Để cha mẹ ra ở riêng... dễ gây dư luận?
Hiện nay, xuất hiện một thực tế các bậc cha mẹ khi đến một độ tuổi nhất định muốn tách ra ở riêng các con. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp do những người làm con lo lắng không ai chăm sóc cha mẹ, hoặc sức ép của dư luận xã hội khiến họ ngăn cản nguyện vọng đó của người lớn tuổi.
Trước nhiều ý kiến bàn luận xung quanh việc này, trao đổi với báo Phụ Nữ TP.HCM, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nhận định: "Không nên gò bó nhau ở chung nếu như có người muốn ra ở riêng. Khi một người người ta muốn ra ở riêng mà cứ gò bó buộc người ta ở chung thì sẽ gây ra khó chịu, chẳng ai hạnh phúc cả. Nếu cha mẹ muốn ở chung với con cháu mà con cháu muốn tìm cách tách cha và mẹ ra thì điều đó là không nên, xã hội chê cười vì những người con này không có trách nhiệm với cha mẹ già yếu.
Nhưng trong trường hợp cha mẹ muốn ra ở riêng thì tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp là họ có lý do chính đáng của họ, nếu con cái không đồng ý với ý kiến của họ thì không hay".
|
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa |
Vừa qua, thông tin về việc ông Lục Minh Kim (trú tại Bắc Linh Đàm, P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) vừa lọt vào danh sách các đối tượng được xét duyệt mua nhà ở xã hội đợt 2 tại dự án Nhà ở xã hội Rice City (Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Q.Hoàng Mai) do Công ty CP BIC Việt Nam làm chủ đầu tư đang được dư luận quan tâm.
Điều đặc biệt ở đây, ông Lục Minh Kim là cha ruột bà Lục Thị Mai Trang - Tổng giám đốc và ông Lục Minh Hoàn - Phó Tổng giám đốc của BIC VN. Hơn nữa, hiện ông Kim đang sinh sống trong biệt thự cùng con tại khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội).
Ông Lục Minh Hoàn cho biết đây hoàn toàn là nguyện vọng cá nhân của ông Kim. Ngoài ra, ông Hoàn cũng khẳng định việc quy trình tiếp nhận hồ sơ và xét duyệt hồ sơ cho ông Kim mua nhà ở xã hội tại dự án Rice City hoàn toàn đúng quy trình.
“Từ xưa tới nay cụ (ông Lục Minh Kim - nhân vật) đều không có nhà, nhà cửa là của tôi hết. Trước thì cụ thích ở cùng con cháu nhưng bây giờ tính nết thay đổi cụ không muốn ở cùng nữa nên mua nhà để ở riêng. Người thân cũng đã bảo cho tiền cụ để cụ mua nhà ở thương mại nhưng cụ từ chối và bảo có đủ điều kiện để đóng tiền mua nhà ở xã hội”, ông Hoàn chia sẻ.
Theo vị chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm: "Trong trường hợp của ông Kim thì các con cũng nên đáp ứng nguyện vọng của người cha.
Nhưng do anh con trai là chủ đầu tư nên khó tránh được việc người ta cho rằng có sự ưu ái cho cha. Căn bản là chính người cha có thích ở riêng hay không? Theo kinh nghiệm của tôi đa phần những người trí thức là thích ở riêng, còn cũng có những người có niềm vui bế con cháu, thích lên mạng, làm thơ,... thì thích ở chung".
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, quan trọng là con cái đáp ứng được nguyện vọng của cha mẹ. Theo ông, dư luận xã hội không phải bao giờ cũng đúng, chân lý không thuộc về số đông và cũng không nên lấy số đông để cho đó là chân lý.
Nói về việc nhiều ý kiến e ngại về việc để bố mẹ ra ở riêng, dư luận có thể không hiểu bản chất nên con cái dễ dẫn đến việc bị hiểu nhầm đẩy bố mẹ ra xa không chăm sóc khi đến tuổi già, ông Trịnh Trung Hòa phản ứng:
"Dư luận xã hội thì mình phải phân biệt dư luận của những người tiến bộ và người lạc hậu, quan điểm của họ đúng hay sai vì không phải dư luận xã hội nào cũng đúng. Dư luận bị lệ thuộc vào quan niệm truyền thông, không thích hợp với thời hiện đại".
Ông dẫn chứng, có ông A. 60 tuổi, vợ đã chết. Ông này với con, người con này đã có vợ. Ông A. muốn yêu một người phụ nữ đơn thân khác, nhưng người phụ nữ ngại việc đến nhà vì đông con cháu, ông A. cũng thích thế nhưng khi đặt vấn đề ra ở riêng thì con cháu không hiểu lại phản đối. Trong trường hợp này con cháu nên hiểu và đáp ứng nguyện vọng của người cha.
Thêm một ví dụ được vị chuyên gia tâm lý dẫn chứng. Vợ ông B. chết nên ông B. ở với 2 người con, 1 người đã lấy chồng, còn 1 người con trai đi học nước ngoài. Ông B. ở nhà đã xây nhà 3 tầng rất đẹp với ý định khi nào con trai về sẽ cho con lấy vợ và ở cùng vợ chồng con. Đến lúc người con trai về và lấy vợ thì lại có một câu chuyện khác.
Trong một lần ông B. về thăm quê nhưng ra lại nhỡ tàu xe, ông lại quay về thì thấy trên gác ầm ầm. Ông B. lại nghĩ rằng mình mới về quê mà các con đã kéo bạn về nhà, ông B. liền rón rén lên tầng 2 thì thấy 2 vợ chồng đang chơi trò tung nắp chai với nhau để ăn cơm rất vui. Ông B. lại lẳng lặng xuống tầng 1 và nghĩ rằng, bình thường khi có ông ở nhà 2 vợ chồng ăn cơm rất nghiêm túc, ít cười đùa nên có thể các con ngại mình nên ông B. quyết định ra ở riêng cho các con được thoải mái hơn.
|
Cha mẹ muốn ra ở riêng có những nguyện vọng chính đáng. Ảnh minh họa |
Rất may ông B. lại có một căn nhà nữa nên quyết định ra ở riêng nếu ở chung thì sẽ cản trở hạnh phúc của vợ chồng con trai. Có những trường hợp người ta đòi ra ở riêng một cách rất nhân văn chứ không phải ích kỉ như vậy, các con cũng cần có sự tự lập riêng.
Cha mẹ ở riêng: xu thế trong tương lai
Ở Việt Nam khi con cái đưa cha mẹ vào trại an dưỡng thì người ta cho rằng đó là đại bất hiếu nhưng ở Nhật Bản người ta lại tự hào là đã đưa được cha mẹ vào trại an dưỡng, trong đó phải đóng hàng nghìn USD/tháng. Vào đó các cụ già được vui chơi, có bạn bè tâm sự đi du lịch,... trong đó rất sướng.
"Quan điểm của tôi là cần phải tiếp cận điều hay, văn minh của thế giới chứ không nhất thiết phải duy trì truyền thống tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường, 4 thế hệ ở chung với nhau cũng sẽ có những điều không hay, không nhất định phải ở chung với nhau", chuyên gia Trịnh Trung Hòa nhận định.
"Nó có rất nhiều điều tế nhị. Tôi có nhiều người bạn cũng tâm sự thật với tôi là thực lòng cũng muốn ra ở riêng vì ông ấy vợ đã mất và bây giờ đang có một người khác nên ông muốn ở riêng để tiện hẹn hò nhưng con cái lại không cho vì lo sợ rằng ra ở riêng bố ốm đau thì ăn trông nom. Hoặc cũng có trường hợp các con lo sợ sau khi bố lấy vợ khác, khi bố chết đi thì ai được thừa kề tài sản đó.
"Theo tôi người con nào có hiếu là người con làm hài lòng bố mẹ. Còn nếu để bố mẹ ăn sung mặc sướng nhưng không đúng nguyện vọng của cha mẹ thì cũng không phải có hiếu. Thậm chí sẽ khiến cha mẹ suy nghĩ, chán nản, trầm uất sinh bệnh tật,...", vị chuyên gia tâm lý tái khẳng định.
Ông Hòa nhận định về xu thế chung, trong tương lai người già sẽ ở riêng. Bây giờ có 100 người già thì nếu sống cùng con cháu thì cần phải có 100 người để chăm sóc. Nhưng mà ở Thụy Điển có một căn nhà rất to ở gần thủ đô, họ nuôi 100 người già thì chỉ cần có 4 người chăm sóc, điều kiện tự động hóa của họ rất hiện đại, trong đó có 2 bác sĩ.
"Cách chăm sóc đó sẽ ưu việt hơn rất nhiều để con cháu tự chăm sóc. Người già với nhau, có trình độ giao tiếp thì họ ở với nhau đông sẽ vui. Ở Hà Nội có một làng Nhật - Việt, nó là một trại an dưỡng người già của Nhật Bản, những ông bà này già rồi nhưng chỉ ở Hà Nội 3 tháng, sau đó nó lại chuyển sang Singapore 3 tháng, sau đó lại chuyển đi nước khác,... tức là, nó là một trại du lịch hè di động chứ không cố định ở đâu.
Đối với bản thân tôi, khi già cũng thích được con cháu cho đi như vậy, đỡ lục đục. Đó là xu hướng của thế giới trong tương lai", ông Trịnh Trung Hòa bày tỏ góc nhìn.
Hoàng Trang