“Bộ tộc kangaroo” ở Hàn Quốc

29/07/2024 - 06:35

PNO - Tại Hàn Quốc, thuật ngữ “bộ tộc kangaroo” được dùng để chỉ những người chưa lập gia đình, ở độ tuổi 30 và 40 nhưng cứ “sống bám”, không chịu chuyển ra khỏi nhà cha mẹ.

Nhiều người trưởng thành Hàn Quốc đang chọn sống với cha mẹ do ỷ lại,  khó tìm việc làm, chi phí nhà ở, sinh hoạt cao… - Nguồn ảnh minh họa: Chosun
Nhiều người trưởng thành Hàn Quốc đang chọn sống với cha mẹ do ỷ lại, khó tìm việc làm, chi phí nhà ở, sinh hoạt cao… - Nguồn ảnh minh họa: Chosun

Theo phản ánh của nhiều nhà xã hội học, ngày càng có nhiều cha mẹ già thất vọng vì kế hoạch nghỉ hưu của họ bị phá hỏng bởi những đứa con đã trưởng thành nhưng vẫn phụ thuộc vào họ về mặt tài chính.
Mới đây, một nghiên cứu của công ty tài chính NH Investment & Securities cho thấy, tính đến năm 2020, có khoảng 649.000 người trưởng thành Hàn Quốc ở độ tuổi 30 và 40 đang thuộc “bộ tộc kangaroo”. Những người này bao gồm những người không có việc làm, phụ thuộc tài chính của cha mẹ và cả những người dù có việc làm nhưng không chịu chuyển đi.

Myungha Hwang - một nhà nghiên cứu tại NH Investment & Securities - giải thích: cha mẹ Hàn Quốc thường đặt nhu cầu của con cái lên hàng đầu, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa là phải hy sinh kế hoạch nghỉ hưu của họ. “Việc trì hoãn khả năng độc lập tài chính của những người con, bắt cha mẹ già hỗ trợ kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ cha mẹ phải đối mặt với tình trạng phá sản sau này” - ông cảnh báo.

Một cuộc khảo sát của công ty SM C&C hoạt động trong lĩnh vực giải trí, du lịch… cho thấy: 57% trong số 1.011 người là cha mẹ tham gia khảo sát cho biết họ sẽ hỗ trợ tài chính cho con cái đã kết hôn nếu cần thiết. Chỉ có 26% cho biết họ sẽ không hỗ trợ. Điều này cho thấy nhiều cha mẹ sẵn sàng hỗ trợ con cái đến tuổi trưởng thành, ngay cả khi họ đã kết hôn và độc lập về tài chính, ưu tiên hỗ trợ con cái hơn cả tiết kiệm hưu trí cho mình.

Thực tế tại quốc gia này, những người ở độ tuổi 20 và 30 ngày càng khó đạt được sự độc lập về tài chính. Nguyên nhân do chi phí nhà ở tăng cao, việc học kéo dài và thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh, khiến những người trẻ tuổi tham gia lực lượng lao động trễ hơn trước. Tình trạng này cũng kéo theo việc kết hôn muộn, sinh con muộn, nhiều người chọn cuộc sống độc thân.

Ông bà A hiện đã ngoài 70 tuổi, sống bằng khoản lương hưu hằng tháng là 2,2 triệu won. Người con trai cả của họ gần 40 tuổi, đã thất nghiệp trong 20 năm vì gặp khó khăn trong việc thiết lập mối quan hệ với người khác. “Khi tôi còn đi làm, lương của tôi đủ cho cả gia đình. Nhưng khi nghỉ hưu, thu nhập của tôi giảm xuống, lương hưu hằng tháng chỉ là 2,2 triệu won, khoản thâm hụt hằng tháng là 500.000 won. Vì vậy tôi phải rút tiền từ tài khoản hưu trí của mình để bù vào khoản thiếu hụt” - ông A cho biết.

Các chuyên gia xã hội học khuyên cha mẹ nên đặt ra ranh giới chặt chẽ hơn với con cái để tránh cảnh nghèo đói khi về già. “Kangaroo rất hiếm vào thời mà những người trẻ tuổi có thể đi làm và sống tự lập, nhưng giờ thì không còn như vậy nữa” - Jeon Young-soo - giáo sư tại Khoa Nghiên cứu quốc tế của Đại học Hanyang - cho biết.

“Mặc dù việc hỗ trợ con cái khi chúng gặp khó khăn là điều cần thiết nhưng cha mẹ càng giúp đỡ thì chúng lại càng có khả năng trở nên phụ thuộc hơn. Vì vậy, cha mẹ nên lùi lại một bước và để con cái tự tìm đường đi” - giáo sư Jeon Young-soo nói.

Thảo Nguyễn (theo Korea Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI