Bộ trưởng GTVT: Xử lý nghiêm đối tượng kích động, gây rối trạm phí BOT

18/01/2018 - 21:11

PNO - Cho rằng một số trạm BOT thu phí cao, đặt chưa hợp lý, tại các trạm thu phí thời gian qua liên tục xảy ra tình trạng người dân, lái xe phản ứng bằng cách trả tiền lẻ, cố tình dừng đỗ gây ùn tắc

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Văn Thể, sáng 18/1, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp về BOT và chỉ đạo Bộ trưởng Công an yêu cầu Giám đốc Công an các tỉnh đảm bảo tình hình an ninh trật tự một cách tốt nhất.

Bo truong GTVT: Xu ly nghiem doi tuong kich dong, gay roi tram phi BOT
Ùn tắc tại trạm BOT Cai Lậy

"Những hành vi gây rối trật tự tại trạm BOT, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với công an xử lý nghiêm," Bộ trưởng Thể khẳng định.

Vì sao tài xế lại phản ứng với BOT?

Tại buổi họp báo một số nội dung liên quan đến các dự án BOT vào chiều tối nay (18/1), theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, Bộ đã miễn, giảm giá cho các phương tiện khu vực lân cận trạm thu giá tại 51 dự án/55 dự án đã khai thác.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, tình hình mất an ninh trật tự tại các trạm thu giá ngày càng phức tạp, lan rộng và manh động; coi thường pháp luật (cố tình không mua vé, dàn hàng ngang, cố tình gây ùn tắc; lái xe cố tình điều khiển xe tông hỏng barier để vượt trạm…), ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, quyền và lợi ích chính đáng của những công dân tuân thủ pháp luật, điển hình tại trạm thu giá Cai Lậy, Trảng Bom, Sóc Trăng.

Không chỉ dừng lại ở đó, việc phản ứng của một nhóm tài xế ngày càng manh động, lan rộng đến cả những trạm thu giá của dự án khác, kể cả các dự không đầu tư xây dựng tuyến tránh như trạm Cần Thơ-Phụng Hiệp, Sông Phan, Ninh An, Cam Thịnh, trạm phía Bắc tỉnh Khánh Hoà...

Qua rà soát và làm việc với chính quyền địa phương và các bên có liên quan, Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra nguyên nhân là do việc đưa các trạm thu phí vào hoạt động dẫn đến các phương tiện đang được sử dụng đường miễn phí phải trả phí, người sử dụng có tâm lý phản đối việc thu phí; quá trình xây dựng văn bản pháp luật điều chỉnh hình thức BOT, đặc biệt chính sách phí chưa lường hết được các tác động đối với người sử dụng đường.

Đặc biệt, công tác lựa chọn vị trí đặt trạm và chính sách phí tại một số dự án còn bất cập. Đối với các Quốc lộ, chỉ áp dụng được hình thức thu phí lượt và hình thức này có hạn chế là chỉ đáp ứng được tính công bằng một cách tương đối. Nhà đầu tư còn để đường hư hỏng, xuống cấp không kịp thời sửa chữa.

Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải, nhà đầu tư chưa tuyên truyền, phối hợp tốt với các địa phương và các Bộ ngành. Nhiều địa phương e ngại xử lý tình hình an ninh, trật tự chưa thực sự hiệu quả, chưa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự. Thậm chí, có những địa phương còn xin miễn giảm 100% giá các phương tiện xe biển xanh trên địa bàn tỉnh như tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Khánh Hòa...

Sẽ xử lý nghiêm đối tượng gây rối

Khẳng định BOT là chủ trương đúng, chắc chắn phải tiếp tục làm để phát triển giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thừa nhận, nếu không làm BOT sẽ không thu hút được nguồn lực phát triển cho giao thông.

“Chưa có Nghị định nào quy định về làm đường song hành, các văn bản trước đây như Nghị định 108 đều cho phép làm BOT trên đường hiện hữu. Trong điều kiện trước, đấy là chủ trương đúng đắn, thời gian qua Bộ đã bám theo chủ trương này và xây dựng được nhiều dự án,” người đứng đầu ngành giao thông nhấn mạnh.

Cho rằng sức chịu đựng của nền kinh tế và người dân bị ảnh hưởng do phải chi trả nhiều phí, ngay từ tháng 10/2016, Bộ Giao thông Vận tải đã có chủ trương không làm BOT tại các đường hiện hữu, hiện nay thực hiện đúng tinh thần của Quốc hội, Chính phủ là chỉ làm BOT trên các tuyến song hành.

“Rõ ràng khi người dân trả phí nhiều thì người dân có ý kiến. Chúng tôi tiếp thu ý kiến bà con. Điểm nóng về BOT trước đây bắt nguồn từ Bến Thuỷ, sau đó lan rộng ra,” ông Thể nói và cho rằng sau khi giảm phí, tại miền Bắc và miền Trung tương đối ổn định.

Theo Bộ trưởng Thể, sáng nay Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp về BOT, qua các báo cáo khẳng định: “BOT là chủ trương đúng, ai làm sai người ấy phải chịu trách nhiệm, không chỉ kiểm toán, thanh tra mà Uỷ ban kiểm tra Trung ương đã vào cuộc.”

Vì thế, Tư lệnh ngành giao thông quả quyết: “Chúng ta sẽ không dừng thực hiện các dự án BOT, nhưng sẽ phân loại các dự án.”

Cụ thể, với các địa phương, Thủ tướng chỉ đạo Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phải chịu trách nhiệm, chỉ đạo đảm bảo an toàn thông suốt tại các dự án BOT. Với Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục giảm giá với hai hình thức giảm giá toàn bộ các xe qua trạm và giảm cho các hộ dân sinh sống gần trạm, hiện 51 trạm đã áp dụng giảm giá. Bộ cũng yêu cầu dự án nào không quyết toán sẽ dừng thu phí.

Với Bộ Công an, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu Giám đốc Công an các tỉnh đảm bảo tình hình an ninh trật tự một cách tốt nhất, những hành vi gây rối trật tự tại trạm BOT sẽ phối hợp với công an có giải pháp mạnh để xử lý nghiêm.

“Chắc chắn sẽ có một số cá nhân tổ chức từng đoàn, công an sẽ xử lý. Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt vì sắp tới Tết Nguyên đán, liên quan rất lớn đến an ninh chính trị,” ông Thể tiết lộ.

Theo TTXVN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI