Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Nhà giáo cần phải tự đổi mới

15/08/2023 - 18:22

PNO - Nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Tại buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ngày 15/8; Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói: “Chương trình GDPT 2018 là một nhân tố mới rất quan trọng, là cơ hội lớn của ngành. Dù chương trình mới còn có những điểm cần điều chỉnh nhưng nhìn chung chương trình được đánh giá là mới, hiện đại, là chỗ dựa cho thay đổi giáo dục, chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại buổi gặp gỡ các nhà giáo
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại buổi gặp gỡ các nhà giáo

Người đứng đầu Bộ GD-ĐT kỳ vọng, thực hiện thành công chương trình mới, giáo dục sẽ bước sang một chương mới, một nền giáo dục thay đổi về chất. Song, trong bối cảnh những người cũ đang cùng nhau tạo ra cái mới, ông nhấn mạnh vai trò của nhà giáo: “Nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp; nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thẳng thắn: “Điều kiện quan trọng đầu tiên chúng ta cần là lực lượng nhà giáo cần phải tự đổi mới. Tự đổi mới mình, đổi mới bản thân từ quan niệm, nhận thức tới phương pháp, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân. Ai cũng có thể làm được, vấn đề có dám làm hay không. Cái gì mới chưa biết, chưa hiểu, chưa thuần thục cùng tìm hiểu.

Chúng ta thống nhất, đổi mới là một quá trình, không thể quá vội vàng, phải từng bước, nhất là phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Cần tiến hành từng bước, sau 3-4 năm đổi mới, nếu từng giáo viên nhìn lại mình mà chưa thấy mình khác so với trước có nghĩa là giáo dục chưa có cái mới”.

Nhà giáo Bùi Quốc Hoàn (Trường TH-THCS Thăng Long, Hà Nội) hướng dẫn học sinh vượt qua sự sợ hãi.
Nhà giáo Bùi Quốc Hoàn (Trường TH-THCS Thăng Long, Hà Nội) hướng dẫn học sinh vượt qua sự sợ hãi

Ông cũng nêu rõ việc hiện nay, 1 bộ phận không nhỏ giáo viên vẫn đang lệ thuộc quá mức vào sách giáo khoa (SGK). Người thầy cần thay đổi - từ chỗ dạy phải theo, học theo, kiểm tra theo SGK sang hướng sử dụng SGK là học liệu - cũng có thể là học liệu đặc biệt nhưng cần sử dụng một cách chủ động, không lệ thuộc, linh hoạt. Nếu không thay đổi được cách tiếp cận về SGK thì không đạt được sự đổi mới.

Ông nêu rõ: Vai trò, vị trí của nhà giáo cần thay đổi - từ chỗ là người chủ yếu truyền thụ kiến thức chuyển sang là người tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn, hỗ trợ cho học sinh để học sinh tụ hình thành năng lực, tự tích lũy kiến thức.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT chia sẻ, tại Hội nghị toán học toàn quốc vừa mới diễn ra, ông đã trao đổi với các nhà toán học về đổi mới dạy và học môn toán ở bậc phổ thông - rằng chúng ta cần thay đổi tư duy chứ không chỉ mải miết dạy cho học sinh giải toán. Với môn ngữ văn, cần lấy đó làm công cụ để phát triển vể tinh thần, đạo đức, thẩm mỹ, thái độ của học sinh…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển và đổi mới lực lượng nhà giáo.

M.Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI