Bộ trưởng Bộ Xây dựng lý giải không quy định sở hữu chung cư có thời hạn

19/06/2023 - 15:05

PNO - Tại phiên thảo luận về Luật nhà ở (sửa đổi), sáng 19/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã giải trình, làm rõ một số ý kiến của ĐBQH.

 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm rõ một số ý kiến của ĐBQH về dự án Luật nhà ở (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm rõ một số ý kiến của ĐBQH về dự án Luật nhà ở (sửa đổi)

Vấn đề nhạy cảm cao, ý kiến chưa thống nhất

Một trong những vấn đề được quan tâm là quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phá dỡ, xây dựng lại. Bộ trưởng cho biết, trong tờ trình trình Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất 2 phương án là sở hữu nhà chung cư có thời hạn và phương án không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Tuy nhiên, thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và còn có những ý kiến chưa thống nhất. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã trình đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến.

“Dự thảo luật đã có bổ sung làm rõ thêm các nội dung về thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ và đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết, tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho hay sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ hơn các nội dung có liên quan như ý kiến của ĐBQH để đảm bảo tính khả thi, thúc đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Trước đó, tại phiên thảo luận sáng 19/6, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị quy định rõ thời hạn sở hữu nhà chung cư phải theo tuổi thọ công trình. Ông cho rằng, quy định trên sẽ mang lại 2 điểm lợi. Thứ nhất, người sở hữu nhà sẽ chỉ trả tiền cho chung cư theo thời hạn công trình thiết kế nên giá thành sẽ khác so với trươc. Thứ hai, về mặt xã hội, quy định trên sẽ giải quyết tình trạng nhà chung cư sập sệ không phá dỡ được.

Nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp sẽ giải quyết nhiều vướng mắc

ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai

ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng, nếu chỉ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp mới được hưởng chính sách nhà ở lưu trú là chưa công bằng

Liên quan đến phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, tại phiên thảo luận, ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng, nếu chỉ công nhân, người lao động đang làm việc tại khu công nghiệp được hưởng chính sách nhà ở lưu trú là chưa đảm bảo công bằng giữa công nhân trong và ngoài khu công nghiệp. ĐB đề nghị cần rà soát và có quy định rõ ràng hơn, bảo đảm điều kiện tiên quyết của chính sách nhà ở xã hội là hướng đến người có thu nhập thấp, người nghèo, đồng thời cần tiếp tục cụ thể hóa các tiêu chí đối với từng nhóm đối tượng cụ thể, bảo đảm chính sách bao quát và công bằng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, quy định về nhà ở công nhân hiện nay cơ bản giống với nhà ở xã hội bán cho các đối tượng khác như được xây dựng trên đất ở, bán cho đối tượng công nhân và gia đình ở lâu dài, có thể cấp quyền sử dụng đất, được hưởng các hỗ trợ ưu đãi, trình tự đầu tư xây dựng thủ tục mua bán cũng tương tự như nhà ở xã hội.

Song, nhà lưu trú công nhân theo dự thảo luật là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để bố trí cho công nhân, người lao động thuê, lưu trú trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp đó.

Việc bố trí nhà lưu trú công nhân trên đất dịch vụ khu công nghiệp giúp giải quyết được nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi cho công nhân khu công nghiệp như thủ tục đầu tư xây dựng rút gọn do đồng bộ với khu công nghiệp; chi phí đầu tư và chi phí quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân sẽ giảm do giảm được chi phí hạ tầng; thuận tiện cho công nhân trong sinh hoạt; tiết kiệm thời gian đi lại, giảm ùn tắc giao thông; đảm bảo về môi trường sinh hoạt an ninh, an toàn…

Về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Công đoàn năm 2012.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI