PNO - Trong công tác tổ chức cán bộ, đây đó vẫn còn “kỳ thị giới”. Sự thiếu công bằng đó nằm ngay trong tư tưởng của tổ chức Đảng từ cấp cơ sở. Trên thực tế, cán bộ sai phạm, đến mức bị kỷ luật, đa số là nam, thế nhưng khi bố trí cán bộ, bao giờ chị em cũng bị xét nét.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 vừa qua, tại TP.HCM, rất nhiều cán bộ Hội Phụ nữ ở quận/huyện, xã/phường được luân chuyển, bố trí làm lãnh đạo Đảng và chính quyền ở các địa phương. Với trí tuệ và bản lĩnh đã được rèn giũa qua công tác Hội, nhiều chị em đã thích ứng và nhanh chóng phát huy năng lực để đạt hiệu quả cao trong công việc.
Khiêm tốn và gần dân
Về bộ mặt của xã Hưng Long, H.Bình Chánh, chị Trần Thị Cẩm Thúy - người vừa tái đắc cử chức Bí thư Đảng ủy đã đưa chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trong 5 năm qua, xã phát triển mới 161 doanh nghiệp, hằng năm đều tăng thu ngân sách (tăng 70,3% so với đầu nhiệm kỳ - tương ứng trên 2,88 tỷ đồng), đồng thời giảm chi đều đặn đến 39%, nhưng điều đáng nói là bộ mặt nông thôn của địa phương này đã có nhiều thay đổi. Nhiều tuyến hẻm được bê tông hóa, hai bên đường, hoa mười giờ, hoa huỳnh anh nở rộ. Những cánh đồng nông nghiệp công nghệ cao được che chắn và gắn hệ thống tưới tiêu tự động. Bên cạnh đó, nhiều khu dân cư với nhà cửa, cửa hàng, công ty, doanh nghiệp mọc lên san sát. Trước ngày diễn ra đại hội, nhân dân và chính quyền xã đã hân hoan khánh thành tuyến hẻm bê tông liên tổ 79 - 80 - 81 tại ấp 5 với chiều dài 420m, ngang 2m, giúp người dân đi lại thuận tiện…
Trồng hoa công nghệ cao tại xã Hưng Long, H.Bình Chánh
Sự thay đổi nói trên không phải ngày một ngày hai mà là kết quả của sự kiên trì nhiều năm tháng của Đảng bộ, chính quyền cùng sự đóng góp công sức của người dân, trong đó có sự quyết đoán của vị Bí thư Đảng ủy Trần Thị Cẩm Thúy. Chị Thúy vốn là Chủ tịch Hội LHPN H.Bình Chánh được điều về làm Bí thư xã Hưng Long gần một năm trước. Chị thú thật, từ công tác Hội chuyển về làm công tác Đảng không hề đơn giản. Nhưng làm việc gì, ở đâu cũng phải nghiêm túc học hỏi, biết kế thừa cái tốt, biết dựa vào dân và các đoàn thể thì công việc sẽ trôi chảy. Với kinh nghiệm của người làm công tác phụ nữ, chị Thúy cùng Đảng ủy xã đã chú trọng làm dân vận thực hiện những chỉ tiêu mà những người tiền nhiệm còn để lại. Chị nói: “Bài học của tôi là chịu khó xây dựng kế hoạch cho cá nhân mình ngay từ đầu. Ngoài việc phải nghiên cứu kỹ chỉ tiêu, nghị quyết của địa phương, tôi dành nhiều thời gian xuống nắm địa bàn; tham dự các cuộc họp tổ nhân dân, sinh hoạt chi bộ, tham dự hoạt động của các đoàn thể… để quan sát, lắng nghe, nắm bắt tình hình đời sống và những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc. Từ đó nghiên cứu những tồn tại, tổ chức các hội nghị chuyên đề để tìm cách tháo gỡ. Đối với những phản ánh liên quan đến tình hình đời sống của người dân, tôi trực tiếp xuống kiểm tra, tìm hiểu từ nhiều phía để tham mưu trong Thường vụ Đảng ủy lãnh đạo thực hiện...”.
Nhờ suy nghĩ và cách làm sát với thực tế nên chỉ trong hai tháng nhận nhiệm vụ, chị Thúy đã cơ bản nắm tình hình và công việc của Đảng bộ địa phương. Cho đến trước đại hội, 12/13 chỉ tiêu đã hoàn thành, trong đó có 2 chỉ tiêu vượt, 3 chỉ tiêu đạt một phần. So với 5 năm trước, xã Hưng Long đã về đích các nhiệm vụ quan trọng nhất. Nhờ vậy, tháng 4/2020, xã được UBND TP.HCM trao quyết định công nhận hoàn thành giai đoạn nâng cao trong xây dựng nông thôn mới. Chị Thúy khoe, xã đang chuẩn bị ra mắt hợp tác xã sản xuất thứ ba, tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển kinh tế và thực hiện các dự án phúc lợi chung đang ấp ủ…
Biết chúng tôi tìm kiếm các cán bộ nữ thành công sau khi luân chuyển công tác, bà Phạm Thị Út - Phó bí thư thường trực Quận ủy Q.Tân Bình nói ngay: “Đó không phải là Thành thì còn ai nữa!”. Cũng từng là Chủ tịch Hội LHPN Q.Tân Bình, năm 2018, khi được điều chuyển về nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy P.15, Q.Tân Bình, ai cũng nói, chị Phạm Thị Thành được “đưa đi thử thách”. Hơn hai năm qua, người nữ bí thư ấy đã cho thấy “vàng thật không sợ lửa”.
Công tác Hội tạo cho tôi phong thái gần dân, biết lắng nghe dân, nhiệt tình và tâm huyết với các công việc mang tính cộng đồng. Là phụ nữ, tôi có tính tỉ mỉ của người quán xuyến công việc. Đây chính là lợi thế của nữ cán bộ, là thứ nam giới khó “cạnh tranh”.
Phạm Thị Thành - Bí thư Đảng ủy P.15, Q.Tân Bình
Chị Thành là một nữ cán bộ Hội kỳ cựu, trưởng thành từ cơ sở và dẫn dắt Hội LHPN Q.Tân Bình nhiều năm liền đứng đầu cụm thi đua, đạt nhiều thành tích, được Thành Hội và Trung ương Hội LHPN Việt Nam khen thưởng. Rời công tác Hội về làm công tác Đảng ở phường là không dễ dàng, nhất là ở một phường giáp ranh với ba quận khác (Q.12, Q.Gò Vấp và Q.Tân Phú), rất phức tạp về an ninh trật tự và tệ nạn xã hội. Thấy rõ vấn đề, chị Thành đã bắt tay vào công việc với tất cả tâm huyết. Chị kể: “Phụ nữ có tính tỉ mỉ, chịu khó đi nên gần dân. Mình bắt đầu công việc bằng việc phát huy lợi thế đó. Thuận lợi nữa là mình được cấp ủy ủng hộ nên sự phối hợp giữa Đảng ủy với các đoàn thể, mặt trận, chính quyền đến từng khu phố đều rất nhịp nhàng”.
Ở P.15, Q.Tân Bình có 12 khu phố. Hạ tầng trên địa bàn phường có 13 tuyến đường do thành phố và quận quản lý, 160 tuyến hẻm. Trước năm 2015, một số tuyến đường không có hệ thống thoát nước, một số hộ dân còn chưa tiếp cận được nước sạch, thu ngân sách khó khăn do điều kiện kinh doanh còn hạn chế… Thế nhưng đến hai năm cuối nhiệm kỳ, nguồn thu của địa phương này đã tăng. Nhiều người dân ở P.15 bày tỏ sự thán phục người nữ bí thư Đảng ủy, rằng cô Thành gần gũi dân. Nhẹ nhàng, khiêm tốn, nhưng quyết liệt, việc gì ra việc đó. Chỉ tay lên vỉa hè tuyến đường Phạm Văn Bạch - Cống Lở, ông Hà Văn Tuấn, một người dân tại khu vực này nói: “Tôi có nhà ở đây từ năm 1990, nhưng đường sá nhếch nhác quá nên vợ chồng tôi không về ở. Năm 2018, một lần về phường chứng giấy tờ, tôi nhìn thấy cô Thành đi cùng các cán bộ rà soát lại vỉa hè, lòng lề đường của khu vực này. Và chỉ một tháng sau, tuyến đường như được hồi sinh. Năm 2019, tôi về đây ở hẳn. Trước nghe khu Phạm Văn Bạch - Tân Sơn - Cống Lở người ta rợn người vì tệ nạn, đường toàn ổ voi. Nhưng nay đã khác: đường sá được nâng cấp, cống thoát nước đã khơi thông, dân có nước sạch để dùng…”.
Biết người dân thương quý mình, nhưng chị Phạm Thị Thành luôn khiêm tốn. Với chị, mọi nỗ lực của cá nhân sẽ không là gì nếu tập thể không thống nhất một lòng.
Trao quyền cho phụ nữ: không vì họ làm được mà vì họ xứng đáng!
Chị Thúy, chị Thành chỉ là hai trong hơn 10 cán bộ Hội Phụ nữ quận huyện được luân chuyển công tác về cấp ủy, cơ quan đoàn thể, chính quyền các cấp trong nhiệm kỳ vừa qua. Chị Trần Thị Thu Hương - Chủ tịch Hội LHPN Q.5, người được đề bạt giữ chức Phó chủ tịch HĐND Q.5 cho rằng: việc cán bộ Hội được luân chuyển qua các vị trí công tác Đảng, Mặt trận Tổ quốc là những sự đặt để đầy trân trọng, tin cậy mà Đảng và nhân dân giao phó. Tuy nhiên, để nữ cán bộ nắm vị trí chủ chốt, lãnh đạo ở địa phương, đơn vị, luôn là một thách thức lớn với toàn hệ thống chính trị. Tại Việt Nam, ghi nhận của Ủy ban Quốc gia về bình đẳng giới, chưa bao giờ con số này quá 50%. Tại sao vậy?
Đại hội Đảng bộ xã Hưng Long, H.Bình Chánh
Theo chị Nguyễn Thị Quyết - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Q.10, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Q.10, vấn đề có 3 nguyên nhân. Thứ nhất, do số lượng cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn để cơ cấu không nhiều bằng nam giới. Thứ hai, khi cất nhắc vào những vị trí chủ chốt thì cấp ủy chưa mạnh dạn giao cho cán bộ nữ, nhất là các lĩnh vực trước đây do nam giới đảm nhận. Cuối cùng là do cơ cấu, tỷ lệ nữ mà cấp ủy đưa ra thường là ít nhất 30-40%/tổng số đại biểu, đây cũng là rào cản.
Nhiều ý kiến cho rằng, không nên nêu chỉ tiêu tỷ lệ cán bộ nữ nữa, bởi chỉ tiêu luôn dưới 50% thì đặt ra để làm gì. Còn bà Trần Thị Bảo Hồng - Chủ nhiệm câu lạc bộ Nữ cán bộ Hội Q.8 - cho rằng, đó đây vẫn còn “kỳ thị giới” trong việc xét duyệt đưa vào danh sách ứng cử cấp ủy cơ sở, và sự thiếu công bằng đó nằm ngay trong tư tưởng của tổ chức Đảng từ cấp cơ sở. Trên thực tế, cán bộ sai phạm, đến mức bị kỷ luật, đa số là nam, còn nữ cán bộ sai phạm rất ít. Thế nhưng khi bố trí cán bộ, bao giờ tổ chức Đảng từ cấp cơ sở cũng đều xét nét với chị em. Cùng đức, cùng tài, cùng tuổi... nhưng khi đề bạt thì nam giới luôn như có sự "dễ dãi" hơn nữ. “Theo tôi, khi xem xét đề bạt cán bộ, cần bỏ qua vấn đề giới tính mà cần cân sức, cân tài để bố trí đúng người, đúng việc. Nữ thì đã sao! Rất nhiều chị em đủ tài năng, bản lĩnh, hiểu việc, thương dân, tâm huyết” - bà Trần Thị Bảo Hồng thẳng thắn kiến nghị.
Tôi mong nhiệm kỳ tới các cấp ủy quan tâm hơn nữa công tác bố trí, luân chuyển cán bộ Hội LHPN các cấp, nhất là cấp thành phố. Đã gọi là bình đẳng giới, là nhìn nhận công bằng, thì việc bố trí luân chuyển phù hợp, để phụ nữ tham chính là việc phải làm.
Trần Thị Thu Hương - Phó chủ tịch HĐND Q.
Tuy nhiên, theo chị Phạm Thị Thành, rào cản đôi khi còn ở chính chị em đối với mình và với những chị em khác. Định kiến “mình là nữ” đã tồn tại trong nhiều chị em khiến các chị rụt rè, không dám thể hiện bản thân. Và cũng vì cái định kiến ấy khiến nhiều chị em đã gạt bỏ các ứng viên nữ trong quá trình bầu bán.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại EU, nói rằng, với từng người, những con số bao giờ cũng gây những cảm xúc khác nhau. Nhưng tỷ lệ nào cũng có thể thay đổi tùy hoàn cảnh, điều kiện. Quan trọng là từng phụ nữ hãy vươn lên phát triển tiềm năng, phát huy đầy đủ nhất khả năng của mình, tránh lối tư duy và tinh thần yên vị vốn đã ăn sâu trong tâm thức phụ nữ. Trao quyền cho những phụ nữ có đủ năng lực và trình độ ngồi ở vị trí lãnh đạo, quản lý đất nước không phải vì họ làm được mà vì họ xứng đáng”.
Môi trường sống trong lành, không có mùi hôi, làm hoài chưa được!
Làm bí thư Đảng ủy xã/phường có khó hơn làm chủ tịch Hội Phụ nữ quận/huyện? Chị Thành cười xòa trước câu hỏi của chúng tôi rồi bảo: “Khó so sánh lắm. Hai mảng công việc là hai lĩnh vực khác nhau. Đều làm dân vận, nhưng làm công tác Đảng thì phải thể hiện tính tiên phong, đầu tàu. Ở địa phương cũng có nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, nhưng khác với Hội ở chỗ: nếu ở Hội, chỉ tiêu không đạt thì chỉ là chuyện phong trào bị kém; còn ở địa phương, các chỉ tiêu thường gắn với những vấn đề an sinh xã hội cụ thể, tới lợi ích trực tiếp của người dân. Đó là những bài toán buộc phải tìm phương pháp giải bằng thực tiễn”.
Chị Cẩm Thúy cho biết, khó khăn lớn nhất là nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến quản lý nhà nước tại địa phương phải phụ thuộc vào các cơ quan, đơn vị cấp huyện, thành phố và cả trung ương, ví dụ như quản lý đất đai, xây dựng, cung cấp nước sạch, quy hoạch dự án… Do đó, trong lãnh đạo của Đảng ủy, để giải quyết phải có cả một quá trình kiên trì, phối hợp nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài xã, huyện.
Nhắc câu chuyện “vượt thẩm quyền xử lý”, chị Thành suy tư: “Thú thật dù nhiều người đánh giá nhiệm kỳ 2015-2020 của P.15, Q.Tân Bình là một nhiệm kỳ thành công, nhưng tôi vẫn thấy mình còn nhiều món nợ chưa trả cho dân. Ở phường có 3 tuyến kênh Tân Trụ, Hy Vọng, Tham Lương ô nhiễm suốt nhiều năm qua. Dân than, chính quyền nghe và kiên trì phản ánh về quận, thành phố, nhưng không thấy chuyển động gì. Bởi hệ thống kênh rạch xuống cấp, ô nhiễm nặng nề nên những “ngày thứ bảy tình nguyện”, “chủ nhật xanh”, “15 phút sẵn sàng” của chính quyền cùng các đoàn thể cũng chẳng làm được gì. Sau cơn mưa, một đợt triều cường, rác lại tụ về ba dòng kênh đen đặc. Mỗi ngày đi ngang những dòng kênh ô nhiễm ấy mình cảm thấy lo lắng. Mình cứ nói với nhau và khoe với dân rằng muốn xây dựng một môi trường sống thân thiện, an bình, nhưng mỗi môi trường sống trong lành, không có mùi hôi, mà làm hoài không được”.
HỘI LHPN TP.HCM: Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm
Ngày 22/5, Đảng bộ cơ quan Hội LHPN TP.HCM tổ chức đại hội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 với 82 đại biểu tham dự.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Hội LHPN TP.HCM lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, gồm 9 người. Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM được tín nhiệm giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy.
Từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị
Báo cáo mười năm thực hiện chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2011-2020 cho thấy, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng tại TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2020 đạt và vượt so với quy định của Trung ương.
Cụ thể, nữ đại biểu Quốc hội hiện là 9/29, chiếm tỷ lệ 30%; nữ đại biểu HĐND đạt 22,1% (cấp thành phố), 40% (cấp xã/phường/thị trấn), 39,3% (cấp quận/huyện).
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đạt 85% và đến năm 2020 đạt 100% sở, ban, ngành, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đến ngày 31/12/2019 TP.HCM có 391 sở, ban, ngành, UBND các cấp, trong đó có 331 đơn vị có nữ lãnh đạo chủ chốt, đạt tỷ lệ 84,65% .
Đảng bộ Hội LHPN TP.HCM có 8 chi bộ trực thuộc với 85 đảng viên trên tổng số 303 công chức, trên 95% cán bộ đảng viên là nữ.
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, bà Lê Thị Hồng Nga - Phó bí thư thường trực Đảng ủy khối Dân Chính Đảng - thống nhất với các dự thảo trong văn kiện và đánh giá cao những thành quả mà Đảng bộ cơ quan Hội LHPN TP.HCM đã gặt hái được trong nhiệm kỳ qua. Theo bà Nga, công tác cán bộ của Đảng bộ cơ quan Hội LHPN TP.HCM từ việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm đều thực hiện tốt, trong nhiệm kỳ nhiều cán bộ được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ về mọi mặt và giới thiệu ứng cử vị trí cao hơn; chú trọng bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.
Bà Nga góp ý, Đảng bộ Hội LHPN TP.HCM cần chuẩn bị nguồn nhân sự cho đại hội phụ nữ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021-2026. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng động cơ đúng đắn cho quần chúng phấn đấu vào Đảng, đảm bảo có thêm đảng viên mới.
Chương trình chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa được Hội LHPN TP Thủ Đức (TPHCM) khởi động vào sáng 30/12 với ngày hội “Xuân yêu thương - Tết nghĩa tình”.