Bộ trưởng Nông nghiệp không biết khi nào hết “được mùa rớt giá”

19/11/2013 - 20:59

PNO - Trả lời chất vấn về việc khi nào người nông dân hết cảnh được mùa mất giá, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát không đưa ra được mốc thời gian cụ thể mà chỉ nói chung chung “Đó là điều chúng ta mong đợi”.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Trong phiên chất vấn trên diễn đàn Quốc hội (QH) chiều nay (19/11), trả lời chất vấn của Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) về việc khi nào người nông dân hết cảnh được mùa mất giá, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát không đưa ra được mốc thời gian cụ thể mà chỉ nói chung chung “Đó là điều chúng ta mong đợi”.

Bộ trưởng phân tích, lúc nào chúng ta cũng mong sản xuất nông nghiệp được giá, có lợi cho nông dân, nhưng giá cả theo quy luật cung cầu. Nguồn cung của ngành nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, còn phía cầu thị trường phụ thuộc phần lớn vào thị trường thế giới mà thị trường không thể ổn định như mong đợi, luôn phải sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Do đó, Chính phủ luôn theo dõi sát sao để nắm bắt diễn biến cung cầu, phản ứng kịp thời, đảm bảo có lợi nhất cho nông dân và quốc gia.

Bo truong Nong nghiep khong biet khi nao het “duoc mua rot gia”

Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội chiều 19/11. Ảnh: Hoàng Bắc

Hai nhóm vấn đề chính được ĐBQH tập trung chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát là việc tổ chức thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng đến việc chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp, chuyển đổi giống cây trồng gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo… và nhóm vấn đề về trách nhiệm trong việc chậm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phân bón, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi cũng như công tác phối hợp ngăn chặn việc sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng.

Lo ngại trước thực trạng tiến độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đang chậm lại, ĐB Mai Ánh Tuyết đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục vì nông nghiệp là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này vẫn đang được Bộ NN-PTNT đặt hàng các viện nghiên cứu.

Trong phiên chất vấn, ĐBQH Lê Nam (Thanh Hóa) nhấn mạnh hoàn cảnh của ngư dân phải đối mặt với nhiều hiểm nguy khi phải kiếm sống trên biển với đội tàu gồm 70% có công suất thấp và hỏi người đứng đầu ngành nông nghiệp có giải pháp gì khẩn trương hỗ trợ ngư dân. Và đến bao giờ Việt Nam có hàng ngàn tàu cá lớn ở quần đảo Trường Sa.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết cả nước thường xuyên có 1 triệu người hoạt động, sinh sống trên biển. Năm 2012, số tàu đánh bắt ở vùng biển xa đã tăng gấp 3 lần so với năm 2010 và Chính phủ đang tiếp tục có các giải pháp cả về vốn và khoa học công nghệ để tiếp tục hỗ trợ ngư dân.

Một vấn đề khác được ĐB Lê Nam chất vấn là tính đảm bảo an toàn của các hồ, đập miền Trung trước mùa mưa lũ.

Bộ trưởng cho biết cả nước hiện có 6.800 hồ, trong đó có 1.200 hồ có vấn đề cần tu bổ nâng cấp sửa chữa nhưng chưa có kinh phí. Dự kiến tổng kinh phí cho công tác này là 3.000 tỉ đồng. Trước mỗi trận bão, Bộ NN-PTNT đều thông báo cho các địa phương hồ nào nguy hiểm để cử người gác, cần thiết thì di dân.

Lo ngại với thảm họa có thể xảy ra, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc “Trong 1.200 hồ, đập phải tu bổ, Bộ trưởng suy nghĩ thêm và khẳng định có vỡ không. Chưa đủ tiền để tu bổ nhưng không được để vỡ. Nếu chưa có tiền thì phải báo cáo Chính phủ, báo QH để tính”.

Theo Tô Hà (Người Lao Động Online)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI