Bộ tiêu chí an toàn trường học… đã đủ an toàn?

11/10/2021 - 07:04

PNO - Nhiều phụ huynh và đại diện các trường cho rằng dự thảo lần thứ ba Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống COVID-19 trong trường học của Sở Giáo dục và Đào tạo vừa trình UBND Thành phố vẫn chưa đủ an toàn. Dù đã có nhiều chỉnh sửa, bổ sung, song bộ tiêu chí vẫn chưa đủ mang đến sự an tâm khi chuẩn bị mở cửa trường học trở lại.

Mới 10% trường học trưng dụng được bàn giao lại
TP.HCM có hơn 1.500 cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM, tính đến thời điểm này, có 10% cơ sở được trả lại cho ngành giáo dục để phục hồi, khử khuẩn, chuẩn bị dạy học trực tiếp trở lại. Một số địa bàn đang cuốn chiếu dần các cơ sở thu dung, cách ly là trường học, dự kiến đến giữa tháng 11 sẽ hoàn tất việc chuyển giao và ngành giáo dục có khoảng một tháng để sửa chữa, khắc phục, chuẩn bị cơ sở.

Theo lãnh đạo các trường THPT cũng như các phòng GD-ĐT quận, huyện, thực tế ngành giáo dục cũng chưa thể tính toán gì nhiều. Trước mắt, phải chờ bàn giao lại cơ sở vật chất rồi sửa chữa, khử khuẩn song song với việc rà soát lại các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và tổ chức hoạt động giáo dục, chuẩn bị đội ngũ giáo viên để dạy chia ca theo giãn cách lớp…

Nhiều trường học vẫn chưa được bàn giao lại cho ngành giáo dục
Nhiều trường học vẫn chưa được bàn giao lại cho ngành giáo dục

Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD-ĐT Q.8, cho hay dự kiến các trường sẽ nhận bàn giao cơ sở vật chất lần lượt kể từ ngày 15/10. Lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3) cũng cho biết, nhiều khả năng trong tuần này, trường sẽ nhận bàn giao lại; sau đó tiến hành sửa chữa, khử khuẩn, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch cho người dạy lẫn người học, hoàn tất các bước còn lại khâu nhập cho học sinh lớp Mười. H.Hóc Môn có tới 48/68 trường vẫn đang được trưng dụng để phục vụ y tế. Vẫn còn nhiều khó khăn, vì thế, theo lãnh đạo nhiều trường, khả năng phải đến học kỳ II, học sinh mới có thể học tập trung trở lại. 

Chưa tiêm vắc-xin, không dám cho con đến trường

Anh Phan Hùng, phụ huynh Trường tiểu học - THCS - THPT Sao Việt (Q.7), nói: “Nếu học sinh chưa thể tiêm vắc-xin, dù trường có mở cửa, tôi cũng không an tâm để con đến trường. Bởi vì, trẻ tiểu học không đủ ý thức để bảo vệ mình, buổi trưa ăn, ngủ bán trú cùng nhiều bạn, chắc chắn các con sẽ tháo khẩu trang, đùa giỡn rất dễ lây lan. Đó là chưa kể, việc đeo khẩu trang đúng cách cả ngày đi học sẽ rất khó cho tụi nhỏ”. 

Cùng chung nhận định, anh Hồng Phong (TP.Thủ Đức) có con đang học lớp Hai cho hay: “Khi đọc dự thảo bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học, tôi thấy chưa đủ an toàn với bối cảnh mới. Quy định giáo viên phải được tiêm đủ hai mũi vắc-xin là hợp lý. Vậy còn học sinh thì sao? Tôi đọc báo thấy ngành giáo dục có đề xuất tiêm vắc-xin cho học sinh từ 12 - 17 tuổi, vậy trẻ tiểu học thì làm thế nào? Chẳng lẽ các con đi học mà không được tiêm vắc-xin? Như vậy bất an lắm”. 

Nhiều phụ huynh cho rằng cần bổ sung tiêu chí tiêm vắc-xin cho học sinh trước khi mở cửa trường, đồng thời nêu rõ thời gian cần tiêm nhắc lại nếu xác định “sống chung” với dịch lâu dài. Việc mở cửa trường cũng nên tiến hành từng khối lớp. Với trẻ mầm non, tiểu học nếu chưa có vắc-xin dù học online không thật sự hiệu quả cũng nên hoãn cho trẻ đến trường. 
Theo nhiều phụ huynh, những khâu khử khuẩn, vệ sinh, rửa tay, khẩu trang… trong bộ tiêu chí là việc chắc chắn phải làm, định kỳ và bản thân các trường đã quen từ năm ngoái.

Trong khi đó, một số yêu cầu khác cần thiết trong bối cảnh mới như khai báo y tế, phương án xử lý nếu phát hiện ca nhiễm trong trường cần được đưa vào bộ tiêu chí thật cụ thể. Bởi tình huống đang học tập trung mà xuất hiện ca nhiễm sẽ là chuyện thường xảy ra. Lúc đó, không thể cứ hoảng hốt, hoang mang, mà cần chuẩn bị phương án, cách xử lý sự cố để chủ động trong mọi tình huống. Việc khai báo y tế cũng phải làm bài bản, mỗi ngày. 

Khó khăn nếu tách lớp

Nhiều trường học đáp ứng điều kiện hoạt động theo dự thảo bộ tiêu chí an toàn nhưng chưa yên tâm mở cửa nếu học sinh chưa được tiêm vắc-xin.

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cho rằng: “Ở tiêu chí một, việc 100% giáo viên, nhân viên phải tiêm đủ hai mũi vắc-xin là đúng, nhưng lại chưa đề cập đến học sinh thì không thể nói là an toàn, thậm chí là nguy cơ cao. Trong một phòng học, những người chưa tiêm ngừa chính là nguồn lây bệnh cao nhất, nếu không muốn nói là ổ dịch xuất phát từ đây. Tiêu chí hai cũng có những khó khăn nhất định, khi tách lớp để đảm bảo khoảng cách, số lớp tăng gấp đôi nhưng số giáo viên không đổi, như vậy số tiết dạy của thầy cô tăng gấp đôi thì lấy ngân sách ở đâu để trả tiền tiết trội? Giải pháp tốt nhất là tách mỗi lớp thành hai nhóm. Nhóm này học trực tiếp một tuần thì tuần sau tới nhóm kia. Một số tiêu chí trường đã làm hai năm rồi nhưng vẫn gặp khó khăn về tài chính, như việc mua dung dịch rửa tay, khẩu trang, Cloramin B, dụng cụ đo thân nhiệt”. Thầy Phú cũng góp ý nên bổ sung mang nón chống giọt bắn vào bộ tiêu chí. 

Học sinh đo thân nhiệt, rửa tay tại Trường THPT chuyên  Lê Hồng Phong trong năm 2020 - ẢNH: THANH THANH
Học sinh đo thân nhiệt, rửa tay tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong năm 2020 - ẢNH: THANH THANH

Tại TP.HCM, do đặc thù cha mẹ đi làm cả ngày nên nhu cầu cho trẻ mầm non, tiểu học học bán trú rất lớn. Tuy nhiên, để thỏa mãn tiêu chí về tổ chức hoạt động bán trú rất khó nên hầu hết các trường sẽ chấp nhận mất điểm ở tiêu chí này. Một hiệu trưởng trường mầm non tại Q.7 cho hay: Khối mầm non khó đáp ứng tiêu chí khoảng cách giữa trẻ em, giáo viên, nhân viên từ một mét trở lên trong phòng học. Bởi việc sinh hoạt, học tập chung khó tránh khỏi việc tiếp xúc gần. Đồng thời, khó thực hiện yêu cầu số trẻ không quá 50% vì đặc thù trẻ mầm non không thể học online mà tách đôi lớp thì không đủ phòng; cũng như yêu cầu hạn chế hoạt động sau 16g30, bởi cha mẹ đi làm sớm nhất 17 giờ mới tan sở đến đón con…

Sở GD-ĐT TP.HCM tiếp tục trình UBND TP.HCM dự thảo lần thứ ba bộ tiêu chí đánh giá an toàn trường học trong phòng, chống dịch. So với dự thảo trước, lần này, sở đưa ra thêm tiêu chí cho các trung tâm ngoại ngữ - tin học, giáo dục kỹ năng sống và thay đổi một số tiêu chí khác.

Ở bộ tiêu chí đánh giá an toàn cho cơ sở giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT đề xuất 10 tiêu chí thành phần. Ở mỗi tiêu chí, các trường được chấm điểm đạt hoặc không đạt, thay vì chấm điểm thang điểm 10 như dự thảo lần trước. Trường học đạt từ sáu tiêu chí trở lên được phép mở cửa.

Về tỷ lệ giáo viên tiêm vắc-xin, bộ tiêu chí yêu cầu 100% giáo viên, nhân viên làm việc trực tiếp tại trường được tiêm đủ liều hoặc là F0 đã khỏi bệnh, sẽ được chấm loại đạt. Dưới tỷ lệ này là không đạt. Đây là một điểm mới được đưa vào trong dự thảo bộ tiêu chí lần này.

Về số lượng học sinh, giáo viên tập trung tối đa tại trường học, bộ tiêu chí yêu cầu số lớp và số học sinh trong mỗi lớp không quá 50% theo tiêu chuẩn hiện hành (lớp tiểu học 35 em, lớp THCS và THPT 45 em). Nếu quá 50%, trường bị chấm không đạt.

Khoảng cách giữa các học sinh, giáo viên, nhân viên tập trung trong phòng học, phòng làm việc từ một mét trở lên. Ở bên ngoài, khoảng cách này là 2 mét. Thực hiện đúng được chấm đạt, có thời điểm không thực hiện đúng sẽ không đạt.

Dự thảo bộ tiêu chí lần thứ ba yêu cầu không tổ chức hoạt động bán trú, nội trú, căng-tin, xe đưa rước mới được chấm đạt. Với tiêu chí này, các trường phổ thông nội trú sẽ gặp khó khăn. Trong khi bản dự thảo lần trước, các trường không tổ chức hoạt động bán trú, nội trú, căng-tin, xe đưa rước được chấm 10 điểm, nếu tổ chức nhưng đảm bảo an toàn được chấm 5 điểm.

Bộ tiêu chí tại cơ sở giáo dục mầm non cũng gồm 10 thành phần và cách đánh giá tương tự. Lớp học ở trường mầm non không được quá 50% (với trường mầm non 25 - 35 em mỗi lớp, tùy độ tuổi), lớp mẫu giáo tư thục không quá 15 em. Hoạt động nội trú ở trường phổ thông được thay bằng tiêu chí “hoạt động sau 16g30”. Nếu trường mầm non, lớp mẫu giáo không hoạt động sau giờ này, hoặc có hoạt động nhưng đảm bảo phòng, chống dịch được chấm đạt.

Bộ tiêu chí an toàn đối với trung tâm ngoại ngữ - tin học, giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa có chín thành phần, tương tự như bộ tiêu chí đối với cơ sở giáo dục phổ thông nhưng không có quy định về hoạt động nội trú, bán trú.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI