Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Không thể dùng sức người để quản lý sàn thương mại điện tử

05/06/2024 - 09:03

PNO - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các vấn đề công nghệ phải sử dụng công nghệ để quản lý, không thể dùng sức người.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh phải dùng công nghệ để quản lý thương mại điện tử
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Sáng 5/6, “chia lửa” cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng đã làm rõ 2 nội dung về quản lý sàn thương mại điện tử và phòng chống lộ lọt thông tin.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, thương mại điện tử sinh ra từ công nghệ số, công nghệ số luôn sinh ra các vấn đề về công nghệ. Do đó, cách tốt nhất là dùng công nghệ để giải quyết.

Tuy nhiên, thời gian qua, Nhà nước đầu tư chưa nhiều để phát triển các công cụ công nghệ số thực thi quản lý nhà nước trên không gian mạng. Bộ trưởng nhấn mạnh, phải coi đây là lực lượng quản lý cơ bản trên không gian mạng.

Quản lý không gian mạng gồm: thể chế số, công cụ số, con người số, kỹ năng số cho người dân. “Thương mại điện tử đang phát triển 20 - 25%, thậm chí lên tới 30%/năm, nên thể chế số công cụ số đang theo sau, chúng ta cần đẩy nhanh tốc độ” - ông nói.

Hiện có hàng triệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, có hàng triệu quảng cáo nên theo Bộ trưởng, “không thể dùng sức người mà phải dùng công nghệ số” để quản lý.

Công nghệ số có khả năng giám sát, phát hiện sớm vấn đề, cảnh báo ngăn chặn các hành vi trái phép, hàng nhái, hàng giả. Các sàn thương mại có thể xây dựng thuật toán Al để giải quyết các tài khoản, mặt hàng vi phạm...

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Việt Nam có nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, có thể viết các phần mềm này. Bộ TTTT sẽ cùng doanh nghiệp số của ngành giúp Bộ Công Thương phát triển các công cụ số quản lý thương mại điện tử”. Ông cũng mong Quốc hội quan tâm tăng đầu tư để phát triển công cụ số, quản lý thương mại điện tử và không gian mạng.

Liên quan tới vấn đề lộ lọt thông tin cá nhân, Bộ trưởng Bộ TTTT nhấn mạnh: bảo vệ dữ liệu cá nhân như tài sản quan trọng nhất của cá nhân. Thông qua các thông tin như họ tên, địa chỉ, hòm thư, thông tin thẻ tín dụng, ID... một người khác có thể mạo danh, tiêu tiền của chúng ta mà chúng ta không biết.

Dữ liệu cá nhân thu thập ngày càng lớn đi cùng nguy cơ lộ lọt thông tin. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo đó, ai quản lý cái gì trong đời thực thì lên mạng quản lý cái đó.

Để bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cần bảo đảm an toàn hệ thống lưu trữ. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo các địa phương triển khai biện pháp đảm bảo an toàn thông tin, trong đó thương mại điện tử được coi là lĩnh vực quan trọng cần tăng cường.

Bộ TTTT đã triển khai nhiều biện pháp như công bố các website lừa đảo; phát triển thành công các công cụ hỗ trợ người dân kiểm tra website có lừa đảo không, thiết bị có nhiễm mã độc hay không... Bộ cũng thực hiện các video, cẩm nang tuyên truyền kỹ năng số cho người dân; thanh tra, kiểm tra bảo vệ dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực TTTT và xử phạt các doanh nghiệp vi phạm...

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI