Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói thu hồi, in lại sách giáo khoa sai sót nhưng thực tế... không đúng!

23/05/2022 - 18:08

PNO - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chỉ ra, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết thu hồi, in lại cuốn sách khoa học tự nhiên 6 của bộ Kết nối tri thức do sai sót nhưng thực tế "không đúng".

 

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy chỉ ra vụ việc sách giáo khoa sai sót bị thu hồi nhưng thực tế không

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy chỉ ra sách giáo khoa sai sót được yêu cầu thu hồi nhưng không đúng như thực tế

Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa không?

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy đặt vấn đề trước Quốc hội và cho rằng, cần giám sát đổi mới chương trình sách giáo khoa trong năm tới.

Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chương trình giám sát năm 2023. Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) tán thành ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa vấn đề thực hiện các Nghị quyết số 88/2014 và số 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào nội dung giám sát trong năm tới.

Theo ĐBQH, trong 8 năm qua ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để triển khai các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, dư luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về một số kết quả triển khai, cụ thể như việc sắp xếp môn Lịch sử làm môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học phổ thông.

“Có những vấn đề mà báo chí và đại biểu Quốc hội đã đặt ra suốt từ kỳ họp trước đến kỳ họp này nhưng chưa được giải quyết, như là những sai sót trong cả 3 bộ sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam”, nữ ĐBQH nói.

ĐBQH chỉ ra, trong báo cáo trả lời đại biểu Quốc hội chất vấn tại trang 2 số 104 ngày 12/1/2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có nêu: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn, đồng thời hủy và in lại 38.000 cuốn sách khoa học tự nhiên 6 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, tuy nhiên thực tế “không đúng như Bộ trưởng trả lời”.

“Thậm chí cũng còn có câu hỏi đặt ra là liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa hay không? Những vấn đề này nên được thảo luận rộng rãi ở Quốc hội để thu nhận ý kiến từ nhiều chiều và để cử tri cả nước được biết”, bà nói.

Không có chuyện bỏ môn lịch sử 

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy cũng khẳng định Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 không bỏ môn học Lịch sử đối với học sinh trung học phổ thông, cho dù học sinh lựa chọn môn học Lịch sử là môn học không chuyên hay môn học chuyên sâu.

“Bởi vì, nếu học sinh trung học phổ thông lựa chọn môn học Lịch sử như môn học không chuyên thì số giờ học Lịch sử là 210 tiết trong 3 năm học, mỗi năm là 70 tiết lớp 10, 11,12. So sánh với chương trình giáo dục phổ thông cũ năm 2006 thì chương trình năm 2018 nhiều hơn 70 tiết. Nếu học sinh phổ thông trung học lựa chọn môn học Lịch sử như môn học chuyên sâu, thường đi về các ngành khoa học xã hội, nhân văn thì số giờ học Lịch sử là 315 tiết trong 3 năm học, trong đó gồm có 210 tiết học bình thường là môn học không chuyên như nêu ở trên, cộng thêm 105 tiết học chuyên đề trong 3 năm và mỗi năm là 35 tiết. Nếu so sánh với chương trình cũ năm 2006 thì chương trình năm 2018 nhiều hơn 175 tiết học lịch sử”.

Bà nhấn mạnh, bất kỳ học sinh trung học phổ thông nào cũng phải học ít nhất là 210 tiết học Lịch sử chứ không phải bỏ môn Lịch sử như dư luận xôn xao.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI