Bộ trưởng Bộ NN-PTNT: Sụt lún, hạn hán diễn ra “ngay trước cửa nhà”

04/06/2024 - 11:37

PNO - Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, là người sống ở đồng bằng sông Cửu Long, ông cảm nhận hạn hán, xâm nhập mặn hàng ngày vì diễn ra “ngay trước cửa nhà”.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết 60% nguồn nước phụ thuộc nước ngoài

60% nước phụ thuộc nước ngoài, 40% là nội sinh

Tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đặng Quốc Khánh, nhiều ĐBQH lo lắng trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại Việt Nam hiện nay.

ĐBQH Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) cho biết, với việc gia tăng tình trạng hạn hán, suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn ở Việt Nam, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, đặc biệt là vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo là thách thức lớn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt trong thời gian tới.

ĐBQH Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) cũng đề nghị Bộ trưởng có giải pháp cụ thể khi tình trạng hạn hán được dự báo kéo dài, phức tạp trong nhiều năm tới.

Trả lời ĐBQH, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ tới Việt Nam. Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia bị tác động nặng nề.

Theo Bộ trưởng, 60% nguồn nước của Việt Nam bị phụ thuộc nước ngoài, 40% là nội sinh. Do đó, việc đầu tiên để đảm bảo an ninh nguồn nước là đảm bảo được nguồn nước nội sinh. Chính phủ chỉ đạo phải tiếp tục bảo vệ rừng, trồng thêm rừng, triển khai dự án 1 tỉ cây xanh và sử dụng hiệu quả nguồn nước.

Hiện Việt Nam cũng đã có nhiều quy hoạch các lưu vực sông, có tổ chức để điều hành liên tỉnh đảm bảo trách nhiệm các địa phương đối với an ninh nguồn nước.

Với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long, theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, phải tuyên truyền về việc tiết kiệm, chủ động tích trữ nước; đảm bảo nước ngọt cho người dân; xử lý điều hòa điều phối nguồn nước. Do 60% nước phụ thuộc bên ngoài nên Việt Nam cần tiếp tục phối hợp với các nước trong khu vực để đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.

Trong những năm tới, Bộ trưởng cũng khẳng định hạn hán chắc chắn sẽ diễn ra nên chúng ta cần chủ động nhiều biện pháp thích ứng. Thứ nhất, triển khai hiệu quả Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Thứ hai là hoàn thành các quy hoạch lưu vực sông, điều hòa điều phối nước hợp lý trong khả năng sử dụng tối ưu để chống hạn. Thứ ba là cảnh báo chính xác địa phương và người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mùa vụ trong từng năm. Thứ tư là ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo để cảnh báo cho địa phương. Xây dựng kịch bản nguồn nước cho các địa phương.

Bộ TN-MT phối hợp với các bộ ngành liên quan sẽ cùng các địa phương thực hiện, phòng chống hạn hán tối ưu, chủ động, tăng cường tích trữ nước trong thời gian tới.

Tháng 9, trình đề án chiến lược xử lý hạn hán, xâm nhập mặn

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan chỉ ra, mùa hạn vừa qua xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long, cùng hạn hán là tình trạng sụt lún, xâm nhập mặn...

“Là người sống ở đồng bằng sông Cửu Long, sụt lún ngay trước cửa nhà tôi, tôi cảm nhận hàng ngày” - ông nói.

Để giải quyết tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN-PTNT trình đề án tổng thể, chiến lược về hạn hán, xâm nhập mặn, khan hiếm nước ở đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 9/2024. Tháng 6 tới đây, Thủ tướng sẽ gặp gỡ 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để nghe ý kiến các chuyên gia, tìm giải pháp hữu hiệu.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thế giới đang đánh giá chúng ta ở kỷ nguyên khô hạn mang tính chất toàn cầu.

“Chúng ta chưa bao giờ xem nước là tài nguyên. Chúng ta vẫn coi nước là vô hạn nhưng thực tế hiện nay cho thấy, đó là hữu hạn” - ông nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu, vấn đề trước mắt là phải sử dụng tiết kiệm nước. Chúng ta phải có tuyên ngôn với người dân: "Việt Nam không phải là quốc gia dư thừa nước" để tiếp cận, xử lý vấn đề ngắn hạn và dài hạn. Từ nền nông nghiệp sử dụng nước không phí thì dần dần phải tính toán, chuyển đổi.

Ông cũng cho rằng, bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long có thói quen sống dọc bờ sông nên phải cấu trúc lại không gian sống và sản xuất hợp lý. Bên cạnh đó, ông kiến nghị ủng hộ đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải, đó cũng là một cách để tiết kiệm nước.

Về việc xây các hồ trữ nước, ông cho hay, các địa phương cần xem xét thận trọng. Không thể lấy một diện tích lớn làm hồ vì còn nhiều vấn đề liên quan, như địa hình bằng phẳng, khó khăn trong việc dẫn nước từ địa phương này sang địa phương khác.

Ông lấy ví dụ của tỉnh Trà Vinh. Địa phương này dù nằm cuối nguồn nhưng không bị hạn hán, xâm nhập mặn nhờ làm tốt việc khơi thông các mương rạch. Từng hộ gia đình, cộng đồng dân cư có cách trữ nước. Đây là giải pháp ngắn hạn để đối phó với khô hạn, thiếu nước.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI