Bỏ thi kiểu rập khuôn môn văn: Vừa mừng vừa lo

29/07/2022 - 06:12

PNO - Từ năm 2023, đề thi môn ngữ văn sẽ không sử dụng văn bản trong sách giáo khoa. Yêu cầu trên được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn văn ở trường phổ thông, vừa ban hành.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng chỉ nên thay đổi từng bước và có hướng dẫn cụ thể để thầy trò chủ động hơn trong dạy và học, tránh gây hoang mang.

Nhiều giáo viên tán thành việc bỏ kiểu thi rập khuôn môn văn nhưng cần có thời gian để điều chỉnh cách dạy và học (trong ảnh: Một tiết dạy văn tại Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.Hà Nội) ẢNH: ĐẠI MINH
Nhiều giáo viên tán thành việc bỏ kiểu thi rập khuôn môn văn nhưng cần có thời gian để điều chỉnh cách dạy và học (trong ảnh: Một tiết dạy văn tại Trường THPT Lương Thế Vinh, TP. Hà Nội) - Ảnh: Đại Minh

Xóa bỏ nạn văn mẫu
Trong hướng dẫn nói trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, cần tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. 

Trên lớp, giáo viên cần tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kỹ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới. Tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới. Gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe. 

“Rất nhiều giáo viên mong đợi và ủng hộ đổi mới hình thức kiểm tra, thi cử môn văn, giúp nâng cao năng lực đọc hiểu, phân tích một tác phẩm văn chương bất kỳ, không phải biến bài thi thành hoạt động “trả bài” theo nghĩa đen: trả lại thầy cô những lời, những ý của thầy cô”, tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An (TP.Hà Nội), rất đồng tình về đổi mới học và thi môn văn.

Cô cho rằng, chủ trương đưa các tác phẩm văn học ngoài sách giáo khoa vào câu nghị luận văn học trong các bài thi, bài kiểm tra là cách đúng đắn, triệt tiêu nạn dạy và học theo văn mẫu. Sự thay đổi này là không thể trì hoãn nếu chúng ta không muốn tạo ra những thế hệ của những cái bóng, phản chiếu tư tưởng, lời lẽ của người khác thay vì thể hiện chính cái tôi của mình.

Đồng quan điểm, cô Vũ Thị Đỗ Quyên, Tổ trưởng Tổ Văn Trường THPT Lương Thế Vinh (TP. Hà Nội), cho rằng: “Về cơ bản, tôi ủng hộ đề thi môn văn không sử dụng văn bản trong sách giáo khoa vì sẽ tránh được tình trạng văn mẫu, phát huy được sự độc lập, sáng tạo ở học sinh. Cũng không lo học sinh bỏ không học văn, bởi văn bản sách giáo khoa là cơ sở để giáo viên hướng dẫn học sinh tạo lập văn bản”. 

Nên thay đổi từng bước

Trên thực tế, những năm gần đây, đề thi môn văn đã có nhiều thay đổi. Nội dung đề có tới 50% nằm ngoài văn bản sách giáo khoa. Tuy các giáo viên rất ủng hộ chủ trương yêu cầu đổi mới kiểm tra đánh giá nhưng cho rằng cần có lộ trình.

Học sinh thi tốt nghiệp THPT môn văn năm 2022 tại TP.HCM - ảnh: Tam Nguyên
Học sinh thi tốt nghiệp THPT môn văn năm 2022 tại TPHCM - Ảnh: Tam Nguyên

“Sự thay đổi nào cũng phải có lộ trình, không thể đầu năm học đưa ra chủ trương và cả năm đó, đặc biệt trong bài thi cuối cấp đã thực hiện. Lộ trình đòi hỏi thời gian chuẩn bị cho tâm thế, phương pháp và cả cấu trúc chương trình, cấu trúc mỗi bài dạy, bài học của thầy và trò”, tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết đề xuất.

Cô ví dụ học trò năm nay vào lớp 10 theo chương trình giáo dục 2018, các em sẽ được chuẩn bị, rèn luyện kỹ năng cần thiết, hệ thống trong cả ba năm THPT, khả dĩ thuần thục trong kỳ thi cuối cấp vào năm 2025. 

Còn theo cô Vũ Thị Đỗ Quyên, nếu có sự thay đổi trong việc ra đề thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có hướng dẫn cụ thể và sớm có đề thi minh họa để giáo viên và học sinh chủ động hơn trong giảng dạy và luyện tập, tránh gây hoang mang trong xã hội.

“Theo tôi, nên thay đổi từng bước. Trước hết, có thể lấy những văn bản đọc thêm (có trong sách giáo khoa) hoặc văn bản ngoài sách giáo khoa của những tác giả có trong chương trình học”, cô Đỗ Quyên nói. 

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng: “Bộ nói thay đổi thì cụ thể thay đổi thế nào phải có hướng dẫn để học sinh và giáo viên biết. Riêng tôi thì tán thành không học vẹt, không học bài văn mẫu và thay đổi để dẹp tình trạng học vẹt là tốt nhưng không hẳn là không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa. Bởi lẽ, để đánh giá học sinh trên một bài thi thì dựa vào việc đưa ra vấn đề và xem các em phân tích thế nào, sử dụng ra sao chứ không hẳn cứ đưa ngữ liệu ngoài sách giáo khoa là tránh được việc học vẹt”.

Hơn hết, tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nhấn mạnh: “Những thay đổi phải được công bố sớm, dùng ngữ liệu bên ngoài thì dùng thế nào. Bộ phải thống nhất gắn chương trình với việc thi cử, đánh giá chứ không phải thích lấy ngữ liệu ở đâu cũng được mà phải có định hướng và có chuẩn”. 

 Đại Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI