Bỏ trần giá sữa trẻ em: Nhà nước không thể bảo hộ mãi được

28/05/2016 - 14:16

PNO - Bỏ trần giá sữa giúp cho thị trường minh bạch hơn nhưng cũng sẽ là thách thức cho các doanh nghiệp và nông dân sản xuất bò sữa quy mô nhỏ.

Mới đây, tại buổi làm việc với đại sứ Michael Froman - đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ xem xét bỏ giá trần sữa trẻ em dưới 6 tuổi từ 1/7/2016.

Quy định giá trần sữa trẻ em đang được áp dụng từ 1/6/2014 và theo kế hoạch trước đây sẽ kéo dài đến 31/12/2016. Như vậy, nhiều khả năng quy định trên sẽ được gỡ bỏ sở hơn kế hoạch 6 tháng.

Theo quy định, giá bán buôn tối đa các sản phẩm trên do Bộ Tài chính đặt ra. Trong khi giá bán lẻ không được vượt quá 15% giá bán buôn tối đa đăng ký với Bộ Tài chính. Giá trần được tính dựa trên chi phí các thành phần hàng hóa do chính doanh nghiệp đặt ra và giá trần sẽ được áp dụng tùy từng công ty.

Bo tran gia sua tre em: Nha nuoc khong the bao ho mai duoc
Chăm sóc bò sữa tại một trang trại ở Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: dân Việt

CTCK HSC nhận định nếu quy định giá trần sữa trẻ em được gỡ bỏ, thì Vinamilk (VNM) là người hưởng lợi chính vì giá trần áp dụng cho sản phẩm của Vinamilk thấp hơn nhiều sản phẩm cạnh tranh cùng loại, qua đó sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về giá giữa sản phẩm của Vinamilk và các sản phẩm cạnh tranh cùng loại.

Trên Đại Đoàn Kết, về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng: Việc dỡ trần giá sữa chỉ là thời gian.

Chuyên gia này phân tích, sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi hiện nay là các sản phẩm công thức. Mà đã là công thức thì mỗi nhà sản xuất pha chế với hàm lượng vi chất rất khác nhau cho từng sản phẩm, thị trường khác nhau. Trong khi lợi ích nhóm DN trong mặt hàng sữa quá lớn. Mục đích của DN là kinh doanh có lãi, và các DN tìm mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận của mình. Biện pháp áp giá trần chưa đủ mạnh buộc các DN giảm giá sát với chi phí thực tế.

Trong khi đó chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, quản lý giá trần là biện pháp hành chính. Nếu như biện pháp hành chính bị dỡ bỏ,chắc chắn doanh nghiệp sẽ vui. Áp trần các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ phải thực hiện kê khai và đăng ký giá với cơ quan quản lý về giá. Khi được cơ quan này đồng ý thì mới được bán ra thị trường. Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành sữa đã phản ứng quyết liệt về việc áp sữa làm giảm doanh số và lợi nhuận. Còn trước khi áp trần doanh nghiệp sữa chỉ phải kê khai giá và được quyền tự quyết định về giá bán.

 TS Lê Đăng Doanh phân tích, việc bỏ trần giá sữa là nhằm giúp cho thị trường minh bạch hơn nhưng cũng sẽ là khó khăn thách thức cho các doanh nghiệp và nông dân sản xuất bò sữa quy mô nhỏ. Tuy nhiên, khi hội nhập thì phải chấp nhận “cuộc chơi” và các quy định cho thị trường cũng phải tiến tới minh bạch và công bằng, Nhà nước không thể bảo hộ mãi được.

“Các doanh nghiệp cũng phải chủ động tái cơ cấu để tự “thích nghi” với thực tế này. Tôi luôn ủng hộ cạnh tranh để người tiêu dùng được hưởng lợi. Bản thân doanh nghiệp và người nuôi bò sữa cũng phải đầu tư chuyên nghiệp hơn, cố gắng cải thiện liên kết để có khả năng cạnh tranh được với giá sữa của các nước phát triển trên thế giới” - ông Doanh nói.

Ông Doanh cũng cảnh báo, khó khăn nhất là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu có hiệu lực thì chỉ có sữa tươi trong nước ít bị ảnh hưởng, hiện Liên minh châu Âu trợ giá rất lớn cho sữa bột nguyên liệu. Trong khi chăn nuôi của họ cũng có năng suất sữa cao hơn.

Minh Khánh (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI