Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định không "chia quyền" khi tách Luật giao thông

16/11/2020 - 17:17

PNO - Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm cho biết, việc đưa 2 dự luật ra không phải "chia quyền" mà là để chi tiết, cụ thể hóa các quy định.

Thảo luận về dự án Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chiều 16/11, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục thể hiện quan điểm phản đối việc chuyển thẩm quyền quản lý, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sang Bộ Công an, cũng như vấn đề tách Luật Giao thông thành 2 luật là Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đề xuất, nếu tách luật giao thông làm 2 luật thì nên chuyển toàn bộ lực lượng cảnh sát giao thông về Bộ GTVT
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đề xuất, nếu tách Luật giao thông làm 2 luật thì nên chuyển toàn bộ lực lượng cảnh sát giao thông về Bộ GTVT

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ, giao thông đường bộ là vấn đề lớn mang tính chuyên ngành, chuyên sâu, còn gồm nhiều loại hình như giao thông đường bộ, đường thủy… Do đó, nếu tách riêng giao thông đường bộ thì sẽ có thêm các luật về giao thông đường thủy, đường hàng không hay không?

"Tách ra như thế này, không khác gì tách con ra khỏi mẹ, cắt gan ghép vào thận”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng ví von và khẳng định, việc tách ra sẽ tăng thêm thủ tục hành chính. Đây là một trong những vấn đề không phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật cải cách hành chính.

Vấn đề này, theo ông cũng sẽ gây hệ lụy về pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, tiềm ẩn nảy sinh xung đột thẩm quyền nhiệm vụ. Từ đó, có thể xâm hại quyền lợi của nhà nước, người dân, gây lãng phí các nguồn lực khác và dẫn đến câu chuyện “quyền anh, quyền tôi”.

ĐB lấy câu chuyện “đùa” để nói về quy định chuyển thẩm quyền quản lý, đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an: “Vợ con nhà mình đối xử với chồng, với bố không đàng hoàng thì chuyển sang nhà khác à”.

ĐBQH tỉnh Bến Tre cũng cho rằng, trên thế giới chỉ có một vài quốc gia phân chia thẩm quyền quản lý ra như vậy để đảm bảo tính chỉnh thể. “Đề nghị Quốc hội giao lại chính phủ xem lại vấn đề này, giống như trả hồ sơ cho điều tra lại. Nếu có tách 2 luật này thì đề nghị Quốc hội, giao lại cảnh sát giao thông, chuyển về Bộ GTVT. Thậm chí tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông để xử lý các vấn đề giao thông. Tôi nghĩ như thế có hiệu quả hơn”, ĐB nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho rằng không cần thiết chuyển một số nhiệm vụ đang thuộc Bộ GTVT quản lý sang Bộ công an, trong đó có việc đào tạo, sát hạch và cấp phép giấy phép lái xe. Bởi theo ĐB, không có gì chứng minh việc này sẽ có kết quả tốt hơn. Trái lại, việc đưa ra dự án Luật này là không cần thiết và Bộ công an nên tập trung chính vào nhiệm vụ của mình.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định không có việc chia quyền khi xây dựng dự án luật
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định không có việc "chia quyền" khi xây dựng dự án luật

Giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc đưa 2 dự luật ra không phải là "tách luật", "chia luật" hay chia quyền mà là để chi tiết, cụ thể hóa các quy định quản lý. Hai luật này đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ, cơ quan thẩm định của Quốc hội xem xét. "Đặc biệt Bộ GTVT và Bộ Công an nhất trí cao là không làm ảnh hưởng lẫn nhau", Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định. 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI