Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Tình trạng thiếu giáo viên vẫn không ngừng tăng

01/11/2023 - 13:49

PNO - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay tình trạng thiếu giáo viên vẫn không ngừng tăng, Một số tỉnh không có giáo viên mầm non ứng tuyển vì áp lực, lương thấp.

 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng việc biên soạn một bộ sách giáo khoa Nhà nước

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trước mắt sẽ tập trung vào việc thẩm định chất lượng sách lớp 5,9,12. Việc làm một bộ sách chung, nếu được giao, sẽ nghiên cứu sau khi chu trình đổi mới sách được hoàn tất

Không thể “tay không bắt chip”

Sáng 1/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã giải trình về nhiều ý kiến ĐBQH quan tâm tới lĩnh vực giáo dục.

Một trong những vấn đề mới được nêu trong Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ có đề cập là trong thời gian tới ngành công nghiệp bán dẫn được dự báo sẽ cần nguồn nhân lực rất lớn, có thể cần đến 50.000-100.000 người từ nay đến năm 2030.

Nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại không biết ngành GD-ĐT sẽ làm như thế nào để có thể cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cao rất mới và đầy thách thức này. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết đã nhận chỉ đạo của Thủ tướng và lên kế hoạch để triển khai trong lĩnh vực này.

Hiện nay, có 35 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đang đào tạo những lĩnh vực trực tiếp hoặc ngành gần đối với công nghiệp bán dẫn. Trong đó, có các lĩnh vực có thể có ngay nhân lực tham gia vào thị trường.

Các trường đã tổ chức một mạng lưới để cùng chia sẻ kinh nghiệm thiết kế chương trình. Bộ GD-ĐT đã ký một hiệp định với Intel và với nhiều doanh nghiệp khác để xác định chính xác nguồn nhân lực nhằm tránh việc đào tạo “ào ào” rồi lại thừa.

Dự kiến trong năm 2024 sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển khoảng trên 7.000 nhân lực và sẽ tăng dần số này từ 20-30% hàng năm.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đây là một lĩnh vực phải có sự đầu tư cao, nếu không thì không thể “tay không bắt chip” trong lĩnh vực này. Do đó, ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách để đầu tư các phòng thực hành, đáp ứng nhu cầu đào tạo.

Cần tập trung thẩm định chất lượng sách lớp 5, 9 và 12

Một trong các vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm là sách giáo khoa (SGK). Bộ trưởng cho hay, từ năm 2020 đến nay đã có 381 đầu SGK mới được xuất bản với tổng số lượng xuất bản là 194 triệu bản sách. Báo cáo của Đoàn giám sát về SGK cũng ghi nhận, hệ thống SGK, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo đúng tiến độ, đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Nội dung SGK bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Việc biên soạn SGK đã huy động được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ, uy tín, kinh nghiệm.

Trong hai phiên thảo luận về kinh tế- xã hội của Quốc hội, có 2 luồng ý kiến tranh cãi về việc có cần một bộ SGK do Nhà nước thiết kế. Cụ thể, nhiều ĐBQH cho rằng, việc để Bộ GD-ĐT thiết kế một bộ sách chung là đi ngược với chủ trương xã hội hóa, nguy cơ độc quyền SGK quay trở lại.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: “Chúng tôi nghĩ rằng từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng của các SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12 cho thật tốt, đảm bảo đủ SGK trước năm học mới”. Trong trường hợp được giao làm một bộ SGK của Nhà nước, Bộ GD-ĐT sẽ có nghiên cứu đề xuất và cố gắng trong 1, 2 năm tới, khi chu trình đổi mới sách được hoàn tất thì sẽ có những đánh giá sâu và đề đạt phương án với Quốc hội sau.

Tình trạng thiếu giáo viên vẫn không ngừng gia tăng

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trăn trở vì tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non khi lương thấp, công việc vất vả

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trăn trở vì tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non vì áp lực, lương thấp

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang không ngừng gia tăng. Tính tới hiện tại, cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên. Một trong những lý do là năm học vừa qua số lượng học sinh tăng lên rất nhiều.

Bên cạnh đó, tiếp tục còn tình trạng giáo viên nghỉ việc. Tính cho đến tháng 9/2023, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Năm 2022, cùng với Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT đã xác định chỉ tiêu cho các tỉnh tuyển giáo viên là hơn 26.000 người. Tuy nhiên, hiện nay các tỉnh vẫn còn lại 64.000 chỉ tiêu chưa dùng. Trong đó, nhiều nơi không có nguồn để tuyển.

“Như với giáo viên mầm non chẳng hạn, nhiều tỉnh không có giáo viên ứng tuyển vì giáo viên mầm non làm việc chịu nhiều áp lực, lương thấp”, ông nói. Bộ Nội vụ cũng đã xác định trong năm 2023-2024 giao 27.800 chỉ tiêu cho các tỉnh. Đây cũng là một bước để có thể cải thiện được câu chuyện về giáo viên.

Minh Quang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI