Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL: Di tích xuống cấp vì thiếu kinh phí

01/06/2022 - 18:04

PNO - Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cho biết, đang đề xuất kinh phí cho địa phương để bảo tồn di tích, chống xuống cấp.

 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng công tác bảo tồn di tích gặp khó do thiếu kinh phí

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng công tác bảo tồn di tích gặp khó do thiếu kinh phí

Đề nghị tháo gỡ khó khăn trong cấp visa du lịch

Tiếp theo chương trình nghị sự, chiều 1/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng đã trả lời, giải đáp ý kiến, quan tâm của ĐBQH về vấn đề du lịch và di tích, di sản của Việt Nam.

Về du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định đây là ngành kinh tế mũi nhọn có nhiều đóng góp phát triển kinh tế của Việt Nam trước khi xuất hiện dịch COVID-19. 

Khi dịch xuất hiện, ngành du lịch chịu nhiều tổn thất, đây cũng là tình trạng của ngành du lịch thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ như miễn giảm tiền điện, giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép, hỗ trợ lực lượng hướng dẫn viên 3,7 triệu đồng/người để chia sẻ khó khăn… Theo các nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng, các cơ sở kinh doanh du lịch được hưởng nhiều chính sách an sinh xã hội, tín dụng…

“Nhờ các chính sách đó, ngành du lịch thấy được trách nhiệm của mình, dù khó khăn nhưng phải cố gắng vượt qua”, Bộ trưởng nói. 

Sau khi mở cửa du lịch từ ngày 15/3, tới nay, lượng khách quốc tế tới Việt Nam đã tăng 200% so với cùng kỳ, du lịch nội địa cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ. Seagames 31 cũng là một trong những sự kiện thúc đẩy nền kinh tế trong nước. Sự trải nghiệm của 10.000 vận động viên và 700 phóng viên quốc tế sẽ giúp giới thiệu về một Việt Nam đẹp và an toàn tới thế giới. 

Để tiếp tục thúc đẩy du lịch, Bộ VH-TT-DL đề xuất Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ vấn đề visa, có thể cấp trực tiếp cho du khách, không phải thông qua công ty du lịch nữa.

Thứ hai, cần làm mới sản phẩm du lịch, hướng về du lịch xanh, du lịch cộng đồng… Du lịch biển, nghỉ dưỡng là thế mạnh cần chuẩn bị để đón khách trong mùa hè này. Thứ ba, nâng cao chất lượng nhân lực, quảng bá điểm đến để dự kiến đón 5 triệu lượt khách quốc tế.

Phân cấp để tăng cường trách nhiệm bảo tồn di tích, di sản

i tích lịch sử cấp Quốc gia Chín Hầm nằm dưới chân núi Thiên Thai (phường An Tây, TP Huế)

Di tích lịch sử cấp Quốc gia Chín Hầm nằm dưới chân núi Thiên Thai (phường An Tây, TP Huế) xuống cấp 

Về vấn đề di sản, theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, đây là tài nguyên văn hóa có giá trị của đất nước. Cả nước có hơn 40.000 di tích, trong đó một số di tích, di sản đã được công nhận.

“Trong giai đoạn 2015 – 2020, Bộ VH-TT-DL đã có chương trình mục tiêu về văn hóa. Quốc hội đã phân bổ 245 tỷ đồng trong 5 năm để nâng cấp di tích. Bộ đã phân khai cho 400 di tích ở các địa phương. Bình quân 1 di tích được đầu tư 600 triệu đồng - 1 tỷ đồng. Số tiền đầu tư này quá ít nên không đủ chống xuống cấp di tích.

Nhiệm kỳ này, chương trình mục tiêu đã kết thúc, Bộ VH-TTDL không được phân bổ nguồn vốn. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết đã báo cáo thủ tướng cân nhắc trình quốc hội bố trí một khoản nào đó để điều tiết cho địa phương nhằm chống xuống cấp di tích.

Ngoài ra, Quốc hội đã đưa vào chương trình làm luật để báo cáo sửa đổi Luật di sản, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, lúc đó sẽ phân cấp rõ hơn, trách nhiệm rõ hơn: "Tránh tình trạng khi công nhận di tích, xếp hạng di tích thì nghĩ đây là trách nhiệm của bộ, ngành mà không phải trách nhiệm của cơ quan quản lý. Di tích ở địa phương nào, địa bàn nào, giá trị của di sản đó không chỉ ở cấp bộ quản lý mà phải phát huy từ ngay địa bàn đó".

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI