Bộ trưởng Bộ Y tế: Một số địa phương "muốn sạch" nên có lúc áp dụng chính sách chưa đồng bộ

21/10/2021 - 13:19

PNO - Khẳng định không ngăn sông cấm chợ song theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nhiều địa phương "muốn sạch" nên có lúc áp dụng chính sách chưa đồng bộ.

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, cuộc chiến với COVID-19 vừa qua là “chưa có trong tiền lệ”, không chỉ riêng Việt Nam mà tất cả các nước, ảnh hưởng sâu sắc tới tất cả các vấn đề xã hội, đời sống của nhân dân và đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh mạng, sức khỏe con người.

 “Chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa học hỏi, vừa trao đổi vừa kế thừa những bài học thành công của các nước cũng như thành công trong chống dịch của Việt Nam từ các đợt dịch trước”, ông nói.

Lý giải về sự phức tạp của đợt dịch thứ 4, tư lệnh ngành y tế khẳng định do biến thể Delta vô cùng nguy hiểm, gây ra “đảo lộn với tất cả các thành tựu chống dịch của các nước”.

Nhìn lại đợt dịch này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, giãn cách xã hội là một quyết định hết sức khó khăn. Bởi trong giãn cách lại có những biện pháp tăng cường, yêu cầu chặt chẽ ai ở đâu ở yên đó, hạn chế người dân ra khỏi nhà. Đi kèm với giãn cách xã hội là việc phải lo cho người dân với số lượng không chỉ ở hàng trăm ngàn người mà riêng TPHCM đã lên tới hàng triệu người.

Bộ trưởng Bộ Y tế nêu, Việt Nam đã điều một lực lượng lớn với hơn 300 ngàn quân chi viện cho TPHCM gồm cán bộ nhân viên y tế, lực lượng bộ đội, công an… Đây là lần điều quân lớn nhất từ trước đến nay. Cùng với đó, các trung tâm hồi sức tích cực được xây dựng trong một thời gian ngắn trước tình trạng hệ thống y tế TPHCM đã bị quá tải do số ca mắc tăng nhanh. Dù theo ông Nguyễn Thanh Long, nền tảng y tế của TPHCM so với các tỉnh thành khác là tốt nhất. 

Về vấn đề chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn linh hoạt với dịch bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đã có bộ tiêu chí về tỷ lệ tiêm vắc xin, số ca mắc, khả năng điều trị thu dung của các cơ sở khám chữa bệnh; từ đó phân cấp độ dịch của từng địa phương.   

“Phải chấp nhận 1 tỷ lệ trong cộng đồng nhưng phải kiểm soát được tỷ lệ tử vong, vẫn đặt tính mạng người dân lên trên hết và thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Quan điểm chung, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long là những giải pháp áp dụng phải thống nhất chung cho toàn quốc, không có chuyện ngăn sông cấm chợ, mỗi nơi triển khai hướng khác nhau.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra thực tế có một số địa phương rất lo lắng. “Có những địa phương đang rất sạch “muốn sạch”, nên có nơi, có lúc không thực hiện đồng bộ”, ông nói.

Năm 2022 có thể tiêm vắc xin cho trẻ từ 3 tuổi

Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá trong thời gian qua việc triển khai chiến lược vắc xin rất thành công. Việc tăng mua, nhập khẩu, thỏa thuận, viện trợ… đã vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt các vấn đề khó khăn về pháp lý.

Việt Nam đã phải chấp nhận rủi ro trong các quá trình đàm phán mua vắc xin và tới nay có hợp đồng thỏa thuận, cung ứng, tài trợ…  lên tới tổng số 191,5 triệu liều trong 2021. Con số này theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long là đã tăng so với dự kiến trước đây là 150 triệu liều và còn có thể tiếp tục tăng cho tới cuối năm.

Với nguồn vắc xin này, ngành y tế sẽ đảm bảo cho người dân từ 18 tuổi trở lên và bắt đầu tiêm cho trẻ em.

Để đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng, trong khi các nước tập trung ở các sân vận động, các khu lớn nhưng chúng ta chia nhỏ toàn bộ, tổ chức nhiều điểm tiêm cố định và lưu động.

Hiện tại, Việt Nam đã tiếp nhận trên 97 triệu liều vắc xin và tiêm gần 70 triệu mũi. Bộ Y tế đang tiếp tục đôn đốc để đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin để ít nhất bao phủ mũi 1 cho 80% người dân từ 18 tuổi trở lên, sau đó tiêm mũi 2 và trẻ em.

Hiện Bộ Y tế cũng đang lên kế hoạch để năm 2022 có thể tiêm vắc xin cho trẻ từ 3 tuổi.

Theo kế hoạch, trong tháng 10 sẽ bao phủ tiêm vắc xin cho người trên 65 tuổi và trong tháng 11 tới sẽ bao phủ người trên 50 tuổi vì đây là những đối tượng có nguy cơ gặp nhiều biến chứng khi mắc COVID-19.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI