Bó tay hay làm ngơ trước sai phạm của các phòng khám Trung Quốc?

07/04/2017 - 14:54

PNO - Chiều 5/4, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo Phụ Nữ xung quanh vấn đề phòng khám có bác sĩ Trung Quốc (TQ) gieo rắc tai họa cho người dân.

Kỳ cuối: Phải sớm có khung pháp lý dựa theo phác đồ

Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế thành phố - buột miệng nói ngay khi chưa kịp ngồi xuống ghế tiếp chuyện chúng tôi: "Qua phản ánh của báo chí và người dân, lãnh đạo sở rất bức xúc trước những hành vi không mang tính khoa học, nặng tính thương mại trong hoạt động khám chữa bệnh của một vài phòng khám".

Bo tay hay lam ngo truoc sai pham cua cac phong kham Trung Quoc?
Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế thành phố

 - Với trách nhiệm quản lý của mình, Sở Y tế sẽ có những biện pháp nào để ngăn chặn kiểu làm ăn bất chấp sức khỏe và đạo đức của các phòng khám có bác sĩ TQ, thưa ông?

Bác sĩ Tăng Chí Thượng: Bằng mọi giá, trách nhiệm của sở phải quyết liệt chấn chỉnh, cương quyết xử lý nghiêm. Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành riêng tiêu chí chất lượng cho phòng khám đa khoa (PKĐK).

Trong khi chờ Bộ, các đoàn kiểm tra đánh giá chất lượng PKĐK do Sở Y tế tự làm từ cuối năm rồi. Chúng tôi xác định hoạt động này không làm theo kiểu cao trào hay phong trào nữa mà dứt khoát thực hiện trải dài ra cả năm. Khi kiểm tra tất cả phòng khám, nếu phát hiện những hành vi cố tình vi phạm, sẽ chuyển thanh tra sở xử lý.

- Liệu các đoàn kiểm tra này có bảo đảm khách quan, tránh các tiêu cực mà dư luận nghi ngờ?

Bác sĩ Tăng Chí Thượng: Đoàn đi kiểm tra có chuẩn mực đàng hoàng và sẽ gồm các chuyên gia có nhiệt huyết trong ngành. Phòng khám nào làm tốt, động viên làm tiếp. Phòng khám nào sai, phải sửa ngay. Ngoài ra, chúng tôi quyết tâm làm các mục tiêu nâng chất lượng từ cấp độ bệnh viện công cho đến bệnh viện tư và tiến tới cả phòng khám tư nhân, dù biết rằng còn nhiều khó khăn đối với mô hình này.

- Khó khăn đó là gì thưa ông?

Bác sĩ Tăng Chí Thượng: PKĐK không được tổ chức bài bản, quy củ như bệnh viện. Qua tập huấn cho họ mới thấy họ thiếu thông tin và chỉ nghĩ mình là doanh nghiệp. Ngoài xử lý sai phạm, cái mà tôi muốn hơn cả là làm sao chuyển biến được nhận thức. Họ phải hiểu và biết được họ cũng là một thành viên của hệ thống y tế chăm sóc, khám chữa bệnh cho người dân chứ không thể chỉ là nhà đầu tư, nhà kinh doanh được. Vấn đề này phải kiên trì, không đơn giản.

Chúng tôi cũng đã xây dựng và ban hành phác đồ điều trị ngoại trú cho tất cả phòng khám.Từ trước đến giờ theo quy định của Bộ, chỉ thẩm định cấp phép và danh mục kỹ thuật, nhưng sau này chúng tôi sẽ kiến nghị thẩm định danh mục kỹ thuật cũng phải dựa trên cơ sở phác đồ điều trị là cơ sở khoa học nhất. 

Danh mục kỹ thuật là quy định phạm vi hoạt động của phòng khám nhưng chưa có ràng buộc phải xuất phát từ chỉ định nào trong phác đồ nào. Bộ đã ghi nhận vấn đề này. Bác sĩ TQ đã vào đây là phải sớm có khung pháp lý dựa theo phác đồ.

Cuối cùng, để quản lý tốt đối với tất cả hoạt động khám chữa bệnh, không chỉ PKĐK mà cả bệnh viện, cần có một tổ chức độc lập đánh giá chất lượng các cơ sở y tế. Kế đến, dựa trên kết quả đó, sẽ đưa ra được cả mức thu phí tương ứng với chất lượng đã được đánh giá. Tiếp tục công khai cho người dân chọn lựa. Đó là giải pháp hay nhất, và đương nhiên, phải cộng với xử lý nghiêm những hành vi cố tình vi phạm, để chấn chỉnh tình trạng hiện nay.

- Xin cảm ơn ông.

* Để được cấp chứng chỉ hành nghề, sau khi tốt nghiệp đại học y khoa, bác sĩ Việt Nam phải có 18 tháng thực tập tại cơ sở y tế nào đó có chức năng khám chữa bệnh. Ngoài ra, hàng năm các bác sĩ phải có 24 tiết đào tạo liên tục. Trong khi đó, sau khi được Bộ Y tế thẩm định, cấp chứng chỉ hành nghề, bác sĩ TQ cứ thế hoạt động.

Luật sư Đặng Thành Trí (Đoàn Luật sư TP.HCM): Nên xem xét xử lý hình sự

Theo nội dung báo chí phản ánh, sai phạm tại phòng khám TQ đã diễn ra trong một thời gian dài và có hệ thống. Tuy nhiên, việc xử lý những vi phạm này mới chỉ dừng lại ở các biện pháp xử lý hành chính nên tính răn đe chưa cao. Vì vậy, đã đến lúc cần triệt để xem xét xử lý hình sự đối với những hành vi sai phạm trong hoạt động khám chữa bệnh.

Theo quy định của điều 242 Bộ luật Hình sự: người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến 5 năm; phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm; phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 

Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm. Tuy nhiên, để xảy ra những vi phạm liên tục và có tính hệ thống của các phòng khám, không thể không đề cập trách nhiệm quản lý của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền.

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI