Bộ trưởng Bộ Tài chính: Giữ Quỹ bình ổn sẽ "giảm sốc" giá xăng từ từ

11/11/2022 - 19:04

PNO - Theo Bộ Tài chính, kết quả lấy ý kiến Bộ Công thương và các bộ, ngành khác cho thấy, cần tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn để "giảm sốc" giá xăng.

 

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, việc duy trì quỹ bình ổn xăng dầu sẽ giúp giảm sốc giá của mặt hàng này một cách từ từ

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, việc duy trì quỹ bình ổn xăng dầu sẽ giúp giảm sốc giá của mặt hàng này một cách từ từ

Chiều 11/11, tại phiên thảo luận của Quốc hội về Luật giá (sửa đổi), một số ý kiến băn khoăn tới việc có hay ngừng duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) nêu thực trạng, đầu tháng 10 vừa qua, tình trạng đứt gẫy nguồn cung, khan hiếm xăng dầu xảy ra trên diện rộng. Không hiếm hình ảnh các cây xăng đóng cửa, người dân xếp hàng mua.

“Vậy không rõ vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở đâu? Liệu có nên duy trì quỹ này nữa không? Có nên chăng đã đến lúc phải thay đổi cơ chế quỹ bình ổn giá bằng các công cụ bình ổn giá khác hiệu quả hơn để giá cả hàng hóa vận hành theo quy luật thị trường”, ông đặt câu hỏi và đề nghị vấn đề này cần được liên bộ Tài chính – Công thương cân nhắc cẩn trọng hơn. 

Trong khi đó, ĐBQH Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) lại cho rằng, trong điều kiện hiện nay và một số năm tới, việc bình ổn giá xăng là cần thiết. Song ông cũng nhấn mạnh, cần có quy định cụ thể về việc công khai, minh bạch việc trích và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để đảm bảo việc thực thi trong luật này.

Giải trình làm rõ ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, Bộ đã lấy ý kiến của Bộ Công Thương và các bộ, ngành và nhận được kết quả là Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Nguyên nhân là nếu để giá xăng, dầu tăng lên thì ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. 

“Vì vậy, giữ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu thì giảm sốc từ từ”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, công cụ để điều chỉnh giá xăng, dầu hiện gồm có 5 yếu tố. Thứ nhất là gói thuế; thứ hai là chi phí định mức; thứ ba là nguồn cung; thứ tư là thông qua cấp phép để xây dựng bộ máy; thứ năm là Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. 

Càng nhiều công cụ để đảm bảo điều chỉnh và giảm sốc giá xăng, dầu phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân là một điều rất cần thiết.

Lo "thủ đoạn" đại hạ giá sách giáo khoa để độc quyền

Liên quan tới sách giáo khoa, phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đánh giá, đây là mặt hàng có phạm vi ảnh hưởng rộng, tác dụng trực tiếp đến mọi người dân. Vì vậy, nên việc kiểm soát chặt chẽ mặt hàng này, người dân sẽ đồng thuận cao để Nhà nước cần thiết điều tiết giá cho hợp lý.

“Không thể chấp nhận năm nào cũng có phản ánh về sách giáo khoa, thiếu sách cục bộ. Một số môn, người có tiền mua chưa chắc đã mua được sách, người có thu nhập thấp dĩ nhiên là mua không được”, ĐBQH Phạm Văn Hòa bức xúc.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý cần đến yếu tố thị trường của các nhà xuất bản có sự cạnh tranh để sách giáo khoa với giá hợp lý nhất. Để người dân đồng tình, Nhà nước định khung giá tối đa là hợp lý để các đơn vị phát hành sách tự định giá không cao hơn khung giá quy định của Nhà nước. 

Ngoài ra, việc khan hiếm sách giáo khoa cũng cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước. “Có thể quy định sách giáo khoa cần sử dụng cho nhiều năm chứ sử dụng rồi lại bỏ rất lãng phí cho nguồn lực của xã hội”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nói thêm.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ tài chính chỉ ra, chúng ta luôn luôn nghĩ đến chuyện làm thế nào để quy định mức giá không cao, nhưng lại chưa nghĩ đến việc ngăn chặn được giá quá thấp. Bởi khi các doanh nghiệp có tiềm năng muốn thâu tóm thị trường thì có thể thủ đoạn đại hạ giá để đánh bật các đối thủ khác, tạo nên một lợi nhuận độc quyền. Đây cũng là một vấn đề đặt ra trong Luật Giá. 

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI