Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH: Đề xuất người hưởng lương hưu từ 1/7 được áp dụng mức cao nhất

27/05/2024 - 18:12

PNO - Đây là thông tin được Bộ trường Bộ LĐ-TBXH thông tin tại phiên thảo luận chiều ngày 27/5, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Bộ  LĐ-TBXH giải trình các ý kiến của ĐBQH về dự thảo Luật BHXH sửa đổi
Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH giải trình các ý kiến của ĐBQH về dự thảo Luật BHXH sửa đổi

Chiều 27/5, báo cáo giải trình, tiếp thu cuối phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) Đào Ngọc Dung cho biết, BHXH của Việt Nam còn non trẻ so với các nước, chỉ với 29 năm, trong khi các nước đã có hàng trăm năm. Tuy nhiên, nhiều loại hình này đã phát triển tốt, với sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Trong đó, hưởng, rút BHXH một lần là vấn đề nhạy cảm, cũng là vấn đề phức tạp cần xử lý. Cơ sở đã có là Nghị quyết 28 của Trung ương, mục tiêu vừa đảm bảo an sinh xã hội, để khi về hưu đều có lương, có bảo hiểm y tế, nhưng cũng phải quan tâm đến hiện tại của người lao động, do kinh tế khó khăn.

Có ý kiến đề nghị tích hợp cả hai phương án như trong đề xuất, nhưng theo ông Đào Ngọc Dung nếu cộng vào như vậy lại chỉ thêm nhược điểm hơn ưu điểm. Do đó, Chính phủ đề xuất cho lựa chọn một trong hai phương án đang trình.

Mặt khác, để hạn chế rút BHXH một lần, theo ông, có nhiều giải pháp, như chính sách tín dụng, cho vay không lãi, dứt khoát phải có, nhưng không đưa vào luật này, mà bố trí vào các nghị định khác, luật khác.

Thảo luận tại Hội trường, nhiều ĐBQH băn khoăn việc bỏ “mức lương hưu thấp nhất”, điều này có thể dẫn tới tình trạng “nghèo hóa” ở một bộ phận người dân. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH giải thích, mức lương hưu thấp nhất là khái niệm chỉ đúng ở thời gian nhất định.

“Việc bỏ mức lương hưu thấp nhất không có nghĩa là không còn người tham gia BHXH ở mức thấp hơn mức lương. Mức lương hưu thấp nhất hiện nay đang đóng theo mức lương cơ sở. Nhưng nếu như vậy, một loạt người có nhu cầu không thể tham gia được. Tại sao không cho người ta ở mức thấp hơn vẫn tham gia được. Tôi đóng thấp - hưởng thấp, nhưng thấp còn hơn không. Điều quan trọng là có bảo hiểm y tế, với người già như thế rất quý. Trong trường hợp này, có còn hơn không, mở rộng được độ bao phủ”, ông nói phương án như dự thảo trình phù hợp thực tiễn, nhất là khu vực nông thôn.

Liên quan đến cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ 1/7/2024, ông Đào Ngọc Dung chỉ ra, cái khó nhất của cải cách tiền lương là không có tiền, nhưng lần này đã có. Đây cũng là vấn đề mới, phức tạp, cốt lõi là trả lương theo vị trí việc làm. Muốn vậy, phải xác định được vị trí việc làm. Trong khi đó, vị trí việc làm phải đảm bảo ổn định, lâu dài và thường xuyên.

Về chênh lệch lương hưu trước và sau 1/7, ông cũng khẳng định không đáng ngại, đây là vấn đề thuộc về chuyên môn:

“Vừa qua, chúng tôi đã xử lý bằng nghị định 42, liên quan đến các đối tượng nghỉ trước và sau năm 2023 rồi, vấn đề này không khó khăn gì và tính toán được”.

Đối với các khu vực liên quan đến hưu trí, Bộ trưởng cho biết đã có đề xuất người hưởng lương hưu từ 1/7 – khi cải cách tiền lương với công nhân viên chức, thì cũng áp dụng ở mức cao nhất có thể. Theo tinh thần, có thể 6 tháng cuối năm nay và đầu năm 2025 chúng ta cân bằng quỹ, chứ không có kết dư. Chấp nhận điều đó để đảm bảo quyền lợi cho người hưu trí, còn đối với người có công sẽ cao hơn một bậc so với công nhân viên chức”, ông Dung khẳng định.

Đề xuất lùi thời điểm thông qua dự án luật

Góp ý vào dự thảo luật, ĐBQH Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) nêu, Luật BHXH là một đạo luật có ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng triệu lao động đã và đang làm việc, kể cả những người đã mất và gia đình họ. Do đó, việc nghiên cứu, xem xét các quy định của dự án luật là đặc biệt quan trọng đối với Quốc hội, được cử tri cả nước quan tâm.

Dù đồng tình với nhiều nội dung tại dự thảo luật, song ĐBQH vẫn đề xuất lùi thời điểm xem xét, thông qua Luật BHXH sang Kỳ họp 8. Điều này nhằm để đảm bảo thận trọng, đánh giá đầy đủ tác động chính sách tiền lương mới đối với các quy định luật BHXH và lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động là đông đảo người lao động.

“Chúng ta không thể quyết định chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động dựa trên tiền của người lao động và người sử dụng lao động đóng góp trực tiếp mà bản thân họ lại không được tham gia ý kiến. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo Chính phủ thực hiện đầy đủ việc lấy ý kiến người lao động để bảo đảm chính sách ban hành được khả thi, hiệu quả với nhiều chính sách tốt hơn, tiến bộ hơn so với Luật BHXH năm 2014”, bà nhấn mạnh.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI