Bộ trưởng Tiến “chỉ mặt, đặt tên” 7 loại dịch vụ ở bệnh viện khiến người dân bức xúc

24/07/2016 - 10:23

PNO - Bộ trưởng Bộ Y tế “chỉ mặt, đặt tên” 7 loại dịch vụ mà hiện rất nhiều bệnh viện đang hợp đồng thuê bên ngoài gồm: bảo vệ, vận chuyển cấp cứu, trông xe, giặt là, căng tin, mai táng, bảo quản tử thi.

Mới đây, tại Hội nghị đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay đa số những dịch vụ được các bệnh viện thuê ngoài về chưa làm hài lòng người bệnh.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế “chỉ mặt, đặt tên” 7 loại dịch vụ mà hiện rất nhiều bệnh viện đang hợp đồng thuê bên ngoài gồm: bảo vệ, vận chuyển cấp cứu, trông xe, giặt là, căng tin, mai táng, bảo quản tử thi.

Theo bà Tiến, trong thời gian qua, ngành y tế đã và đang thực hiện đổi mới toàn diện thái độ, phong cách lấy sự hài lòng của người bệnh là trung tâm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số nơi chưa tốt. Đặc biệt, tại các cơ sở khám chữa bệnh, vẫn còn tồn tại 7 dịch vụ có dấu hiệu 'chặt chém' nói trên, khiến bệnh nhân và người nhà bức xúc.

Bo truong Tien “chi mat, dat ten” 7 loai dich vu o benh vien khien nguoi dan buc xuc
Nơi trông giữ xe tại Bệnh viện Mắt Trung ương khiến nhiều người bệnh bức xúc.

Cũng theo Bộ trưởng Tiến: “Đây là lĩnh vực Bộ Y tế đã làm nhiều lần nhưng hiện còn rất bất cập, đặc biệt khi mới đây xảy ra vụ việc bảo vệ tại Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cứu thương chở bệnh nhi hấp hối khiến người bệnh và dư luận bức xúc.

"Chúng ta quản trị một bệnh viện thì không chỉ có chất lượng khám chữa bệnh mà phải đồng bộ. Để xảy ra nhếch nhác, sai phạm tại cơ sở mình thì giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm. Từ nay Bộ Y tế sẽ làm quyết liệt hơn trong lĩnh vực này”.

Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục thực hiện những giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh các dịch không phải là khám, chữa bệnh. Chẳng hạn, với những sai phạm liên quan đến bảo vệ, thì BV phải chấm dứt hợp đồng hoặc kỷ luật bằng cách cắt thi đua khen thưởng, trừ vào lương, thưởng (nếu vi phạm không nặng); đối với những trường hợp thu tiền vé xe của người nhà bệnh nhân quá cao, không có đủ chỗ gửi xe thì giám đốc sẽ phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng.

Với các dịch vụ vận chuyển, ngành y không thể để độc quyền như đã xảy ra, nhưng cũng không thể thả lỏng bởi sẽ loạn. Vì vậy, mỗi cơ sở y tế sẽ thực hiện đấu thầu công khai, lựa chọn từ 2 đến 3 hãng vận chuyển có uy tín để phục vụ người bệnh. “Cả 7 dịch vụ trên phải được đấu thầu công khai, minh bạch để người dân biết và lựa chọn những gói dịch vụ phù hợp với túi tiền, tránh tình trạng độc quyền như thời gian qua”, bà Tiến nói.

Bo truong Tien “chi mat, dat ten” 7 loai dich vu o benh vien khien nguoi dan buc xuc
Căng tin trong BV là 1 trong 7 dịch vụ có dấu hiệu 'chặt chém' bệnh nhân và người nhà.

Thực tế, từ trước đến nay, đây luôn là vấn đề nhức nhối, khiến dư luận, đặc biệt là những người bệnh, người nhà bệnh nhân vô cùng bức xúc. Đầu tiên đó chính là việc bảo vệ các bệnh viện hành họe đủ các loại giấy tờ khi vào thăm và thậm chí là khi bệnh nhân đã tử vong.

Ví dụ điển hình nhất là sự việc bảo vệ chặn xe tại Bệnh viện Nhi Trung ương vừa qua, nếu bảo vệ bệnh viện linh động, đồng cảm với những nỗi khổ tâm của người bệnh, nếu bệnh viện sát sao hơn không để bảo vệ lộng hành, coi mình là nhất thì sự việc đó đã không xảy ra.

Không chỉ có sự việc ở Bệnh viện Nhi Trung ương, mà trước đây đã có không ít sự việc thậm chí giám đốc bệnh viện đã từng bị chém trọng thương vì những lợi ích nhóm, vì ăn chia không sằng phẳng, điển hình là sự việc xảy ra đối với giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn (Hà Nội) cách đây không lâu.

Một vấn đề nữa cũng khiến nhiều người bệnh biết mà không dám nói, và chỉ khi có chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế họ mới thở phào nhẹ nhõm, đó chính là những dịch vụ bán trong căng tin bệnh viện.

Theo khảo sát, đa số những mặt hàng được bán trong những căng tin ở bệnh viện đều đắt hơn so với ở ngoài gấp nhiều lần. Điển hình như nước lọc, khẩu trang y tế đang được bày bán tại Bệnh viện Bạch Mai, với giá từ 3-5000 đồng/chiếc khẩu trang y tế, điều đáng nói những chiếc khẩu trang này không hề có nhãn mác, tiêu chuẩn.

Hay một chai nước lọc, nếu mua ở ngoài chỉ khoảng 5000 đồng/chai, nhưng tại đây giá được đẩy lên 8-10.000 đồng, đó là chưa kể đến chất lượng chưa chắc được đảm bảo.

Từ những bất cập và những gì người bệnh đang phải gánh chịu khi đi chữa bệnh, người đứng đầu ngành y tế cho rằng các bệnh viện mà trực tiếp là người đứng đầu phải có giải pháp, kế hoạch cụ thể như đấu thầu, công khai giá…thì mới có thể cải thiện được tình hình và chỉ có minh bạch thì người dân, người bệnh mới yên tâm đến cơ sở y tế để điều trị.

Minh Dương (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI