Chiều 26/10, trong phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã giải trình nhiều vấn đề cử tri băn khoăn, bức xúc trong thời gian qua.
Mở đầu giải trình, Bộ trường Phùng Xuân Nhạ cho rằng, GD-ĐT là lĩnh vực có liên quan đến mọi người mọi nhà, trong đó có những vấn đề khắc phục cần có thời gian, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Liên quan tới thi cử, Bộ trưởng Nhạ khẳng định: “Đây là một trong những vấn đề gây chú ý và thậm chí bức xúc của xã hội”. Bộ GD-ĐT thực hiện chủ trương NQTW 29 về đổi mới căn bản giáo dục, trong đó quy định rõ, tiến tới đổi mới tổ chức thi và xét công nhận THPT theo hướng giảm áp lực, ít tốn kém cho xã hội và trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực học sinh…
|
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vừa nhận số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất trong đợt lấy phiếu tín nhiệm giữa kỳ |
“Cho tới nay, chúng ta thực hiện theo đúng hướng và có lộ trình. Bởi vì khi gắn với đổi mới chương trình sách giáo khoa, chúng tôi thực hiện và có lộ trình theo hướng đánh giá được năng lực của học sinh, sau đó là cơ sở để xét tuyển các trường cao đẳng, đại học”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá: “Qua các năm, nhìn lại thì mục tiêu đặt ra là giảm áp lực, đỡ tốn kém hơn cho xã hội. Nhiều bà con, học sinh đón nhận phương án này”.
Dù khẳng định việc đổi mới đã giảm khá rõ tỷ lệ quay cóp, không còn những vụ việc như tại trường Đồi Ngô (Bắc Giang) hay tại Phú Xuyên, tuy nhiên, Bộ trưởng Nhạ cũng thừa nhận: “Theo chúng tôi quan sát, về trung thực kỳ thi nào cũng vi phạm. Năm vừa rồi đúng là năm bộc lộ tính trung thực”.
Khi xảy ra hiện tượng có dấu hiệu sai phạm, qua báo chí, Bộ GD-ĐT cho biết đã báo cáo Phó thủ tướng chỉ đạo, cùng với Bộ Công an làm ngay, quan điểm rõ ràng là làm tới nơi tới chốn, nghiêm minh: “Đối tượng nào sai tới đâu, xử tới đấy. Hiện nay đã phát hiện chính thức và xử 11 người theo đúng tinh thần pháp luật. 151 em vi phạm quy chế thi. Tinh thần sai là sửa, mà sửa nghiêm. Bộ GD-DDT và cá nhân tôi là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phản đối và kiên quyết chống tiêu cực”.
Liên quan tới vấn đề “độc quyền sách giáo khoa (SGK), Bộ trưởng Nhạ lý giải, NQ 40 Quốc hội khóa 10 năm 2000 đổi mới SGK, thời đó có một bộ SGK sử dụng trong cả nước và giao cho Bộ GD-ĐT thực hiện. Do vậy Bộ giao việc biên tập, phát hành cho Nhà xuất bản Giáo dục.
Bộ trưởng Nhạ phân tích, trong quá trình thực hiện đây là việc tốt, nhưng có nhiều bất cập. Vì có 1 bộ SGK nên nhiều thầy cô phụ thuộc vào SGK dẫn tới rập khuôn, cứng nhắc. Vì chỉ có 1 bộ SGK nên chưa khai thác được trí tuệ của nhiều tầng lớp nhân dân và xã hội hóa.
Khi Quốc hội thống nhất, khi đổi mới cần có một số bộ SGK để khắc phục. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nhạ nhận định, ở nước ta việc áp dụng cũng rất khó khăn. Thực tế, chỉ 1 bộ SGK đã quản lý rất phức tạp, nếu để một số bộ SGK sẽ dẫn tới tình trạng, một số sách và không phải nhà xuất bản nào cũng đạt.
Bên cạnh đó có sự chênh lệch về trình độ không đồng đều giáo viên giữa các vùng miền. Chính vì vậy Quốc hội đã chủ động giao cho Bộ GD-ĐT trước mắt chủ động xây dựng một bộ sau đó khuyến khích tổ chức cá nhân cùng tham gia và không độc quyền và mở rộng.
Liên quan tới vụ việc “cấm học sinh tô vẽ lên sách” tạo luồng dư luận gay gắt trong xã hội, Bộ trưởng Nhạ giải thích, tại thời điểm đó, Bộ có hướng dẫn nhiều hoạt động khác như chào cờ, hát quốc ca, vệ sinh cá nhân… "Một số hoạt động thì tốt nhưng riêng việc hướng dẫn cho các cô các trò hạn chế - chứ không phải cấm thì chưa được", Bộ trưởng Nhạ nói.
Về tình trạng giáo viên không được biên chế, thiếu giáo viên ở nhiều vùng cao như ĐBQH phản ánh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, đây là vấn đề thuộc phân cấp địa phương: “Chúng tôi tha thiết các địa phương không giảm biên chế giảm giáo viên một cách cơ học. Với giáo dục phổ thông, đặc biệt mầm non là phải đủ giáo viên, trường lớp cho các cháu học”. Bộ trưởng Nhạ cũng đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu đảm bảo được đời sống giáo viên trong thời gian tới.
M.Quang