Có hiện tượng lập tổng đài tư vấn giả mạo bác sĩ lừa bán thực phẩm chức năng

07/11/2024 - 13:03

PNO - Trước phiên chất vấn của Quốc hội (11-12/11), Bộ trưởng Bộ Y tế đã có văn bản gửi ĐBQH về một số nội dung liên quan.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan là một trong 3 tư lệnh ngành ngồi ghế nóng chất vấn tại Kỳ họp thứ 8
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan là 1 trong 3 tư lệnh ngành ngồi "ghế nóng" chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 - ảnh: QH


Liên quan tới thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố cho 24.643 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, trong đó sản phẩm trong nước chiếm 84,7%; cấp 201 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Tỉ lệ số mẫu được giám sát không đạt giảm qua các năm (năm 2022 là 7,67%; năm 2023 là 1,69%; 10 tháng đầu năm 2024 là 0,31%). Tỉ lệ (%) số chỉ tiêu được thử nghiệm có kết quả không đạt so với tổng số chỉ tiêu đã được thử nghiệm cũng giảm.

Các vi phạm chủ yếu là sản xuất thực phẩm chức năng giả (giả về chất lượng, giả về thương hiệu và giả về nguồn gốc, xuất xứ). Phần lớn các mặt hàng thực phẩm chức năng làm giả, kém chất lượng đều được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch về đến Việt Nam. Sau đó, các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng chỉ ra có tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Ngoài việc giả mạo hình ảnh, tên của cơ sở y tế, bác sĩ, có cơ sở thiết lập tổng đài tư vấn giả mạo bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia y tế để tư vấn không đúng về công dụng, tác dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng.

Bà Đào Hồng Lan cho rằng, khó khăn chủ yếu là do quảng cáo sai sự thật chủ yếu do các đơn vị đặt máy chủ ở nước ngoài. Bán thực phẩm chức năng trên các sàn thương mại điện tử, website và các gian hàng kinh doanh trên các ứng dụng trên mà chưa được cấp phép. Việc quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm bị một bộ phận doanh nghiệp lợi dụng để công bố không đúng, thậm chí không công bố, do đó, gây khó khăn trong hậu kiểm.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, để giải quyết vấn đề này, cần sửa đổi luật liên quan tới an toàn thực phẩm và luật quảng cáo để khắc phục khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm và công khai vi phạm theo quy định hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục đề nghị
Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục đề nghị có Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, mua bán thuốc lá điện tử - ảnh: Gia Hân

Về vấn đề phòng chống tác hại thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng), Bộ Y tế đã có các văn bản báo cáo Chính phủ và các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế pháp lý quản lý thuốc lá thế hệ mới, chưa giao cho cơ quan nào quy định về quy chuẩn, hay tiêu chuẩn quản lý chất lượng.

Sản phẩm này cũng không nằm trong danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh hoặc hành vi nghiêm cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo; nên ngành công thương mới xử lý chủ yếu là hành vi buôn bán hàng nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. Cơ quan chức năng ngành công an sẽ xử lý nếu phát hiện có pha trộn, tẩm ướp, bơm tinh chất ma tuý và chất cấm trong thuốc lá thế hệ mới.

Như vậy, theo Bộ trưởng "chưa bảo đảm kịp thời ngăn chặn, chế tài chưa đủ mạnh và chưa đủ sức răn đe".

Bà Đào Hồng Lan đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và trình ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác. Trong đó, cần quy định cụ thể về quản lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá mới; trách nhiệm của các bộ ngành liên ngành.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI