Phóng viên: Năm học 2022-2023 được ngành giáo dục xác định là năm trọng tâm của đổi mới. Bộ trưởng có thể chia sẻ về những nhiệm vụ cụ thể của ngành trong năm học này?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp Ba, lớp Bảy, lớp 10; thẩm định sách giáo khoa các lớp Bốn, Tám, 11 và chuẩn bị biên soạn cho lớp Năm, lớp Chín và lớp 12. Muốn đổi mới về phương pháp dạy và học, về kiểm tra, đánh giá thì trước hết đội ngũ giáo viên phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực về cả kiến thức, kỹ năng sư phạm. Chỉ khi nào lực lượng giáo viên đổi mới, phát triển thì nhiệm vụ đổi mới giáo dục của toàn ngành mới được thực hiện tốt.
|
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn |
Đổi mới giáo dục nói chung và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là nhiệm vụ lớn và nhiều thách thức, phải đảm bảo về mặt thời gian, lượng công việc rất lớn trong khi các điều kiện đảm bảo chất lượng, điều kiện thực hiện còn rất khó khăn. Do đó, để hoàn thành được nhiệm vụ này, cần có nỗ lực lớn của toàn ngành, sự phối hợp, vào cuộc đầy quyết tâm của các địa phương, các bộ, ngành liên quan.
Các nhiệm vụ về phổ cập đối với mầm non, xây dựng xã hội học tập, tiếp tục thực hiện việc tự chủ đại học để làm sao tự chủ đại học bước vào giai đoạn mới, đi vào chiều sâu, đạt tới các mục tiêu chất lượng giáo dục đại học ngày càng cao… cũng được xem là những nhiệm vụ đặt ra trong năm học mới đối với ngành giáo dục. Toàn ngành cũng sẽ tập trung thực hiện các mục tiêu chiến lược khác như chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo, quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng…
* Học phí và các khoản tiền trường đầu năm luôn là vấn đề nóng của năm học mới. Đứng trước khó khăn của các phụ huynh, học sinh sau thời gian dịch bệnh, bộ có chỉ đạo gì để hỗ trợ phụ huynh giảm gánh nặng tiền trường, thưa bộ trưởng?
- Theo Nghị định 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, năm học 2022-2023 sẽ bắt đầu lộ trình tăng học phí, qua đó nhằm hướng tới mong mỏi tốt hơn về các điều kiện dạy và học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hai năm dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
|
Cô trò Trường tiểu học Chính Nghĩa (quận 5, TPHCM) trong ngày tựu trường - Ảnh: Phùng Huy |
Để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã đề xuất lộ trình học phí để trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Đến nay đã có nhiều địa phương quyết định giữ nguyên mức học phí, hoặc miễn hoàn toàn học phí bậc THCS từ năm học này.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đã trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa cho học sinh mượn. Nếu được triển khai thực hiện, chính sách này cũng sẽ góp phần giúp giảm gánh nặng kinh tế cho học sinh, phụ huynh.
* Vậy còn với các khoản thu ngoài học phí, thưa bộ trưởng?
- Đối với các khoản thu khác ngoài học phí, Bộ GD-ĐT đã có nhiều chỉ đạo, hướng dẫn trước đó nhằm “chống lạm thu” đầu năm học. Mới nhất, trong công văn gửi tới các sở GD-ĐT về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các sở hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học.
* Thiếu giáo viên trầm trọng đang là một cản trở cho việc triển khai chương trình phổ thông 2018. Để đảm bảo chất lượng đào tạo, không để tình trạng thiếu giáo viên kéo dài, Bộ GD-ĐT có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?
- Ngày 18/7, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022-2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Ngay sau khi có quyết định của Bộ Chính trị, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Chúng tôi đề nghị các địa phương tập trung các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng biên chế giáo viên như thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng, trao đổi với các địa phương khác để phối hợp tuyển dụng theo các môn học đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học đến năm 2026 báo cáo Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026.
Còn về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026. Chủ động đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở nhu cầu giáo viên và có chính sách ưu tiên, thu hút trong tuyển dụng để bảo đảm nguồn tuyển dụng theo từng năm.
Bộ GD-ĐT đã có nhiều cuộc làm việc với các trường sư phạm và trong thời gian qua, hệ thống đào tạo sư phạm, cũng như các chính sách hỗ trợ trong đào tạo sư phạm đã có nhiều chuyển động tích cực. Đầu vào của các trường sư phạm đang tốt hơn, đây sẽ là một trong những giải pháp quan trọng cho vấn đề thiếu giáo viên. Tuy nhiên, để các chính sách hỗ trợ trong đào tạo sư phạm thực sự phát huy hiệu quả, cần có thêm sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía các bộ, ngành và đặc biệt là từ phía các địa phương trong đặt hàng nhu cầu, tuyển dụng và sử dụng.
* Bộ trưởng có điều gì muốn nhắn nhủ tới cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nhân dịp khai giảng năm học mới?
- Trước thềm năm học mới, tôi muốn gửi đến tất cả thầy cô giáo, những người công tác trong ngành giáo dục và toàn thể các em học sinh, sinh viên cả nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, bình an. Chúc cho một năm học mới với nhiều thành tựu và chúng ta cùng nhau đạt những thành quả tốt nhất cho ngành giáo dục trong thời gian sắp tới.
* Xin cảm ơn bộ trưởng.
Năm học đoàn kết, sáng tạo Bộ GD-ĐT vừa ban hành chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023. Theo đó, chủ đề của năm học này là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Trong năm học 2022-2023, toàn ngành tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm. Các nhiệm vụ trọng tâm gồm: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị, tư tưởng trong toàn ngành; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; xây dựng và triển khai chiến lược, quy hoạch, nâng cao năng lực hệ thống giáo dục đại học; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục. D.Hằng |
Hà Dung (thực hiện)