Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Phần lớn giáo viên chưa đủ sống, không thể toàn tâm với công việc

20/11/2024 - 13:12

PNO - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, nhà giáo không muốn có đặc quyền, đặc lợi song thực tế phần lớn trong số 1,6 triệu người làm nghề vẫn chưa đủ sống.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, phần lớn giáo viên hiện nay chưa đủ sống với nghề
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, phần lớn giáo viên hiện nay chưa đủ sống với nghề nên cần có những chính sách liên quan tới chế độ tiền lương - Ảnh: Media Quốc hội

Cuối phiên thảo luận dự án Luật Nhà giáo, sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cảm nhận, các ý kiến của ĐBQH bày tỏ đều thống nhất, nhất trí cao về dự án luật, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm đối với ngành giáo dục.

Các ý kiến ĐBQH đóng góp theo hướng thêm vào các nội dung chi tiết, đối tượng, từ ngữ lập pháp để đảm bảo cụ thể hơn, thực tế hơn, khả thi hơn. Bên cạnh việc tiếp thu đầy đủ các ý kiến để đưa vào luật, theo Bộ trưởng, một phần các nội dung này sẽ được chuyển sang các văn bản quy định tại Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Bởi, hoạt động của ngành giáo dục, ngoài Luật Nhà giáo, còn một luật rất quan trọng, bao trùm khác là Luật Giáo dục. Ngoài ra, có rất nhiều quy định liên quan đến các hoạt động chuyên môn (từ dạy học, kiểm tra, đánh giá…) nên Bộ trưởng cho rằng, một luật này không thể bao quát hết được.

Bộ trưởng cũng khẳng định, với dự án Luật Nhà giáo, cần chấp nhận một vài điểm quy định có thể khác với các luật khác nếu như các quy định trong các luật khác không thuận với phát triển đội ngũ nhà giáo.

“Chẳng hạn, quy định về độ tuổi nghỉ hưu sẽ khác với Bộ luật Lao động; hay giáo viên dạy liên trường, việc thuyên chuyển giáo viên có thể dạy hơn một cơ sở… sẽ là điểm khác với Luật Viên chức. Nên một số điểm quy định có khác nhưng nhằm phục vụ mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo”, ông cho rằng, giống như sửa đổi một số luật, nếu sự khác biệt này đem lại điều tốt, tích cực thì nên sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt.

Về vấn đề lương nhà giáo được xếp cao nhất trong bảng lương hành chính sự nghiệp, Bộ trưởng chia sẻ: “Khi xây dựng văn bản luật, trên tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, chúng tôi cũng phải nhìn ngành khác, chứ không phải chỉ mong muốn ngành giáo dục nhận được đặc quyền, đặc lợi, hay ưu ái bất thường. Chỉ có điều, còn một phần lớn trong số 1,6 triệu giáo viên chưa đủ sống, do đó, họ không thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học”.

Đối với một đất nước vừa thoát nghèo, chưa giàu, theo Bộ trưởng, khi cần ưu tiên thì không thể dàn hàng ngang. Nên khi đã xét “giáo dục là đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu” thì dứt khoát phải có một vài sự ưu tiên. Còn lại quy định cụ thể về chế độ tiền lương để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho nhà giáo thì ở dự thảo Luật Nhà giáo chỉ quy định nguyên tắc, còn lại giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Với việc dạy thêm của giáo viên, Bộ trưởng cho hay, chủ trương là không cấm dạy thêm nhưng cấm dạy thêm mà vi phạm đạo đức nhà giáo, nguyên tắc chuyên môn, ép buộc học sinh đi học.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI