Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Nguy cơ lây nhiễm vi rút Zika rất lớn

25/03/2016 - 09:56

PNO - Rất khó phát hiện người nhiễm vi-rút Zika vì không có triệu chứng và biểu hiện lâm sàng cụ thể.

Bo truong Nguyen Thi Kim Tien: Nguy co lay nhiem vi rut Zika rat lon
Ảnh: Theguardian

Trao đổi với báo chí tại hành lang Quốc hội sáng 24/3 về việc một công dân Úc đã nhiễm vi-rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Việt Nam chưa phát hiện vi-rút Zika nhưng người dân cần đề cao các biện pháp phòng tránh.

“Ngay khi nhận được thông tin về trường hợp của du khách nói trên, lãnh đạo Bộ Y tế đã đến các tỉnh mà du khách lưu trú để trực tiếp chỉ đạo công tác giám sát, xác minh và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh do vi-rút Zika gây ra” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin. Bộ Y tế cũng có chỉ thị gửi tất cả các Sở Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị đẩy mạnh công tác phòng chống vi-rút Zika, đồng thời công bố số điện thoại đường dây nóng 0989.671.115 để người dân nhờ tư vấn hoặc báo tin.

Đánh giá nguy cơ lây nhiễm vi-rút Zika ở Việt Nam là rất lớn, vì các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines và Trung Quốc đều đã phát hiện người nhiễm vi-rút này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Rất khó phát hiện người nhiễm vi-rút Zika vì không có triệu chứng và biểu hiện lâm sàng cụ thể. Việt Nam và các nước trên thế giới đang đứng trước thách thức lớn về dịch bệnh do loại vi-rút này gây ra”.

P. Mai

Người dân không nên hoảng loạn, ồ ạt đi xét nghiệm

Liên quan đến vụ một du khách Úc bị nhiễm vi-rút “gây teo não” Zika sau khi trở về từ Việt Nam, ngày 24/3, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay: “Về cơ bản, có thể xác định thời gian ủ bệnh là ở Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải xem lại sau khi từ Việt Nam trở về, du khách này có lưu lại ở đâu hay đáp xuống sân bay nào nữa hay không mới có thể có kết luận chính xác”.

Tới nay, Cục Y tế dự phòng mới nhận được những thông tin ban đầu từ phía Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) của Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục liên hệ và làm việc với cơ quan đầu mối của WHO và Úc để làm rõ thêm thông tin chi tiết về thời gian nhập, xuất cảnh, địa điểm lưu trú và các khu vực cụ thể của du khách này ở Việt Nam.

Theo ông Trần Đắc Phu, hiện việc giám sát sẽ đẩy mạnh hơn ở các địa phương TP.HCM, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận. Tuy nhiên, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh: “Với bệnh nhân có các triệu chứng sốt, cơ sở y tế sẽ phân loại và tiến hành xét nghiệm khi cần thiết. Người dân không nên hoảng loạn, ồ ạt đi xét nghiệm. Để kiểm soát dịch bệnh Zika cũng như phòng chống sốt xuất huyết, quan trọng nhất là có sự tham gia tích cực của người dân trong việc diệt muỗi, loăng quăng, tác nhân khiến mầm bệnh lây lan”.

H. Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI