Bộ trưởng Tô Lâm: Không có chuyện người dân dùng thẻ căn cước sẽ bị theo dõi

10/06/2023 - 14:42

PNO - Bộ trưởng Bộ Công an phản bác lại ý kiến lo ngại khi dùng thẻ căn cước mới, người dân sẽ bị theo dõi.

 

Bộ trưởng Bộ công an khẳng định, do không có sóng nên thẻ căn cước không thể bị theo dõi như một số ý kiến lo lắng

Bộ trưởng Bộ công an khẳng định, do không có sóng nên thẻ căn cước không thể bị theo dõi như một số ý kiến lo lắng

Bỏ lọt hàng triệu người không giấy tờ tùy thân

Tại phiên thảo luận tổ Quốc hội ngày 10/6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chia sẻ sự cần thiết trong việc triển khai, làm thẻ căn cước cho công dân Việt Nam. Theo ông, nếu không có giấy tờ, rất khó để xác định nhân thân của người già, trẻ em đi lạc…

Đặc biệt, thời gian qua, khi rà soát để làm thẻ căn cước công dân cho người dân, lực lượng công an phát hiện có cả triệu người dân không có bất cứ thứ giấy tờ nào. "Kể cả trong thống kê dân số cũng không có vì họ không có giấy tờ gì cả, không có căn cước, không hộ khẩu. Một con số rất đáng buồn. Từ trước đến giờ chúng ta nói hệ thống quản trị rất chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, nhưng bỏ lọt là rất nhiều, hàng triệu người", Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.

Tư lệnh ngành công an cũng cho biết thêm, hầu hết những người không có giấy tờ tùy thân thuộc nhóm đối tượng yếu thế, là người ở vùng sâu, vùng xa, người tàn tật, không nơi nương tựa…

Họ chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà của họ, không có nhu cầu kết nối xã hội, chưa từng đi đâu và cả đời chưa từng được chụp ảnh. “Có những trường hợp rất xúc động, những cụ già đến chụp ảnh làm căn cước công dân, các cụ nói tôi 70 tuổi rồi, chưa bao giờ được chụp một cái ảnh", ông nói.

Không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, mà ngay cả tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Bộ trưởng Bộ công an cũng thông tin có hàng trăm ngàn người chưa có các loại giấy tờ tùy thân. Đó là những người đến từ nhiều vùng để mưu sinh, từ những cậu bé đánh giày, người bán hàng rong, làm mướn… Sau đó, con em những người này sinh ra, nhiều trẻ tiếp tục không có giấy tờ tùy thân, không được đi học và cuộc sống khó khăn như bố mẹ đã từng.

Bộ trưởng chỉ ra, qua đại dịch COVID-19, vấn đề này đã được bộc lộ rất nhiều và việc cải tiến, hiện đại trong quản lý cơ sở dữ liệu cư dân đã phát hiện ra. Khi hoàn thiện hệ thống thẻ căn cước, theo Bộ trưởng sẽ không phải thực hiện tổng điều tra về dân số.

Hiện nay, Bộ công an đang tiếp tục triển khai làm căn cước công dân cho người dân và phấn đấu hoàn thành trước 30/7. Hiện đã có 19 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% cấp thẻ căn cước công dân.

Tính toán đưa công nghệ sinh học vào quản lý

Cả nước hiện đã có 19 tỉnh, thành hoàn thành 100% cấp thẻ căn cước công dân

Cả nước hiện đã có 19 tỉnh, thành hoàn thành 100% cấp thẻ căn cước công dân (ảnh minh họa)

Liên quan tới thẻ căn cước mới đang được quy định trong dự thảo, Bộ trưởng Bộ Tô Lâm cho biết, chiếc thẻ này có thể sử dụng trong việc đi máy bay cả ở trong nước và quốc tế, tiến tới không cần sử dụng hộ chiếu, người dân chỉ cần thị thực, quẹt thẻ căn cước là có thể di chuyển.

Bộ Công an cũng tính toán đưa công nghệ sinh học vào quản lý, tránh trường hợp những người phẫu thuật thẩm mỹ, thay đổi nhận dạng hoặc không có dấu vân tay.

Ngoài ra, thẻ căn cước sẽ được tích hợp thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe. Nhờ đó, người dân sẽ thuận tiện hơn trong các giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy cải cách và quản lý cũng thuận lợi hơn.

Kinh phí để triển khai cấp thẻ căn cước, Bộ trưởng Công an cho biết lấy từ các nguồn tổ chức quốc tế tài trợ và xã hội hóa. Phôi thẻ làm căn cước do doanh nghiệp trong nước sản xuất với chi phí rẻ hơn nhiều so với nhập khẩu.

Về một số ý kiến quan ngại thẻ căn cước có thể bị theo dõi, Bộ trưởng khẳng định thẻ căn cước không có sóng nên hoàn toàn không có khả năng như vậy. Ông cũng giải đáp lo lắng của nhiều người về việc khi số hóa các dữ quốc gia về dân cư dân liệu có nguy cơ mất an toàn về an ninh mạng, làm lộ lọt thông tin của người dân. Theo đó, mỗi ngày có cả ngàn cuộc tấn công, xâm nhập nhưng không vượt được qua hệ thống bảo vệ. Bộ trưởng khẳng định, việc bảo vệ cơ sở dữ liệu đang rất chắc chắn.

Thẻ căn cước tích hợp nhiều chức năng, do đó, Đại tướng Tô Lâm cho hay sẽ phải có các quy định quản lý đặc biệt. Ví dụ, trước đây, người dân đi vào khách sạn, một số đơn vị sẽ giữ lại chứng minh, căn cước công dân. Tuy nhiên, với thẻ căn cước mới, Bộ trưởng cảnh báo: “Nếu giữ thẻ đó mà sử dụng rút tiền thì làm sao, nên chúng tôi sẽ có quy định để không ai có quyền giữ thẻ này".

Lý giải thêm việc đổi tên từ thẻ "căn cước công dân" thành thẻ "căn cước", như nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn trước đó,  Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng việc sửa lại tên gọi nhằm đảm bảo tính chính xác và bao hàm hơn. Bởi thẻ căn cước không phải là giấy chứng nhận công dân. Có những trường hợp bị tước quyền công dân nhưng vẫn có căn cước và sở hữu tài sản. Vì vậy, cách gọi là căn cước công dân sẽ không chính xác.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI