Bộ trưởng Bộ Y tế đồng tình đánh thuế 100% đối với rượu, bia

22/11/2024 - 13:11

PNO - Khẳng định rượu bia ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng, Bộ trưởng Bộ Y tế tán thành đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này lên 100% tới năm 2030.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan kiến nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá và đồ uông có đường cao hơn so với dự thảo
Bộ trưởng Đào Hồng Lan kiến nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá và đồ uống có đường cao hơn so với dự thảo - Ảnh: V.P.

Đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia

Sáng 22/11, góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, bà Đào Hồng Lan - Bộ trưởng Bộ Y tế - nhất trí với định hướng tăng thuế các hàng hóa có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia, đồng thời bổ sung đồ uống có đường vào danh mục chịu thuế.

Bà dẫn kiến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, tăng thuế là một trong những biện pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu thụ các sản phẩm có hại cho sức khỏe hoặc không lành mạnh, từ đó giúp giảm tỉ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm như: ung thư, tim mạch, hô hấp và tiểu đường...

Dự thảo quy định, với mặt hàng thuốc lá, giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn từ 2026-2030.

Với mặt hàng rượu, bia, Bộ Y tế nhất trí tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn 2026-2030 với bia và rượu có nồng độ cồn từ 20 độ trở lên.

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường là cần thiết.

"Hiện nay có đã có bằng chứng của WHO chứng minh rằng việc thường xuyên tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, sâu răng, loãng xương, gây thừa cân và béo phì, từ đó dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm khác bao gồm ung thư" - Bộ trưởng nói.

Bộ Y tế nhất trí đề xuất của Chính phủ trong việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt trước mắt đối với nước giải khát có chứa đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam, còn các loại đồ uống có đường khác sẽ có lộ trình để áp thuế sau khi đã thực hiện ổn định đối với nước giải khát có đường.

Dự thảo đưa ra mức thuế suất 10% trên giá bán ra của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu. Theo tính toán, mức thuế suất này chỉ làm tăng 5% giá bán lẻ. Mức tăng này không đáng kể, chưa đủ để tác động làm thay đổi hành vi.

Ví dụ, sản phẩm nước giải khát đang có giá 10.000 đồng/chai, sau khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt thì giá bán là 10.500 đồng/chai. Bộ Y tế nhận được đề xuất của WHO đề nghị áp một lộ trình thuế với mức tăng cao hơn để bảo đảm tăng giá 20% do tăng thuế theo khuyến cáo toàn cầu của WHO (tương đương mức thuế suất 40%), nhằm giảm mức tăng tiêu thụ.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI