Bó tay với thị hiếu người xem phim Việt

15/12/2014 - 17:12

PNO - PN - Không chỉ những người quan tâm đến điện ảnh nước nhà mới thấy lo trước gu xem phim khó hiểu của khán giả mà ngay những nhà sản xuất phim tư nhân cũng “không biết đường mà lần” với thị hiếu người xem, đó là “những...

edf40wrjww2tblPage:Content

Khá ngẫu nhiên khi cùng một ngày (12/12) trong lúc bộ phim Để Mai tính 2 ra rạp, Trung tâm Nghiên cứu và lưu trữ điện ảnh thuộc Viện Phim Việt Nam cũng tổ chức buổi tọa đàm nói trên. Vì thế, bộ phim Để Mai tính 2 đã được đưa ra làm dẫn chứng cho nỗi lo phim Việt sẽ ra sao khi nhà sản xuất phim tư nhân cứ chạy theo thị hiếu người xem.

Bà Ngô Ngọc Ngũ Long - Phó chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM - thẳng thắn: “Không thể tưởng tượng nổi một bộ phim chọc cười thô thiển như Để Mai tính 2 có thể ra được rạp. Con át chủ bài Thái Hòa của nhà làm phim đã khiến khán giả bắt đầu thấy mỏi mệt”.

Thế nhưng, mặc cho những lo lắng trong khán phòng nhỏ bé kia, ngoài rạp, hãng phim Chánh Phương, đơn vị sản xuất Để Mai tính 2 - chẳng có mặt tại tọa đàm - vô cùng hồ hởi khi trong ngày đầu tiên, phim đã có doanh thu “khủng”: 5,7 tỷ đồng với 71.766 lượt người xem trên toàn quốc, vượt qua kỷ lục bốn tỷ đồng trong ngày chiếu đầu tiên của “hiện tượng phòng vé” Tèo em.

Chưa kể có 5.608 người khác không thể chờ tới khi Để Mai tính 2 chính thức khởi chiếu mà đã mua vé tới xem các suất chiếu sớm vào tối trước đó.

Bo tay voi thi hieu nguoi xem phim Viet

Cảnh trong Chung cư, phim tiếp nối trào lưu kinh dị đang ăn khách hiện nay, sẽ ra rạp ngày 24/12

Phim chọc cười nhảm ăn khách không ngờ, còn phim nghiêm túc (về mặt đề tài, mức đầu tư) có quá ít người xem là thực trạng lâu nay. Những phim Việt tranh tài ở sự kiện quốc gia Liên hoan phim VN lần thứ 18 diễn ra vào năm ngoái phần nào đã khắc họa bối cảnh điện ảnh VN thời kỳ hội nhập.

Đó là sự áp đảo của số lượng phim tư nhân (LHP VN lần thứ 14/2004 chỉ có 1/22 phim dự thi do tư nhân sản xuất, đến LHP VN lần thứ 18/2013 tỷ lệ này là 19/23 phim) và dòng phim hài nhảm như Hit: Hoàng tử và Lọ lem, Hello cô Ba, Cưới ngay kẻo lỡ, Săn đàn ông… Hoàn toàn không thể đổ lỗi cho những người làm phim tư nhân, bởi nâng cao thị hiếu khán giả không phải là nhiệm vụ của họ mà là việc của các hãng phim Nhà nước.

Thế nhưng, với các hãng Nhà nước, điều này thực sự là “nhiệm vụ bất khả thi”, khi phim Nhà nước rất khó khăn mới tìm được đường ra rạp. Khi những bộ phim có tính định hướng thẩm mỹ cho người xem bị bế tắc đầu ra, tất yếu khán giả chỉ còn được tiếp cận với những sản phẩm mà theo nhà sản xuất là “chìu theo thị hiếu người xem”.

Ông Nguyễn Cao Tùng - quản lý phụ trách khâu sản xuất phim và phát triển kinh doanh của Hãng phim Galaxy - cho biết: “Công tác nghiên cứu thị trường, thị hiếu khán giả được tiến hành từ khi chuẩn bị kịch bản, đưa vào sản xuất và cả lúc làm hậu kỳ. Chẳng hạn, theo nghiên cứu của hãng, mấy năm trước, đề tài học đường như phim Bóng ma học đường được ưa chuộng, nhưng hiện nay kinh dị đang ăn khách. Thị hiếu khán giả thay đổi từng năm và bị dẫn dắt bởi các phim nước ngoài, vì vậy chúng tôi luôn nghiên cứu mỗi năm và đưa ra phán đoán cho năm sau nên làm thể loại gì”.

Nhà sản xuất Trần Trọng Dần của hãng phim Coco Paris than: “Khán giả rất phức tạp, khó hiểu. Phim kinh dị Chuyến đi thất lạc của hãng kinh phí sản xuất chưa đến một tỷ nhưng được khán giả quan tâm nhiều dù chưa ra rạp, trong khi phim Dịu dàng đầu tư tốn kém mà có lẽ chỉ thích hợp phát hành ở thị trường Bắc Mỹ, châu Âu”.

Việc đuổi theo gu số đông khán giả dẫn đến tình trạng các nhà làm phim bị bó buộc trong đề tài, cách kể chuyện và rơi vào tình trạng “ăn đong” thị hiếu người xem. Khi dòng phim hài kiểu Hello cô Ba dễ dàng hốt bạc thì những Long ruồi, Tèo em, Cưới ngay kẻo lỡ, Gia sư nữ quái, Nhà có năm nàng tiên nối đuôi nhau ra đời.

Tình người duyên ma của Thái Lan gây sốt ở VN thì sau đó thể loại phim kinh dị “made in VN” phát triển với Quả tim máu, Đoạt hồn, sắp tới là Chung cư, Quả tim máu 2. Sau Bẫy rồng, Lửa Phật, Đường đua, Bụi đời Chợ Lớn thì có Hiệp sĩ mù, Hương ga cũng đánh đấm ác liệt không kém.

Kiểu làm phim “thấy người ta ăn khoai, vác mai đi đào”, bỏ quên sự sáng tạo không chỉ làm cho chất lượng phim Việt tụt giảm mà còn hạn chế tính sáng tạo riêng trong mỗi tác phẩm, bởi người làm phim chỉ biết cố gắng sao cho sản phẩm na ná những phim Mỹ, phim Hàn.

Khán giả là yếu tố quyết định sống còn của một bộ phim ngoài rạp, nhưng một khi nhà sản xuất còn mông lung, ăn đong thị hiếu người xem thì không thể lấy doanh thu làm thước đo cho chất lượng của phim (trong khi lẽ ra phải thế). Càng đáng lo hơn khi ông Nguyễn Cao Tùng cho biết: “Yếu tố truyền miệng chiếm 50% thành công của phim, nên có phim như Đường đua dù PR rất tốt nhưng hiệu ứng khán giả không như mong đợi”.

 NGUYỄN NGỌC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI