Bộ trưởng Bộ Tài chính: Có người bán đất hơn 10 tỷ đồng, khai giá chỉ 500 triệu

02/06/2022 - 11:11

PNO - Sáng 2/6, tiếp tục phiên thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình các nhóm vấn đề được Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm, đặt câu hỏi.

 

Mặc dù nhiều ĐBQH bày tỏ lo ngại khi thị trường chứng khoán bốc hơi song Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá vẫn tốt
Mặc dù nhiều ĐBQH bày tỏ lo ngại khi thị trường chứng khoán "bốc hơi" song Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá "vẫn tốt"

Giá đất 10 tỷ, chỉ kê khai 500 triệu đồng

Thứ nhất, về ý kiến cho rằng thu ngân sách đạt 1.568.000 tỷ đồng, vượt 16,8% so với dự toán đề ra, tuy nhiên chủ yếu nguồn thu tới từ tiền đất và dầu thô; Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ ra, thực tế tiền đất thu của cả nước 185.000 tỷ, dầu thô thu 44.000 tỷ, chỉ chiếm gần 14% tổng thu ngân sách thực hiện.

“Có nghĩa, năng lực sản xuất kinh doanh của chúng ta vẫn tốt. Trong số vượt thu 225.000 tỷ đồng, có 74.000 tỷ thu từ tiền đất, 21.000 tỷ vượt thu từ dầu thô, chiếm 45% trong tổng số vượt thu. Đại biểu hết sức an tâm”, Bộ trưởng Phớc nói.

Thứ hai, về thu thuế bất động sản, nhiều ĐBQH cũng phản ánh về việc tồn tại “hai giá đất” - giá đất trên hợp đồng và giá đất giao dịch thực tế, gây thất thu thuế Nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, thời gian vừa qua có hiện tượng này, có sự trốn thuế, trục lợi thuế… Vì vậy, Bộ đã có 2 văn bản chỉ đạo cơ quan thuế phải siết chặt thu thuế để đúng giá trị mua bán, đồng thời cũng ngăn chặn hành vi đầu cơ kinh doanh bất động sản.

Bộ trưởng thông tin, trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng thu từ thuế đất đạt 16.200 tỷ đồng, vượt thu cùng kỳ 6.600 tỷ. “Có những trường hợp ban đầu kê khai 500 triệu nhưng được giải thích kê khai 10 tỷ, tức gấp 20 lần”, ông dẫn chứng và nhấn mạnh đây là một vấn đề cần thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Liên quan tới ý kiến có tình trạng cán bộ thuế nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân, nhận lót tay, hối lộ… người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết sẽ xử lý nghiêm.

Thị trường chứng khoán vẫn tốt

Thị trường chứng khoán gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và phái sinh, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc vừa qua vẫn “rất tốt”.

“Tại sao tôi nói như vậy? Vì thị trường chứng khoán của các nước tiên tiến đã có trên 50 năm rồi, còn thị trường chứng khoán Việt Nam mới có 22 năm, mà được đánh giá là thị trường tốt. Thị trường chứng khoán có thể nói là kênh huy động vốn và đầu tư trung, dài hạn. Đối với cổ phiếu, năm 2021 đạt 7.774.000 tỷ, chiếm 92% GDP, tăng trưởng 46,7% so với năm 2020, bình quân giao dịch trên 26.000 tỷ. Thị trường trái phiếu đạt 1.374.000 tỷ, chiếm 15% GDP, so với khu vực vẫn còn thấp. Ví dụ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Trung Quốc đạt 35,6%; Hàn Quốc đạt 86,4%; Nhật Bản đạt 17,4%; Malaysia đạt 56%; Thái Lan gần 25%... Chúng ta còn tiềm năng rất tốt để huy động vốn trên trái phiếu doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Thời gian qua, một số vụ việc do sai phạm Luật chứng khoán và các nghị định liên quan do Chính phủ ban hành khiến dư luận quan tâm như: thao túng chứng khoán, lừa dối khách hàng, giả mạo hồ sơ, tài liệu… Những sai phạm này sẽ được cơ quan chức năng xử lý một cách nghiêm minh. Bộ Tài chính cũng đã có các thông cáo báo chí và nhiều bài báo để nói rủi ro về thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ để nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia.

“Vấn đề chứng khoán của chúng ta thời gian vừa rồi có thể nói vẫn tốt, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ Tài chính đang trình Chính phủ để ban hành Nghị định sửa đổi nghị định 153 để thực hiện minh bạch và tốt hơn, bịt một số lỗ hổng trong thị trường chứng khoán. Đặc biệt, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc sẽ phải sửa Luật chứng khoán vì luật này hiện không hạn chế điều kiện phát hành. Ví dụ như doanh nghiệp lỗ cũng được phát hành, không khống chế mục đích phát hành…

Cân nhắc giảm giá xăng dầu

Vấn đề về giá, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhiệm vụ cấp bách của chúng ta hiện nay là chống được lạm phát. Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế, đồng nghĩa với việc những nguyên liệu phụ thuộc ở nước ngoài chúng ta phải theo dòng chảy, tác động chung như: thép, phôi thép, xăng dầu…

Giải pháp hiện nay, ngoài tập trung chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, quản lý giá thật tốt, theo quan điểm của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, quan trọng là phải tăng năng lực sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp; tái cơ cấu và tăng cường sản xuất kinh doanh trong nước. “Có như vậy mới tạo ra được sản phẩm, nâng cao được thu nhập của người dân và doanh nghiệp, mới có sức chống lạm phát”, Bộ trưởng nói.

Có nhiều ý kiến cho rằng cần giảm giá xăng dầu. Theo Bộ trưởng, việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu là một giải pháp. Tuy nhiên, muốn giảm giá xăng dầu thì phải sử dụng đồng bộ các giải pháp. Trong đó, nếu giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng… thì thẩm quyền thuộc về Quốc hội. “Giảm thuế là một biện pháp mà Bộ Tài chính sẽ cân nhắc, đánh giá tác động để báo cáo Quốc hội”, Bộ trưởng chia sẻ trước diễn đàn Quốc hội.

Người đứng đầu ngành tài chính cũng bày tỏ lo ngại, nếu như giá xăng dầu trong nước xuống thấp và chênh lệch nhiều so với các nước trong khu vực thì dòng buôn lậu xăng dầu sẽ xảy ra. Do đó, phải tính đến vấn đề ngăn chặn buôn lậu. Đồng thời, cần thúc đẩy nguồn cung, phải nâng được công suất hai nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI