Bỏ tiền mua… thuốc độc

18/06/2014 - 07:25

PNO - PN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhìn nhận, khủng hoảng trong ngành sản xuất sữa nói riêng và chất lượng thực phẩm nói chung ở Trung Quốc (TQ) là một trong những vết nhơ khó xóa, cần thời gian rất dài để khắc phục. Thế nhưng,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hội đồng nhà nước, cơ quan quyền lực cao nhất của TQ, cuối tuần qua đã khuyến khích các nhà sản xuất sữa bột công thức cho trẻ em trong nước hãy bắt tay hợp tác hoặc sáp nhập, nhằm mục đích nâng cao chất lượng mặt hàng thiết yếu đang bị hầu hết người dân TQ “tẩy chay” này.

Bo tien mua… thuoc doc

Buôn lậu sữa trẻ em ở gần Hồng Kông - Ảnh: AFP

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm TQ (CFDA) cho biết, đến năm 2015, đầu mối cung cấp sữa bột trẻ em trên thị trường TQ đến từ 10 công ty được tái cấu trúc theo hướng mới, bên cạnh đó là gần 80 hãng sữa không tiếng tăm khác. Dự kiến, mỗi công ty thuộc tốp dẫn đầu sẽ thu mức lợi nhuận là 325 triệu USD mỗi năm. CFDA hy vọng lúc đó, sản phẩm sữa của nhóm “số 1” này sẽ chiếm 65% thị phần, còn lại thuộc về các nhãn hàng sữa nhập ngoại. Tham vọng hơn, CFDA muốn tỷ lệ này có thể lên đến 80%.

Đầu tháng Năm, TQ cũng ban hành những quy định mới đối với việc nhập khẩu sữa cho trẻ em, nhằm bảo hộ sản xuất sữa nội địa. TQ đang cố gắng xây dựng lại uy tín, níu kéo niềm tin của người tiêu dùng trong nước bằng mọi cách, để bù đắp lại những thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất đầy bê bối này.

Bo tien mua… thuoc doc

Hành lý của “du khách” TQ chất đầy sữa ngoại - - Ảnh: New York Times

Sữa nội địa do chính người TQ sản xuất để nuôi trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước mình - lại là mặt hàng bị “ô nhiễm” trầm trọng trong một thời gian dài. Năm 2004, sữa chất lượng kém đã khiến 13 trẻ sơ sinh ở TQ chết vì suy dinh dưỡng. Năm 2008, sáu trẻ thiệt mạng, 300.000 trẻ có những dấu hiệu xấu ảnh hưởng đến sức khỏe (phần lớn là bị sỏi thận, suy thận hoặc rối loạn tiêu hóa) khi uống phải sữa bị trộn chất hóa học để làm tăng độ đạm. Từ sau khi bê bối trong sản xuất sữa bị phanh phui, thực phẩm TQ liên tiếp đối mặt với những vụ đổ bể về chất lượng khiến người dân nước này và dư luận quốc tế vô cùng phẫn nộ. Có thể kể vụ sản xuất dầu ăn từ cặn dầu bẩn của các nhà hàng; dùng nước thải công nghiệp để tưới rau, dùng muối công nghiệp để muối rau; làm giả thuốc bổ…

Ô nhiễm sữa và nhiều loại thực phẩm đã kéo theo “ô nhiễm” niềm tin đối với người tiêu dùng trong nước. Người dân TQ buộc lòng tìm sữa từ các nguồn nước ngoài. Sữa nhập khẩu được phân phối trong nước thường xuyên… “cháy” hàng. Người ta tranh nhau mua, cất công chạy sang Hồng Kông và nhiều đất nước khác chỉ để tìm sữa ngoại. Cơn bão nhu cầu từ người tiêu dùng TQ đã khiến các kệ sữa tại Australia, New Zealand, Anh, Hà Lan, Hồng Kông liên tục bị “gom” hàng, thậm chí phải báo động về mất cân bằng cung - cầu. Đặc khu hành chính Hồng Kông - TQ đã áp dụng quy định, mỗi khách chỉ được mang ra khỏi Hồng Kông tối đa hai hộp sữa (tổng cộng 1,8kg). Một bà nội trợ nói: “Tôi chỉ chọn những nhãn hàng nước ngoài cho cháu gái mình. Tôi không thể tin ngành sản xuất sữa trong nước”. Bà nội trợ họ Dương chia sẻ: “Tôi có người nhà ở Mỹ nên họ chuyển trực tiếp sữa bột về cho tôi. Từ lâu, nhà tôi chẳng ai còn dùng nước uống, sữa mua ở TQ”. Một người tiêu dùng họ Châu nói: “Điều chúng tôi quan tâm nhất hiện nay là chất lượng chứ không phải giá cả. Giờ đây, có tiền vẫn mua nhầm sữa kém chất lượng, chẳng khác nào bỏ tiền để mua thuốc độc”.

 THIÊN NHƯ

(Theo Tân Hoa Xã, Ad Age, New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI