Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp gợi ý để người dân dừng chặt cây điều trồng sầu riêng

21/08/2024 - 11:46

PNO - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ tâm tư khi nhiều bà con tại “thủ phủ” điều Bình Phước đốn loại cây truyền thống này để thay bằng sầu riêng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tâm tư trước cảnh người dân chặt điều trồng sầu riêng
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tâm tư trước cảnh người dân chặt điều trồng sầu riêng

Câu hỏi đắng lòng!

Tham gia chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành, sáng 21/8, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) nêu giải pháp nào để bảo đảm giá trị thương hiệu hạt điều, sầu riêng cũng như bảo vệ được quyền lợi và cải thiện đời sống của người dân trước thực trạng phát triển và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực của nước ta chưa thực hiện hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, ông đã về “thủ phủ điều” Bù Đăng (Bình Phước) và chứng kiến cảnh bà con đang đốn điều trồng sầu riêng.

“Tôi hỏi tại sao, điều là thủ phủ của Bình Phước mà nỡ nào bà con lại đốn cây gắn bó bao đời. Bà con nói, sầu riêng có thu nhập 1 tỉ đồng/ha, trong khi điều chỉ thu được 35 - 40 triệu đồng/ha. Như vậy, người nông dân chúng tôi nên như thế nào? Đây là câu hỏi rất đắng lòng”.

Để bảo vệ cây điều trước xu hướng mới của thị trường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khuyến cáo người dân trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều, nhờ đó, vườn điều sẽ có đa tầng giá trị. Ngoài ra, bản thân điều là loại cây có đặc trưng: không dùng thuốc, phân bón hóa học nên có thể có nguồn thu tín chỉ các-bon.

Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Bình Phước cũng đang chế biến điều đa dạng, Bộ trưởng đề nghị đẩy nhanh sản phẩm OCOP từ cây điều. Bộ NN-PTNT đã làm việc với Hiệp hội điều Việt Nam, làm sao để xây dựng chuỗi chia sẻ, liên kết người trồng điều và doanh nghiệp chế biến.

Liên quan tới phát triển cây sầu riêng, Bộ trưởng cũng cho rằng, muốn xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn cho sản phẩm này thì phải có hiệp hội ngành hàng, liên kết bà con nông dân.

Bộ NN-PTNT vừa ký hiệp định thư thứ hai mở cửa sầu riêng đông lạnh, cơm sầu riêng... sang thị trường Trung Quốc. Trước đó, hiệp định thư thứ nhất cách đây 2 năm đã mở cửa sầu riêng nguyên trái sang thị trường này.

“Như vậy, gần như toàn bộ ngành hàng sầu riêng của chúng ta đã mở cửa với Trung Quốc. Đây là niềm vui nhưng cũng kích hoạt các vấn đề. Muốn đưa sầu riêng thành sản phẩm quốc gia thì phải có thiết chế để điều chỉnh; có chính sách chung cho người nông dân, doanh nghiệp về khoa học công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng nếu muốn đi xa. Vì chúng ta đi sau một số quốc gia xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc như Thái Lan, Malaysia”.

Giải pháp nào sớm gỡ thẻ vàng IUU?

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà chất vấn về giải pháp gỡ thẻ vàng IUU
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà chất vấn về giải pháp gỡ thẻ vàng IUU

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội) cho hay, năm 2024, ngành thủy sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều thách thức, từ thị trường, giá bán đến những rào cản thương mại. Đặc biệt trong bối cảnh đã gần 7 năm Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu âu (EC) về khai thác IUU (hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý).

Nghị quyết số 853 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã giao Bộ NN-PTNT sớm có giải pháp và vận động EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” về thủy sản đối với Việt Nam.

“Đến thời điểm này, Bộ đang gặp những khó khăn vướng mắc nào trong quá trình vận động EC gỡ bỏ thẻ vàng về thủy sản đối với Việt Nam? Bộ trưởng có cam kết cụ thể nào để giải quyết vấn đề này?” - ĐBQH đoàn TP Hà Nội chất vấn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, giải pháp chủ yếu vẫn là thực hiện tốt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, phát triển thủy sản dựa trên 3 trụ cột gồm: giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển, để đảm bảo trữ lượng thủy sản dành cho thế hệ mai sau.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, những giải pháp nhằm gỡ thẻ vàng IUU trong suốt 7 năm qua đã có những thành quả nhất định. Tuy nhiên, dù đã giảm 20.000 chiếc tàu nhưng so với các nước trong khu vực, số lượng tàu của Việt Nam quá nhiều trên vùng biển, ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững.

“Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục chứng minh về những nỗ lực của Việt Nam trong việc tháo gỡ thẻ vàng IUU; phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng vào cuộc triển khai tháng cao điểm” - ông Hoan nhấn mạnh.

Một thực tế khác, theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, trình độ nhân lực nghề cá còn hạn chế. Vì vậy, thời gian tới, cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có giải pháp để tăng cường nhận thức cho ngư dân cùng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI