Bỏ thi tốt nghiệp THPT 2020: Vẫn ổn!

03/08/2020 - 07:43

PNO - Đứng trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cú “hồi mã thương” sát ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020 khiến chuyện nên tổ chức thi hay không, tuyển sinh đại học như thế nào nếu không thi… phải nhìn nhận lại. Vậy, người trong cuộc nói gì?

Cần thích ứng với hoàn cảnh đặc biệt

Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương chiều 2/8 bàn giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đề xuất kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) chia làm hai đợt: địa phương không nguy cơ cao thì tổ chức thi theo kế hoạch, còn lại các địa phương có nguy cơ cao (như Đà Nẵng, Quảng Nam) thì tổ chức thi vào đợt hai sau đó. Với thí sinh thuộc diện F1, F2 ở các địa phương không thuộc nhóm nguy cơ cao cũng sẽ vẫn được tổ chức thi cùng với đợt thi của Đà Nẵng, Quảng Nam…

Tại cuộc họp chiều 31/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết hiện tại công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT  tại các địa phương đã sẵn sàng
Tại cuộc họp chiều 31/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã sẵn sàng

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng tâm lý của cả xã hội đang rất lo sợ nhiễm bệnh nên chắc chắn ảnh hưởng tới chất lượng kỳ thi. Tại hội nghị trực tuyến giữa Ban chỉ đạo quốc gia về thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với 63 tỉnh, thành, lãnh đạo nhiều địa phương băn khoăn trước tình hình phức tạp của dịch bệnh.

Thống kê từ Bộ GD-ĐT cho thấy có 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trong đó, số thí sinh đăng ký thi và xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng là 643.122, chiếm 71,45%. Số thí sinh tự do là 51.712, chiếm 5,74%. Đây là con số không nhỏ cho công tác tổ chức thi. Chưa kể, khi tổ chức kỳ thi, phụ huynh đưa đón con ở điểm thi cũng vi phạm lệnh cấm tập trung quá 30 ở một số tỉnh, thành phố…

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cũng bày tỏ lo ngại về khâu chấm thi sắp tới của TP.HCM sẽ phải tổ chức ở một điểm với khoảng 600 người. Việc này sẽ phạm vào quy chế tập trung đông người nên cần xin ý kiến chỉ đạo hướng giải quyết.

Trong khi đó, các chuyên gia giáo dục dẫn chứng: ở kỳ thi năm 2019, tỷ lệ tốt nghiệp THPT cả nước đạt 94,06%; năm 2018 tỷ lệ này là 97,57%. Như vậy, tổ chức một kỳ thi với gần cả triệu thí sinh và chỉ loại vài phần trăm thì mục tiêu xét tốt nghiệp là không có ý nghĩa, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn. 

Nếu không có kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH sẽ phải tự lo phương án tuyển sinh, đó cũng là chuyện dĩ nhiên, chỉ có điều trong hoàn cảnh cập rập cần sự thích nghi tốt. Vấn đề còn lại là Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn việc công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh trong trường hợp kỳ thi bị hủy. 

Trường lo nhưng vẫn sẽ có cách

“Nếu Bộ GD-ĐT quyết định không tổ chức thi tốt nghiệp THPT thì cũng có khó khăn nhất định cho trường. Việc điều chỉnh phương án tuyển sinh không phải khó nhưng lo là không còn phương án nào khác ngoài xét tuyển học bạ. Tuy nhiên, tôi ủng hộ phương án bỏ thi năm nay và chỉ xét học bạ để vào ĐH, có thể không đủ chỉ tiêu nhưng an toàn cho thí sinh và đó là ưu tiên trên hết”, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, nêu quan điểm. 

Ông Sơn phân tích: hiện tại, trường có bốn phương án xét tuyển đầu vào, trong đó dành 40% chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Còn lại 60% tuyển bằng học bạ THPT, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT thì bắt buộc trường phải điều chỉnh từ 40% xét điểm thi chuyển sang xét học bạ, tức là 80% xét học bạ và 10% xét điểm thi đánh giá năng lực và 10% xét tuyển thẳng.  

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, khẳng định: “Nếu Bộ GD-ĐT bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT thì trường sẽ điều chỉnh đề án sử dụng kết quả xét tuyển học bạ. Thực tế, mỗi phương án đều xét điểm từ cao xuống thấp và mỗi phương thức đều có những phản ánh năng lực riêng. Nếu bộ bỏ thi thì các trường cũng sẽ hủy tổ chức thi tuyển riêng nên chỉ còn xét tuyển học bạ phổ thông. Nhìn chung, sẽ có nhiều xáo trộn trong tuyển sinh nhưng về cơ bản, các trường cũng sẽ tuyển ổn định”.

Thực tế, đến nay đã có hàng chục ngàn thí sinh biết mình trúng tuyển vào nhiều trường ĐH theo đề án tuyển sinh riêng, ưu tiên xét tuyển, xét học bạ… chỉ chờ tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện nhập học. Việc xét tuyển bằng điểm học bạ năm nay đã không còn là sân chơi của các trường ĐH tư, ĐH địa phương nữa. Hàng loạt trường công lập lớn cũng dành không ít chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này. 

Lần đầu tiên trong lịch sử tuyển sinh, Trường ĐH Cần Thơ áp dụng phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ THPT. Trường tuyển 8.900 chỉ tiêu, trong đó xét tuyển bằng điểm học bạ tới 40% chỉ tiêu, với điểm trung bình ba môn là 19,5 điểm trở lên, cho tất cả các ngành đào tạo (trừ các ngành đào tạo giáo viên) với 40% chỉ tiêu. 

Trường ĐH Kinh tế TPHCM dành 20-30% chỉ tiêu (tổng chỉ tiêu năm 2020 là 5.800) xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn bằng điểm học bạ THPT. Tương đương với chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM tuyển 4.500 chỉ tiêu và phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ tối đa lên đến 60% tổng chỉ tiêu cho tất cả các ngành đào tạo. Trong khi đó, hai phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tối đa 15% tổng chỉ tiêu và xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tối đa 25% chỉ tiêu. 

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm 2020 dành đến 50% chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm học bạ THPT…

Như vậy, không quá khó để các trường điều chỉnh phương án xét tuyển trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Phương án nào cũng có giá trị của nó và quan trọng tuyển sinh theo cách thức lấy từ trên xuống nên việc xét học bạ, kết hợp phỏng vấn, kiểm tra kỹ năng, yêu cầu học sinh giỏi… cũng có thể chọn đúng mặt… gửi giấy báo trúng tuyển. 

Tiêu Hà

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(11)
  • Le quoc binh 06-08-2020 17:07:03

    Nên bỏ kỳ thi THPT vì nguy cơ rất cao đăc biêt ỏ TPHCM, hiện tai chưa có ca nhiễm mơi. Nhưng có rất nhiều kêt quả xét nghiệm chưa có. Và đa số bây giờ ca dương tính hok có triệu chứng. Kính mong Bộ GD va ĐT xem xét lai. Nếu như tồ chức thi sẽ chắc chắn phụ huynh sẽ tập trung đông người càng nguy cơ cao.

  • Đặng Hoàng Công Tín 05-08-2020 16:42:06

    nên bo kỳ thi TN PTTH, xét TN theo học bạ. Các trường ĐH đã xét tuyển theo học bạ rồi, vậy thì làm gì nu7a4trong tình hình này?

  • Le Uyen 05-08-2020 15:19:40

    Nên xét học bạ miễn thi tốt nghiệp chứ tình hình dịch bệnh này cho con đi thi lo quá, các trường đại học đã có phương án xét tuyển hết rồi, học bạ thì đã nộp về sở rồi ai mà chạy đc mà phụ huynh lo, an toàn cho các con là trên hết, chứ nghe thông tin F1 mặc bảo hộ vào phòng thi mình thấy e ngại quá.

  • nguyen thi thuy trang 04-08-2020 10:19:00

    nếu xét học bạ thì đã chạy học bạ rồi qua tết là đã chạy rồi, tôi chỉ muốn cho các con thì như vậy mới công bằng thôi

  • Jos nguyễn 03-08-2020 21:45:48

    Nếu như thi THPT QG chia làm 2 đợt thử hỏi đợt 2 liệu đề nớ có được thay đổi
    Nếu không thay đổi đề sẽ bị lộ và dẫn đến thi đợt 2 sẽ cao điểm hơn đợt 1

  • Son Nguyen Thi 03-08-2020 20:38:34

    Đã đến lúc cần thẳng thắn là bỏ thi quốc gia tốt nghiệp THPT vì thực chất chẳng có ích lợi gì mà tốn kém ngân sách hằng năm. Nên giao cho các Sở giáo dục xét tốt nghiệp THPT. Các trường Đại học tuyển sinh nên giao quyền tự chủ cho các trường Đại học. Năm nay dịch bệnh rất nguy hiểm, hãy thí điểm cho năm nay.

  • Lê Phương 03-08-2020 11:03:41

    Sợ đây là cơ hội để các trường phổ thông nâng điểm học bạ không nhỉ ?

  • Hai 03-08-2020 10:02:58

    Nếu không thể tổ chức thi, hủy thi, hoặc một số thí sinh không may mắc F1, F2, ... nên xết học bạ, không nên xét đặc cách, vì không công bằng.

  • Vân 03-08-2020 08:44:34

    Nên như vậy.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI