Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận trách nhiệm vì chiến dịch 'giải cứu lợn'

13/06/2017 - 13:24

PNO - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói “chúng tôi không đổ lỗi cho ai hết” về câu chuyện dư thừa hàng chục triệu con lợn, giá rớt thảm hại thời gian qua dẫn đến chiến dịch "giải cứu lợn".

Mở đầu phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 13/6, ĐB Nguyễn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) đặt câu hỏi, căn cứ vào đâu Bộ NN&PTNT đã quy hoạch dự báo phát triển sản phẩm ngành chăn nuôi, trong đó phê duyệt quy hoạch tổng đàn lợn đến 2015 là 32 triệu con, đến 2020 là trên 34 triệu con.

“Thực tế đến 2015 tổng đàn lợn cả nước mới đạt trên 27 triệu con, đến hết năm 2016 đạt trên 29 triệu con, thấp hơn nhiều so với quy hoạch. Vậy mà thị trường đã dư thừa đến hàng chục triệu con lợn, giá thịt lợn hơi giảm xuống thảm hại, người chăn nuôi thua lỗ nặng. Vậy nguyên nhân, giải pháp, trách nhiệm của Bộ ra sao?” – ĐB Nguyễn Sơn chất vấn.

Bo truong Nguyen Xuan Cuong nhan trach nhiem vi chien dich 'giai cuu lon'
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Trước khi trả lời vào câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ chia sẻ với khó khăn với toàn bộ người nông dân, người chăn nuôi thời gian qua.

Bộ trưởng cho biết, thừa thịt lợn có ba nguyên nhân chính.

Thứ nhất là sức sản xuất nông sản. Bộ trưởng cho biết, sức sản xuất của chúng ta trong những năm vừa qua tăng trưởng quá nhanh, riêng về đàn lợn, tốc độ tăng trưởng còn nhanh hơn. Cách đây 10 năm, cả nước có hơn 2 triệu con lợn nái, giờ lên trên 4,2 triệu con. Nói cách khác, sự tăng bột phát như thế khiến sức cung vượt sức cầu nhiều lần.

Thứ hai, tổ chức ngành hàng của chúng ta chưa tốt. Chúng ta vẫn chủ yếu chăn nuôi quy mô nhỏ, hộ gia đình nên giá thành cao, khó kiểm soát chất lượng. Mặt khác, chế biến cách lìa với tái sản xuất, khâu liên kết trong sản xuất thịt lợn chỉ được 20%, dẫn tới sản phẩm thịt lợn tiêu thụ chủ yếu vẫn là thịt lợn tươi, bán ở phản thịt, không phù hợp với cơ cấu tiêu dùng của xã hội.

Thứ 3, khâu tổ chức thị trường, đặc biệt là tiêu thụ lợn còn rất yếu. “Trong 3 khâu sản xuất, chế biến, tổ chức thị trường thì chúng ta mới chỉ làm tốt được khâu đầu tiên, còn 2 khâu sau rất yếu. Từ đó dẫn tới hệ lụy, tháng 4 vừa qua, khi xuất khẩu thịt lợn bế tắc thì trong nước dư thừa thịt lợn lên tới giới hạn. Đó là ba nguyên nhân chính” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

“Nói tóm lại, trong 3 phân khúc của ngành thịt lợn, chúng ta mới làm được 1 phân khúc nhanh, 2 phân khúc khác rất kém. Trong đó có trách nhiệm của Bộ NN&PTNT” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhẹ nhàng nhận trách nhiệm.

Tranh luận lại phần trả lời này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP HCM) đặt câu hỏi “Bộ trưởng có cảm nhận gì về suy nghĩ của người chăn nuôi, Bộ trưởng có biết người nông dân nghĩ gì về Bộ trưởng?” và cho rằng: “Là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng không thể đổ lỗi thịt lợn dư thừa, rớt giá có nguyên nhân do người nông dân sản xuất tự phát, thấy cái gì lợi là lao vào”.

Gay gắt hơn, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) nói: “Trong xuyên suốt các câu trả lời về quy hoạch, giải cứu lợn của Bộ trưởng, tôi thấy vắng bóng vai trò quản lý nhà nước. Trả lời như vậy tôi chưa thấy được vai trò của nhà nước trong lĩnh vực này”

Bo truong Nguyen Xuan Cuong nhan trach nhiem vi chien dich 'giai cuu lon'
ĐBQH Nguyen Thanh Hồng tranh luận trước Quốc hội.

 “Trước chúng ta nói người tiêu dùng phải thông minh, nay Bộ trưởng nói nhà sản xuất phải thông minh để không sản xuất tự phát, còn cử tri thì nói rằng nhà quản lý phải thông minh. Thế nên cử tri khó hài lòng với cách trả lời, cách xử lý như vậy” – ĐB Hồng bình luận và đặt thêm vấn đề “sau thịt lợn, tới đây còn câu chuyện giải cứu gì nữa không?”.

“Tôi thấy rằng sắp tới cây trái, cam quýt bưởi cũng sắp phải giải cứu. Bởi người dân tiếp tục phát triển mở rộng thị trường. Nơi tôi ứng cử thấy rất nhiều người phá cây cao su để trồng cam, trồng bưởi, trồng quýt. Bộ trưởng có đồng ý với tôi không?”- ĐB đoàn Bình Dương đặt câu hỏi sau khi tranh luận.

ĐB Trần Dương Tuấn (đoàn Bến Tre) cũng đặt câu hỏi tương tự như vậy với người đứng đầu ngành nông nghiệp. Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói: “Chúng tôi không nói là chúng tôi làm tốt hết. Một đoàn tàu có ba khoang, chúng tôi mới làm tốt được một khoang, hai khoang còn lại yếu kém thì trách nhiệm thuộc về Bộ Nông nghiệp chứ không đổ cho ai”.

Trước câu hỏi chất vấn của một số ĐBQH về việc 18 tàu đánh cá vỏ thép hư hỏng, rỉ sét ở Bình Định gây bức xúc dư luận, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian qua, thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành có liên quan đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện, hỗ trợ ngư dân đóng tàu để bám biển, đánh bắt xa bờ. 

Bo truong Nguyen Xuan Cuong nhan trach nhiem vi chien dich 'giai cuu lon'
Một trong 18 tàu cá vỏ thép của ngư dân Bình Định hư hỏng không thể ra khơi.

Đến nay, trên cả nước đã đóng được 666 tàu theo Nghị định 67, trong đó có 297 tàu sắt công suất lớn, phục vụ vươn khơi, hiệu quả bước đầu cơ bản tốt.

“Riêng với 18 tàu hư hỏng ở Bình Định, ngay sau khi phát hiện, Bộ NN&PTNT đã ra các văn bản yêu cầu các địa phương rà soát lại. Cơ quan chức năng tỉnh Bình Định cũng đã mời ngư dân và 2 đơn vị đòng tàu để đối chất, làm rõ vấn đề. Số tàu hỏng ở Bình Định thuộc hai công ty Đại Nguyên Dương và Nam Triệu đóng. 

Bộ đã yêu cầu hai công ty này không được đóng mới nữa, nếu tàu hỏng máy thì phải thay máy mới, hỏng sắt thì phải đóng lại sắt đúng chủng loại…” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Vũ Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI