Kỳ 2: Quản lý kém, chế tài “gãi ngứa”
Sai phạm của các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc (TQ) đã kéo dài nhiều năm, mang tính hệ thống, với hàng loạt phòng khám sử dụng cùng một phương thức để lừa gạt người bệnh. Tuy nhiên, đến nay, việc phát hiện sai phạm phần lớn vẫn qua báo chí, còn hình thức xử lý chủ yếu cũng chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính. Điều này không những cho kẻ làm sai cơ hội “lờn thuốc”, mà còn gây xói mòn niềm tin trong dân.
|
Sở Y tế đã sử dụng ảnh của Phòng khám đa khoa Quốc Tế (221 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM) - một trong 16 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hoạt động - để minh họa thông tin cho người dân trên website của sở |
Trao đổi với báo chí về vấn đề 16 phòng khám có bác sĩ TQ tham gia hành nghề trên địa bàn TP.HCM, Chánh thanh tra Sở Y tế thành phố Bùi Minh Trạng chỉ “khu trú” hai vấn đề mà theo ông đang khiến người bệnh bức xúc, đó là “vẽ bệnh” và “thu giá cao”.
Thanh tra “phân trần” cho… phòng khám Trung Quốc?
Theo bác sĩ Trạng, “vẽ bệnh” được Thanh tra xem là vấn đề chẩn đoán sai bệnh mà thôi (?). Tức là phòng khám chẩn đoán có bệnh, nhưng sang nơi khác lại không có bệnh. Thanh tra cho rằng, đây là việc khó xác định vì cả hai nơi chẩn đoán đều có chức năng như nhau, nên chỉ có hội đồng chuyên môn mới kết luận ai đúng, ai sai (?).
Người đứng đầu cơ quan thanh kiểm tra, giám sát của Sở Y tế TP.HCM còn “thắc mắc” tại sao trong thực tế, các phòng khám khác (cũng sai phạm) không bị phản ánh, khiếu nại “mà các phòng khám TQ thì bị”(?).
Về việc thu như thế nào, cũng theo ông Trạng, là tùy doanh nghiệp định giá theo quy định pháp luật nhưng phải niêm yết và công khai với người bệnh. Chính ông Chánh thanh tra lại tự đặt câu hỏi: Dù các phòng khám có niêm yết nhưng liệu có công khai đầy đủ với bệnh nhân không? Tại sao đang thực hiện thủ thuật cho bệnh nhân lại yêu cầu làm thêm cái này, cái khác? Liệu việc này có minh bạch không?
Bên cạnh đó, thanh tra phát hiện và xử lý rất nhiều trường hợp phòng khám TQ quảng cáo quá trớn, sai sự thật. Để tránh xảy ra vi phạm, trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tăng cường kiểm tra các phòng khám nói chung, đặc biệt quan tâm đến các phòng khám TQ.
Trao đổi với chúng tôi ngày 3/4, bác sĩ Võ Xuân Sơn - Phòng khám Quốc tế EXSON (TP.HCM) - cho rằng, quan điểm của thanh tra về vấn đề “vẽ bệnh” là sai. “Tôi không đồng ý cách nói như vậy. Bởi một phòng khám đều phải chịu trách nhiệm quản lý chuyên môn của Sở Y tế. Thanh tra quy về “chẩn đoán sai” chỉ đúng về lý. Ngành y tế vẫn có những chế độ hội chẩn, chế độ hội đồng. Do đó, Thanh tra sở có trách nhiệm đứng ra tổ chức lập hội đồng chuyên môn để xem cái nào sai, cái nào đúng”, bác sĩ Sơn nói.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi vậy phải giải thích làm sao cái “chẩn đoán sai” này lặp đi lặp lại, xảy ra liên tục ở hàng loạt các phòng khám có bác sĩ TQ? Bác sĩ Sơn đề nghị cần phải xem lại vấn đề quản lý, cấp phép.
|
Trang web quảng cáo của phòng khám Quốc Tế "nổ" nhiều về công nghệ chữa bệnh nước ngoài. |
“Hàng loạt phòng khám mà sai như nhau, sai thành “trào lưu”, thì nếu là người có trách nhiệm với xã hội, phải tổ chức hội đồng. Khi hội đồng xác định tất cả những trường hợp sai có hệ thống, có nghĩa đã cấp phép sai, cấp phép cho người không đủ khả năng khám chữa bệnh. Và đối với những cái sai liên tiếp, kéo dài như vậy thì phải cắt chứng chỉ hành nghề, phải đóng cửa chứ, tại sao cứ để cho kẻ sai làm hoài như vậy”, ông Sơn nói.
“Tôi nói họ làm bậy ở mức độ hệ thống. Thực tế, các nạn nhân đều cùng chung một… kịch bản. Chỉ cần một bệnh nhân kể câu chuyện đi vào phòng khám đó, bị như thế đó, kết luận tôi bị thế này, rồi làm tôi như thế kia và giá tiền cao bao nhiêu… thì ai cũng biết ngay đó là phòng khám TQ”, ông bổ sung. Cũng theo ông, trong thực tế phòng khám nào sai cũng bị phản ánh, khiếu nại chứ không riêng gì các phòng khám TQ.
“Về giá, cơ quan quản lý bảo có niêm yết, vậy có kiểm tra việc công khai bảng giá cho người dân chưa, có gửi lên Sở Y tế không? Các anh ấy thể hiện quyết tâm lắm nhưng quyết tâm như thế nào thì chả biết… Tôi có một bác sĩ trước làm tại đây, có ký hợp đồng toàn thời gian. Anh này lại có thể ký hợp đồng toàn thời gian khác với một phòng khám TQ. Thế thì Sở Y tế có lưu chứ, nhưng tại sao lại không ai biết? Khi phát hiện, bác sĩ ấy không được cấp chứng chỉ hành nghề nữa, nhưng phòng khám đó thì vẫn tồn tại đến bây giờ”, bác sĩ Sơn ngao ngán.
Thiếu cơ quan quyết định chuyên môn do chính bác sĩ bầu ra
Bác sĩ Sơn cho rằng, sở dĩ phòng khám có bác sĩ TQ hoạt động “liều mạng” còn có nguyên nhân pháp luật hiện hành không chặt
“Luật pháp của mình không đủ mức chế tài để răn đe, ngăn chặn sự vô đạo đức trong nhiều lĩnh vực, kể cả ngành y. Đơn cử, Sở Y tế Hà Nội từng tuyên bố "biết nhưng không đóng cửa được". Hoặc như phòng khám Elizabeth ở Q.10 (TP.HCM) đã không biết bao nhiều lần bị phạt, có khi bác sĩ, nhân viên tông cửa chạy trốn… mà không đóng cửa. Hay như bác sĩ người TQ có thể đi về bất cứ lúc nào, nên sẵn sàng làm bậy, khi có chuyện thì vù về bên kia. Đâu có ai làm gì được”, ông Sơn than.
Bên cạnh đó, việc không đóng cửa các cơ sở này, theo ông, còn có vấn đề cơ quan quản lý “không muốn đóng” vì liên quan lợi ích thế nào đó có trời mà biết. “Thử hỏi, trường hợp phòng khám Elizabeth sai phạm rất nhiều lần, lặp đi lặp lại… thì liệu có phòng khám Việt Nam nào làm ăn nhiều sai phạm như thế, bị bắt nhiều như thế mà tồn tại được không?”, ông hỏi.
Ở khía cạnh này, bác sĩ Sơn đặt vấn đề luật pháp của chúng ta cũng không chặt với cả nhà quản lý. “Bây giờ nếu luật cho xử lý được, mà chỉ vì do mấy ông không làm, thì lại không quy trách nhiệm cho nhà quản lý để tồn tại những phòng khám như vậy hoạt động”, bác sĩ Sơn thở dài.
Tại các nước, có y sĩ đoàn để giải quyết những vấn đề yếu kém này. Y sĩ đoàn hay hội, hiệp hội có thể hoàn toàn quyết định về chuyên môn. Trường hợp chẩn đoán sai liên tục, y sĩ đoàn sẽ kết luận trường hợp này là cố ý sai, không cần đưa ra pháp luật, không cần đưa ra tòa. Thậm chí hội có thể treo bằng, thu hồi bằng và cấm hành nghề vĩnh viễn. “Ví dụ tôi đang tham gia Hội Phẫu thuật cột sống Bắc Mỹ. Hội đó có quyền can thiệp vào tất cả vấn đề chuyên môn trên toàn nước Mỹ. Họ có quyền cho phép ai làm việc, có thể cấp chứng chỉ hành nghề, rất nghiêm túc, tránh tiêu cực”, bác sĩ Sơn nói.
Có thể thấy, trong các biện pháp chấn chỉnh phòng khám TQ như niêm yết công khai giá, các phòng khám phải xây dựng phác đồ chẩn đoán và điều trị hay tước chứng chỉ hành nghề v.v… hiện đều do Phòng Nghiệp vụ y và Thanh tra Sở Y tế chịu trách nhiệm chính. Và theo bác sĩ Sơn, các phòng chức năng không hiệu quả như y sĩ đoàn là vì một khác biệt cốt lõi. Y sĩ đoàn ở các nước là do các bác sĩ bầu ra. Trong khi đó, sở, phòng chức năng ở ta do bổ nhiệm, chỉ định.
Nhà nước phải xây dựng công cụ để người dân giám sát, phản ánh
Theo bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân, cho đến thời điểm này, trung bình mỗi ngày, khoa của ông vẫn tiếp nhận 5-6 nạn nhân của các phòng khám TQ. Ông khá bất bình trước việc các phòng khám này chỉ có duy nhất một chỉ định là cắt da quy đầu cho tất cả các bệnh lý nam khoa.
“Khi nào cắt da quy đầu là phải theo phác đồ chứ không phải cứ cái gì cũng đè ra cắt. Một ngày khoa tôi tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân nhưng chỉ có 10 ca phải chỉ định cắt da quy đầu. Cũng không hề có biện pháp cao siêu nào trong tiểu phẫu này như cắt bằng tia laser, công nghệ Hàn Quốc… mà các phòng khám Trung Quốc đưa ra.
Chưa kể với các u xùi dương vật, thì họ thường dọa người dân là ung thư. Nên nhớ, để xác định ung thư, phải tiến hành xét nghiệm giải phẫu bệnh lý cần nhiều thời gian chứ không phải vô khám một vài phút là có thể nói ung thư”, bác sĩ Dũng khẳng định.
Giải pháp trước nhất, theo bác sĩ Dũng, phải cung cấp thông tin chính thống cho bệnh nhân. Khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân làm việc từ 6h30 sáng. Và có đường dây nóng 08.66861267 túc trực 24/24h nhằm tư vấn, giải đáp tất cả bệnh lý nam khoa.
“Người dân nên thay đổi quan niệm đó là chuyện thầm kín, khó nói. Dẫn đến không muốn chia sẻ vấn đề của mình mà lại tìm kiếm thông tin trên internet và gặp tràn lan các website của phòng khám TQ. Quá nguy hiểm vì sẽ lạc vô ma trận, bị chỉ định sai, điều trị sai”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, bác sĩ Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - nêu quan điểm, không phân biệt phòng khám đó là của ai, nước nào, mà quan trọng là vấn đề cơ quan kiểm chuẩn phòng khám hoạt động. Kế đó là chuẩn của chúng ta đã bảo đảm an toàn cho người dân Việt Nam chưa?
“Dĩ nhiên khi nhận hồ sơ đăng ký của đơn vị nào mà chẳng đẹp. Vậy quản lý làm sao khi hoạt động nó vẫn đẹp được như vậy chứ. Công tác quản lý phải làm sao kiểm tra, giám sát chặt chẽ bảo đảm việc hoạt động như đã đăng ký theo chuẩn của chúng ta. Hiện quản lý làm sao mà để họ làm bậy bạ như vậy? Vì thế cũng cần phải xây dựng thêm công cụ để người dân giám sát và phản ánh”, ông Việt nói.
Theo chúng tôi, ngoài kiểm tra, giám sát, cơ quan quản lý trực tiếp về y tế còn phải tham mưu để kiện toàn pháp luật. Một khi còn những phòng khám bầy hầy với những sai sót mang tính hệ thống như thế hiện diện, chắc chắn nhà quản lý đã chưa làm tròn trách nhiệm của mình.
Chúng tôi đã liên hệ với Văn phòng Sở Y tế để có thể trao đổi trực tiếp với giám đốc sở về “khối u ác tính” đang tiếp tục gây bức xúc dư luận này. Các vấn đề cần trao đổi như trách nhiệm quản lý của sở, vai trò của Thanh tra sở. Biện pháp nào để ngăn chặn các phòng khám này? Sở đang bó tay hay thờ ơ, hay có sự bao che nào đối với họ?
Sắp tới, các vụ việc và nạn nhân chắc chắn sẽ chưa dừng lại, sở có biện pháp trước mắt nào để bảo vệ người dân?... Thế nhưng, hiện chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm từ quý sở.
Quốc Ngọc
(Còn tiếp)