Tôi xuống đò, qua sông. Đường xuống bến, phải đi bộ chừng 500m, như thể từ đây, ý niệm về hành giả, những bước chân cởi bỏ phiền trược đã bắt đầu, đâu cần phải chờ đến lúc bỏ dép để vào chánh điện. “Đi sớm, không thì chen lấn bít đường. Khách đổ về từ khắp nơi. Hồi xưa dẫu nghèo, bà con vẫn đi, tâm linh dân mình lớn lắm, nói gì bây giờ mọi thứ đủ đầy. Bắt đầu từ rằm tháng Giêng kéo miết đến rằm tháng Bảy, ghe đò chạy hết công suất đó”.
Đó là lời ông Út Lâu - một người cố cựu ở đây. Trong trí nhớ của ông, chùa Phước Long hồi đó là một thảo am, có đã lâu, được một người mộ Phật cúng tặng cho sư trụ trì chùa Hội Sơn, năm 1974.
|
Chùa Phước Long hay còn gọi là Châu Đốc 3 |
Thầy Thích Nhựt Pháp về sau tiếp quản, xây chùa trên một ốc đảo hoang vắng, mà ở đây người ta gọi là ấp Cù lao Bà Sanh. Hồi đó, chỉ có lau, sậy, lác, năng phủ kín, dừa, sình lầy, cây dầu mọc thành rừng trên khu đất rộng đến 45 mẫu; đường không có, chiều vắng hay đêm sâu, chỉ những người đánh cá. Dân nghèo lắm, muốn cúng dường gạo muối cho chùa cũng chẳng có.
Thầy trụ trì và đệ tử cũng như bà con, cực khổ trăm bề, đói ăn thiếu mặc, nhưng một lòng một dạ hành trì Phật pháp. Hồi đó chiến tranh mà, ở đây thưa vắng, lại là vùng ngoại ô Sài Gòn, nên trở thành vùng tranh chấp. Vượt sông là vào Sài Gòn, đánh quá thì vọt qua phía Đồng Nai.
Đói, khổ, bom đạn tối ngày, muốn dựng chùa, muốn hành lễ cúng Phật, đâu có dễ, bởi súng đạn có chừa ai, chứ lòng các sư ở đây lẫn Phật tử, ai mà chẳng mong bình yên để làm ăn, hành sự, dù đến rằm, mùng Một, ngày vía, mặc cho cái chết rình rập, bà con vẫn chèo đò qua sông, rồi tới chùa thắp hương, quỳ niệm, cầu nguyện cho thân tâm nguyên vẹn, an lạc, yên ổn làm ăn…
Giăng giăng trong nắng, trong trí tưởng tượng của tôi khi qua sông, không hiểu sao, là một khúc củi trôi dạt đâu đó mà tuổi chăn trâu cắt cỏ bên sông từng thấy, lớn lên chút nữa là từng nghe, rằng một bữa Phật Bà hiện trên thớ gỗ, để từ đó, chùa mọc lên phù trì cho con dân nơi sóng cả. Những đồn đoán truyền tai nguyên thủy, cổ sơ chỉ mặc định nỗi bé nhỏ của kiếp người trước thiên tai, cơ cực bởi áo cơm, dựa vào đó với đức tin trong lành, để đi qua bể khổ trần ai.
Bên này là Q.9 (TP.HCM), bên kia thuộc Đồng Nai. Cái gò nổi lên giữa sông, trên đó là chùa lớn, uy nghi, được bao bọc bởi hai nhánh, như hai con đường dẫn về một ngôi nhà, như tay mẹ ẵm bồng.
Có lẽ, cái nhìn thấu bản thể của một người suốt đời gắn với kinh kệ, quanh năm uống nước giếng từ sông mẹ, nhất tâm theo Phật của sư trụ trì Thích Nhựt Pháp, đã giúp ông tìm thấy cách hóa giải nỗi cô quạnh, chơ vơ đến lạnh người của chốn am ốc gieo neo trên sông này, rằng như núi chỉ linh khi có người, thì ở đây linh thiêng cũng tại lòng người, không đánh động được tâm linh, khơi gợi nỗi khao khát, tôn kính tìm về, thì mãi là ngôi chùa vô danh.
Vì thế, năm 1993, thầy đã rước linh tượng Bà Chúa Xứ Nguyên Nhung Châu Đốc ở An Giang về. Nghe đồn rằng, sau đó, người ta tấp nập tìm về, bởi Bà rất linh, xin việc làm ăn là mau mắn lắm…
|
Không gian chùa bà Châu Đốc 3 nhìn từ chánh điện |
Tôi vào chùa. Đông kín người, đủ giọng Bắc - Trung - Nam, từ vái xin làm ăn hoặc chỉ thắp nhang bái Phật, đi nghiêng ngó cho biết, có cả một giá hầu đồng từ Hà Nội vào, đang làm lễ. Một bà ở xã Tân Phú A, H.Củ Chi kể: nhóm năm người, toàn bà già, lọ mọ đi từ 4g sáng, cũng chỉ thắp hương bái Phật thôi. “Dưới đó đâu thiếu chùa?” - tôi nói.
“Thì nghe đồn, đi xem luôn” - bà cười nhẹ nhõm trên gương mặt đầy mồ hôi. Một nhóm người, giọng miền Trung, hỏi ra thì ở Quảng Ngãi. “Cô có con đang chữa bệnh ở bệnh viện Chợ Rẫy, qua đây xin Bà xin Phật cứu khổ cứu nạn” - bà Phạm Thị Lân, quê ở Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi), nói.
Tư liệu nhà chùa cho hay, đã có quá nhiều danh hiệu nhà nước hoặc các tổ chức du lịch - văn hóa xướng tên chùa là điểm du lịch văn hóa - sinh thái - tâm linh nổi bật của TP.HCM, bởi kiến trúc lẫn cảnh quan nơi đây mà sư thầy cùng đệ tử lẫn du khách đã phát tâm gầy dựng. Tôi vào chánh điện, rồi duỗi chân trên hiên tránh nắng, nhìn xuống, khách vẫn không ngớt, dù đã đúng Ngọ. Những vương vấn, gấp gãy từ bao điều không hay xảy ra, khi ai đó mượn danh xây chùa, vẽ vời dự án tâm linh trên đất vàng để trục lợi, ùn đến.
Không biết sự hiển linh ở đó có không, chứ ở đây, tôi nghe khá nhiều. Sự kiểm chứng là khó, nhưng bỏ qua chuyện tiền bạc, vốn xa lạ với nhà chùa, gạt bỏ những sân tham trong bao đôi mắt chấp chới theo khói nhang, thì một lẽ khác như là đỡ đần, nói đúng hơn là minh chứng cho tâm Phật của người đã lật cỏ, đẩy sình, dựng chùa lên từ những thanh gỗ mục, để rồi được uy nghi, mà chỉ riêng chánh điện, lượng gỗ đã là 1.700m3, với 120 cột cái cao 9m, 150 cây xuyên, 190 cây kèo. Một ngôi chùa qua bể dâu, giữa sông hoang vắng, trở thành chốn về của bao người, há chẳng đáng xiển dương sao?
Ở đất nước này, từ khởi thủy, đã mặc định yếu tố Mẫu, như là chỗ dựa căn cơ trong linh khảm. Vậy thì, Bà Chúa Xứ từ cuối trời Tổ quốc, về đây ngự, để nói chùa Phước Long, có thể người ta không nhớ, nhưng nói Chùa Châu Đốc 3 thì nhận được ngay cái gật đầu. Phải chăng một lần nữa, trong phút bất yên, chỉ có mẹ là chỗ dựa của ta?
Buột miệng rằng, từ câu chuyện tín ngưỡng dân gian bản địa, khi Núi Sam - nơi thờ Bà Chúa Xứ - là nơi hành hương không ngớt, thì về đây, khi kết hợp với Phật giáo, đã trở thành một khúc giao hòa nhuần nhuyễn, đi sâu vào đời sống tâm linh, đáp ứng những yêu cầu thiết thân của quảng đại quần chúng. Đó cũng là con đường nhập thế của đạo Phật, bởi không có Phật tử, không có chúng sanh, Phật sao tồn tại được, chùa xây lên để làm gì.
Từ sông nước miền Tây về đây, đâu chỉ có bao người lấy Sài Gòn làm nơi tá túc, áo cơm, rồi xem đó là quê hương thứ hai. Một nhánh tâm linh, từ đó, cũng chảy về, để đóng đinh trong tâm trí của con dân thành phố, lại được pha trộn bởi kiến trúc của chùa cổ Nam bộ, kiến trúc truyền thống văn hóa Phật giáo Bắc bộ, có cả miếu thờ bà Ngũ Hành, rồi tín ngưỡng bản địa của người miền Đông Nam bộ… Ngôn ngữ hiện đại gọi là liên vùng văn hóa. Tôi nhìn thấy ở đó một tiếng chào thân quen, tự tin, xởi lởi mà sâu thật sâu, như lòng người phương Nam.
Phải đi qua sông mới tới chùa, sao hao hao như Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse. Một chốn bình yên giữa xanh um cây lá, như nốt nhạc xanh trộn trong tiếng chuông, giữa hai bề sóng nước, lánh xa bụi bặm ồn ào của thành phố, như một món quà trao tặng chút nghỉ ngơi. Tự dưng thấy cây lá và sông cũng là pháp giới. Hành hương đến chùa cũng là nương tựa vào một linh hồn là sông. Thập phương chư Phật, thập phương chư pháp, thập phương chư tăng, đó là 10 phương của sông khi sông không phải là sông, lá không phải là lá, chùa không phải là chùa.
Đó là thể tính của không không có có. Qua chùa để bái Phật, qua sông để trút phiền não, đó là bài học của dòng sông nhìn thấy dòng sông; dòng sông thực hành và thọ ký cho dòng sông; cái ngã gặp cái ngã. Đò chạy ra xa, mái chùa nhô lên giữa thinh không cây lá, như im lặng để nói điều cao cả. Một tiếng nói sâu thẳm từ sông, rằng hãy quay về hiền như chùa, lặng như sông, cười thanh thản như cây lá, ta sẽ gặp mình và gặp người, như tiếng chuông ngân không bao giờ phân biệt phải trái…
Con sông Đồng Nai tới đây tẽ ra hai nhánh, tưởng như lời chia tay, nào ngờ lại gặp một bờ thứ ba của dòng sông, với tiếng nói trong trẻo, minh triết và ân cần. Những lấp lánh đức tin vào thế giới khác, ngoài trần gian này, ở xứ sở mình, luôn hiện tồn, vốn không hề ô tạp, mà đầy ngưỡng vọng, trong lành. Lời ai đó nói sau lưng, rằng mấy người làm ăn kinh tế xin được may mắn nhiều lắm. Tôi nghe một lần nữa mà nghĩ điều khác.
Đi chùa là mỹ tục. Ai dựa vào chùa mà trục lợi, tham lam, ắt gánh nghiệp quả báo. Chùa được dựng lên bằng lòng tham, ở đó hẳn không có Phật. Con mắt dân gian luôn là thiên nhãn, tức con mắt thứ ba. Họ thấy hết. Còn nếu có điều uế tạp chốn đó, thì trách nhiệm giáo hóa chúng sanh thuộc về chùa, về tổ chức Phật sự lớn hơn, rộng hơn là của chính quyền, bằng câu chuyện giáo dục dân chúng về niềm tin tôn giáo.
Trung Việt