Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Kiên quyết chặt đứt đường dây lừa trẻ vị thành niên ra nước ngoài

18/03/2024 - 18:15

PNO - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết sẽ xử lý nghiêm hành vi đưa người ra nước ngoài, chặt đứt đường dây dụ dỗ trẻ vị thành niên.

 

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn lần đầu tiên trả lời chất vấn của ĐBQH
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn lần đầu tiên trả lời chất vấn của ĐBQH

Gia tăng số lượng công dân bị lừa đảo ra nước ngoài

Chiều 18/3, chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (tỉnh Đắk Lắk) đặt ra vấn đề giải pháp chiến lược trong việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Theo bà, hiện nay, việc gia tăng số lượng công dân Việt Nam bị lừa đảo đi làm việc nhẹ lương cao, bị cưỡng bức lao động tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Việc này đã kéo theo nhiều hệ luỵ phức tạp và đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.

ĐBQH chất vấn Bộ trưởng giải pháp nào căn cơ để ngăn chặn tình trạng này trong thời gian tới?

Cùng mối quan tâm, ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung (tỉnh Hải Dương) đề nghị phương án chấm dứt tình trạng người Việt Nam, chủ yếu là giới trẻ đi lao động ở nước ngoài nhưng làm việc trong các sòng bạc lừa đảo, các cơ sở mại dâm.

Trả lời ĐBQH, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, tình trạng lừa đảo, dụ dỗ trẻ vị thành niên ra nước ngoài, trở thành nạn nhân bị cưỡng bức lao động, bắt cóc, mua bán người tại các cơ sở cờ bạc, trò chơi trực tuyến... diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay. Đây là vấn đề hết sức phức tạp. Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức giải cứu, đưa nhiều người về.

"Tới đây, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân; hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật; chặt đứt đường dây dụ dỗ, lôi kéo thanh thiếu niên", Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng sẽ tiếp tục cảnh báo, thông tin cho các địa phương về công dân ra nước ngoài, nhất là trước những lời mời "làm việc dễ dàng, lương cao". Tại Philippines, Ủy ban chống tội phạm nước này từng phát hiện 800 người công dân nước khác, trong đó có mấy chục người Việt tham gia sòng bạc và buôn bán tiền điện tử.

Một nhóm trẻ vị thành niên bị dụ dỗ sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao, được lực lượng biên phòng tỉnh Tây Ninh ngăn chặn kịp thời
Một nhóm trẻ vị thành niên bị dụ dỗ sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao", được lực lượng biên phòng tỉnh Tây Ninh ngăn chặn kịp thời

Du học sinh trốn không về nước, làm gì để lập lại kỷ cương?

ĐBQH Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) nêu tình trạng, không ít trường hợp du học sinh, giảng viên các trường đại học trong nước được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài rồi không về nước, làm ảnh hưởng đến các đối tượng khác. Ông đặt câu hỏi về trách nhiệm của Đại sứ quán, Tổng lãnh sự như thế nào, Bộ Ngoại giao có biện pháp gì can thiệp, trục xuất các đối tượng này về nước để lập lại kỷ cương?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, sau đại dịch COVID-19, số lượng lao động, du học sinh của chúng ta quay trở lại các nước học tập, lao động tăng lên rất nhanh. Phần lớn các du học sinh ra nước ngoài đều có tâm tư, nguyện vọng về đất nước cống hiến, phục vụ. Những người trẻ này cũng băn khoăn, trong khi nước sở tại vẫn đang có các điều kiện để các em ở lại đóng góp.

"Vừa rồi, qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao của chúng ta đã trực tiếp trả lời, nếu du học sinh cảm thấy việc ở lại có thể phát huy vai trò công việc của mình sau khi học xong, ở nước sở tại thì rất tốt. Điều này vừa góp phần đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quan trọng, các em làm cầu nối hữu nghị giữa hai nước", Bộ trưởng chia sẻ.

Dù vậy, với những trường hợp được cử đi nhưng không về nước làm việc theo cam kết, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp các bộ, ngành thông tin và làm việc với các đối tác để các bạn hiểu trong bối cảnh hiện nay.

Công tác bảo hộ công dân rất kịp thời

Trong bối cảnh một số nơi xảy ra xung đột, ĐBQH Lã Thanh Tân (tỉnh Hải Phòng) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ ngoại giao về các biện pháp bảo hộ, bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thông tin, thời gian qua, xung đột xảy ra nhiều nơi và khó lường. Tại xung đột ở dải Gaza,  Việt Nam có khoảng 700 công dân ở Israel, với 500 người định cư lâu dài, 200 người sang học tập. Khi xảy ra xung đột, Việt Nam đã sơ tán ngay các gia đình về chỗ an toàn, mọi việc đều tốt. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định: “Công tác bảo hộ công dân làm rất kịp thời”.

Thời gian tới, Bộ trưởng cho hay sẽ tập trung vào công tác dự báo tình hình, dự đoán xung đột xảy ra giữa các nước hoặc xung đột nội bộ để nâng cao công tác bảo hộ công dân.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI