để đạt mục tiêu đổi mới.

Và đánh giá giáo viên là phải đánh giá sự tiến bộ của học trò. Thầy cô mà dạy các cháu được giải quốc tế thì đáng tự hào lắm. Nhưng thầy cô dạy trò yếu, kém lên thành trung bình, thành khá thì vĩ đại không kém. Không phải lấy chuẩn để đo mà lấy sự trưởng thành, sự tiến bộ của học sinh để đánh giá công lao của thầy. Đây là thay đổi công việc, thay đổi cách làm, cách tiếp cận nhưng cũng là thay đổi tư duy”.

"Tôi thấy dân tin mình"

Trả lời câu hỏi: “Ông đánh giá thế nào về sự thay đổi của xã hội trước những đổi mới của ngành?”, ông Luận thẳng thắn: "Sự thay đổi nhận thức xã hội khiến tôi bất ngờ. Tôi đã nghĩ rằng còn khó khăn hơn nữa. Nhận thức về Nghị quyết 29 của ngành và của xã hội đi vào cuộc sống nhanh hơn tôi dự đoán”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI