Bộ trưởng Bộ Công thương: Không nên ép giá xăng xuống thật thấp

01/06/2022 - 18:36

PNO - Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, nếu ép giá xăng dầu trong nước xuống thấp trong bối cảnh giá trên thế giới tăng cao sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nếu ép giá xăng dầu trong nước xuống thấp sẽ gây ra nhiều hệ lụy

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nếu ép giá xăng dầu trong nước xuống thấp trong bối cảnh giá trên thế giới tăng cao sẽ gây ra nhiều hệ lụy

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 1/6, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, dù giá xăng trong nước đang cao kỷ lục nhưng so với thế giới, con số này vẫn thấp hơn. Do vậy, theo Bộ trưởng, có tình trạng "chảy" xăng dầu ra nước ngoài.

Trước ý kiến lo ngại, giá xăng dầu làm tăng giá đầu vào vật tư nguyên liệu, làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định, “nói như vậy không sai". Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu quan điểm: “Ở chiều ngược lại cũng thấy rằng nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất cao. Hàng hóa của chúng ta làm ra chủ yếu xuất khẩu, nếu ép giá đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, vô hình trung gây thiệt hại cho nền kinh tế".

Thứ hai, theo Bộ trưởng, đối tác thương mại của Việt Nam là rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, nên nếu "ép giá" đầu vào thì có thể bị khởi kiện về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí thao túng tiền tệ.

Ngoài ra, vấn đề hạ giá xăng dầu còn liên quan tới buôn lậu qua biên giới. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng phải cân nhắc và tính toán rất kỹ chứ không thể "một chiều". Giải pháp mà ông đưa ra là vẫn phải cố gắng dùng các công cụ kể cả thuế, kiểm soát thị trường để giảm giá. Trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng quá cao, ông cho rằng, cần dùng chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế chứ không nghiêng về hướng làm sao để "ép" cho giá thật thấp, để giúp giảm giá nguyên liệu đầu vào. Cách làm này, theo Bộ trưởng, vô hình trung sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Trước đó, phát biểu thảo luận tại Quốc hội ngày 1/6, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đã đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội có chính sách tiếp tục giảm các loại thuế xăng dầu để bình ổn giá mặt hàng này.

"Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao như hiện nay, việc tăng sản lượng khai thác và lọc hóa dầu trong nước không chỉ tăng hiệu quả khai thác gấp nhiều lần so với thời điểm giá thấp, mà còn tạo nguồn cung trong nước ổn định", đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

ĐBQH đoàn Hà Nội cho biết, việc tạo nguồn cung trong nước ổn định cũng là cơ sở để bình ổn giá xăng dầu trong nước, không để giá xăng dầu quá nhạy cảm với biến động giá xăng dầu nhập khẩu trên thị trường quốc tế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề xuất Chính phủ sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. Bởi giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến hiệu ứng "domino", tình trạng “tát nước theo mưa” với giá cả các mặt hàng khác.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI