Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Sách giáo khoa được chỉnh sửa thường xuyên, không phải ban hành là xong"

03/11/2020 - 17:08

PNO - “Kinh nghiệm các bộ sách trước và kinh nghiệm thế giới cho thấy, sách giáo khoa được chỉnh sửa thường xuyên, phù hợp với thực tiễn chứ không phải ban hành xong là xong”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói trước Quốc hội.

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời về những lùm xùm xung quanh sách giáo khoa lớp Một
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời về những lùm xùm xung quanh sách giáo khoa lớp Một

Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều 3/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đặng Thị Phương Thảo (tỉnh Nam Định) cho rằng, sách giáo khoa (SGK) khi mới đưa vào giảng dạy khó tránh khỏi sai sót, nhưng việc sai sót này kéo theo nhiều bất cập thì cần phải xem xét lại.

Là một đại biểu đang làm việc trong ngành giáo dục, bà Thảo nhận định, SGK Tiếng Việt ở một số bộ sách mới có tình trạng thiếu logic, ngôn ngữ thiếu trong sáng, chưa khai thác được kho tàng truyện, văn học Việt Nam, dẫn tới giáo viên vừa dạy, vừa phải đính chính.

Đáng nói, những sai sót này không được phát hiện sớm khi thẩm định, mà chỉ được phát hiện khi đã đưa vào giảng dạy cho học sinh. Để không quy kết tất cả SGK có vấn đề, đại biểu Thảo đề xuất phải rà soát lại toàn bộ các bộ sách trong chương trình mới. “Quan điểm của tôi là SGK đã sai phải sửa, không thể để một thế hệ học sinh của chúng ta phải học SGK sai sót như vậy”, đại biểu này nói.

ĐBQH tỉnh Nam Định cũng đề nghị thu hồi sách giáo khoa sai sót, chỉ đưa vào sử dụng khi đã chỉnh sửa kỹ lưỡng và chính xác.

Liên quan đến trách nhiệm để sách sai sót đưa vào giảng dạy, theo bà Thảo, cần rà soát từng khâu, căn cứ các quy định của pháp luật để xử lý những cá nhân, tập thể sai phạm. Vi phạm vừa qua có phạm vi lớn, không nằm trong nội bộ ngành giáo dục, đối tượng chịu tác động là từng học sinh, giáo viên, phụ huynh, nhà trường,... bà Thảo nêu.

Trả lời thắc mắc của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết đã có báo cáo giải trình về SGK. Cụ thể, theo Bộ trưởng Nhạ, để thực hiện đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện và chủ trương một chương trình nhiều SGK, Bộ GD&ĐT đã thẩm định và phê duyệt 46 bộ sách giáo khoa để các trường chọn lựa và đưa vào sử dụng.

Với bộ sách Cánh Diều của lớp Một, Bộ đã kiểm tra và thấy góp ý của nhân dân, nhà khoa học, thấy trong nội dung của sách có những dữ liệu chưa phù hợp. Bộ đã yêu cầu tổ thẩm định, nhà xuất bản, đơn vị biên soạn... chỉnh sửa cho phù hợp. Bộ cũng đã chỉ đạo rà soát tất cả các bộ sách đang triển khai.

“Theo điều 9, thông tư 33 về sách giáo khoa, kinh nghiệm các bộ sách trước và kinh nghiệm thế giới cho thấy, sách giáo khoa được chỉnh sửa thường xuyên, phù hợp với thực tiễn chứ không phải ban hành xong là xong”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thông tin, đổi mới SGK có lộ trình 5 năm. Năm nay là năm đầu tiên, Bộ GD&ĐT rất cố gắng nhưng khó tránh khỏi sơ sót: “Chúng tôi tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện ngày càng  tốt hơn”.

Giải thích về giá SGK lớp Một cao hơn so với sách cũ, Bộ trưởng Nhạ nói rằng do số trang dày hơn, màu tốt hơn nên khối lượng, giá thành cao hơn. SGK thực hiện chủ trương xã hội hóa nên không được trợ cấp như sách cũ. Bộ GD&ĐT đã đề nghị đưa sách giáo khoa vào mặt hàng do Nhà nước định giá.

M.Quang

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nguyễn văn phong 06-11-2020 00:40:58

    Theo ý kiến của tôi, bộ cần thu hồi và trả lại tiền mua sách cho dân, và lên xem xét lại sách giáo khoa trước đây, giờ con cháu học cải cách này khác mà, học sinh lớp 6 không thuộc một câu ca dao tục ngữ nào. Không hiểu bộ đang cải cách những gì?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI