Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không có chuyện 22.000 người nhận nhầm tiền hỗ trợ COVID-19 tại Bình Dương

10/11/2021 - 16:16

PNO - Phủ nhận con số 22.000 trường hợp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thực tế chỉ có 1.990 người nhận nhầm tiền hỗ trợ COVID-19 tại Bình Dương.

 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung phủ nhận thông tin có tới 22.000 người nhận nhầm hỗ trợ COVID-19 tại Bình Dương
Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung phủ nhận thông tin có tới 22.000 người nhận nhầm hỗ trợ COVID-19 tại Bình Dương

Chỉ có 1.990 người nhận nhầm tiền hỗ trợ ở Bình Dương

Chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung, chiều 10/11, ĐBQH Vương Thị Hương (Hà Giang) đặt câu hỏi:"Báo chí đưa tin gần đây có 22.000 trường hợp phát nhầm và nhận nhầm hỗ trợ COVID-19. Bộ trưởng có nắm được không, xử lý thế nào, kết quả ra sao?".

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định không có chuyện phát và nhận nhầm con số lớn như vậy. Thực tế, sau khi kiểm tra, gặp người phát, nhận nhầm thì con số này là 1.990 người. Con số 22.000 người là của tỉnh Bình Dương hỗ trợ thêm cho lao động ở các khu nhà trọ trong lúc khó khăn với mức 800.000 đồng. Sau đó, tỉnh thấy con số quá lớn, nên đã rà soát lại. Ngay sau đó, hầu hết người nhận nhầm đã trả lại với số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng.

Cũng liên quan tới vấn đề hỗ trợ COVID-19, ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội) đặt vấn đề, cử tri phản ánh khó tiếp cận các gói hỗ trợ này bởi thủ tục còn rườm rà khó khăn và đề nghị cần rút ngắn thời gian và thủ tục để người dân sớm nhận được các gói hỗ trợ trên. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hầu hết đi vào cuộc sống, hiện đã giải ngân khoảng 60.000 tỷ đồng, hỗ trợ được 40 triệu lượt người và 0,5 triệu đơn vị sử dụng lao động. Việc hỗ trợ công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

“Tuy nhiên, do giãn cách xã hội và số lượng người quá lớn cùng thời điểm tính chất cấp bách. Khâu tổ chức thực hiện còn điều này, điều kia nên có tình trạng người dân chậm được nhận, một số chưa được nhận, thậm chí còn có phát nhầm, nhận nhầm”, ông thừa nhận.

Dự kiến điều chỉnh lương hưu từ đầu năm 2022

ĐBQH Vương Thị Hương cũng chỉ ra, người nghỉ hưu trước năm 1995 đã cao tuổi, lương hưu thấp, nhiều người chật vật mưu sinh với đồng lương ít ỏi, cuộc sống khó khăn. Đây là nhóm người dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh và mức lương hưu thấp. Bộ LĐ-TBXH có giải pháp nào với các nhóm đối tượng này?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, vừa qua, Việt Nam phải dừng cải cách tiền lương, nhưng trong đề xuất của Chính phủ vẫn cho phép điều chỉnh lương hưu, nhất là những người về hưu trước năm 1995 và người có lương hưu thấp.

Chính phủ đang lấy phiếu các thành viên, sẽ trình Thủ tướng xem xét quyết định vấn đề này. Trước đây dự kiến 1/7/2022 sẽ điều chỉnh lương hưu, nhưng do dịch bệnh khiến đời sống người hưởng lương hưu khó khăn, Bộ đề xuất Chính phủ điều chỉnh sớm hơn, từ ngày 1/1/2022. Tổng kinh phí điều chỉnh lương hưu là 12.650 tỷ đồng.

"Chúng tôi phấn đấu đến 1/1/2022, người về hưu được hưởng chính sách mới", ông thông tin. 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH cũng trả lời về việc giữ chân người lao động, tránh làn sóng dịch chuyển từ các vùng kinh tế trọng điểm về quê, gây ra thiếu hụt lao động tại các khu công nghiệp, theo phản ánh của ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu). Theo đó, quan trọng nhất phải thực hiện tốt chính sách về đời sống, mức lương, thu nhập cho người lao động; chăm lo an sinh, có mức sàn tối thiểu cho người lao động yên tâm. 

Minh Quang

 
TIN MỚI