Bộ trưởng nói gì về đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ người lao động mất việc?

06/06/2023 - 11:13

PNO - ĐBQH đặt câu hỏi, có nên thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động mất việc trong bối cảnh gia tăng thất nghiệp, người dân rút bảo hiểm xã hội 1 lần...

 

ĐBQH Tráng A Dương đặt câu hỏi có nên thành lập Quỹ để hỗ trợ người lao động mất việc trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng

ĐBQH Tráng A Dương đặt câu hỏi có nên thành lập quỹ để hỗ trợ người lao động mất việc trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng

Có nên thành lập quỹ hỗ trợ lao động mất việc?

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Đào Ngọc Dung, ĐBQH Tráng A Dương (Hà Giang) cho biết, do dịch COVID-19 lan rộng, nhiều người cần tiền trang trải cuộc sống nên tình trạng lao động mất việc làm và rút bảo hiểm xã hội một lần, từ đó ảnh hưởng rất nhiều đến an sinh xã hội. ĐB hỏi quan điểm của Bộ trưởng về việc có nên thành lập quỹ hỗ trợ người lao động, tương tự chính sách hỗ trợ người lao động trong dịch ổn định cuộc sống. Ông cũng đề nghị bổ sung quỹ quốc gia về việc làm ở địa phương.

Trả lời ĐBQH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, nếu thành lập quỹ hỗ trợ người lao động thì cũng chỉ là một trong những giải pháp khắc phục. Để tiến tới không rút bảo hiểm xã hội 1 lần, theo ông, cần nhiều giải pháp liên quan, đặc biệt tạo công ăn việc làm, đảm bảo thu nhập trang trải đời sống.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng sẽ cân nhắc và xem đây là căn cứ. Ông phân tích, việc thành lập quỹ, nhất là có tác động lớn như ĐB nêu, cần phải đánh giá rất kỹ lưỡng, thậm chí phải báo cáo Quốc hội xem xét.

Tại phiên họp, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) phản ánh tình trạng chậm và trốn đóng bảo hiểm xã hội thời gian qua. ĐB đề nghị Bộ trưởng làm rõ những nguyên nhân và giải pháp khắc phục vấn đề này. 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tính đến hết năm 2022, tình trạng chậm, trốn đóng cả lãi và gốc bảo hiểm xã hội là hơn 8.000 tỉ đồng, tăng 2,69%. Trong đó có khoảng 6.670 đơn vị chậm đóng, 1 số trốn đóng và ảnh hưởng tới trên 206.000 người lao động.

Bộ LĐ-TBXH đã điều chỉnh giải pháp đảm bảo cho số lao động này. Tới nay, cơ bản đã được giải quyết căn bản. Nguyên nhân chậm, trốn đóng bảo hiểm do doanh nghiệp làm ăn khó khăn, thiếu đơn hàng. Cá biệt có chậm trốn đóng. Ngoài ra, các cơ quan bảo hiểm quản lý chưa chặt chẽ, kết nối thông tin, quản lý dữ liệu chưa tốt.

Về căn cơ, lâu dài, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Hiện những nội dung đang được soạn thảo và trình kỳ họp Quốc hội tới vào tháng 10/2023.

Bộ trưởng cho biết thêm sẽ phải có các quy định rõ hành vi chậm đóng và trốn đóng. Việc trốn đóng hiện đã có quy định, thậm chí xử lý hình sự nhưng do chưa có quy định cụ thể nên tới nay chưa xử lý hình sự được vụ việc nào. Điển hình như TPHCM hiện có 84 đơn chuyển sang cơ quan điều tra nhưng không xử lý được.

Một giải pháp khác là áp dụng một số chế tài mạnh hơn, kiên quyết hơn với các đơn vị chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội như thông lệ quốc tế. Ví dụ như dừng hóa đơn trong 1 thời gian; hoãn xuất cảnh với người sử dụng lao động không chấp hành; quy định đối tượng khởi kiện…

Thu sai bảo hiểm xã hội với chủ hộ kinh doanh cá thể, xử lý sao?

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH trả lời chất vấn của ĐBQH sáng 6/6

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH trả lời chất vấn của ĐBQH sáng 6/6

Trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH cũng thông tin về việc thu sai bảo hiểm xã hội với các chủ hộ kinh doanh cá thể. Theo Bộ trưởng, đây không phải đối tượng đóng BHXH bắt buộc. Việc thu sai diễn ra trong nhiều năm, từ năm 2003 - 2016, Bộ LĐ-TBXH đã phát hiện và chấn chỉnh. Hiện nay, theo ông, về cơ bản đã giải quyết.

Quan điểm của Bộ trưởng: “Đây là nội dung chưa quy định trong luật bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, chúng ta phải đặt lợi ích của người lao động, chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu. Cơ quan công quyền làm sai phải xin lỗi, xử lý theo quy định”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH nêu ra 3 hướng giải quyết. Thứ nhất, chuyển toàn bộ số này sang bảo hiểm xã hội bắt buộc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Thứ hai, những trường hợp không có nhu cầu có thể chuyển sang bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thứ ba, trường hợp người lao động không đồng thuận với cả hai phương án trên thì phải thoái thu, trả lại quyền lợi cho người lao động. Về phương án này, Bộ trưởng lưu ý phải tính lãi bằng mức tăng trưởng mà quỹ bảo hiểm đang sử dụng.

“Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi là đặt lợi ích người lao động lên hàng đầu. Nên khuyến khích người lao động chuyển sang bảo hiểm bắt buộc để đảm bảo lương hưu khi về già” - Bộ trưởng nói.

Minh Quang

 
TIN MỚI