Bỏ tầm soát, nhiều trẻ sinh non bị bong võng mạc

14/12/2022 - 06:53

PNO - Bong võng mạc ở trẻ sinh non không có triệu chứng cụ thể, diễn tiến âm thầm nên nhiều cha mẹ vô tình bỏ tầm soát, không cho trẻ tái khám, đến khi bệnh nặng thì đã quá muộn.

 

Hình ảnh tổn thương mắt nặng của bé H.T.A. do phụ huynh bỏ theo dõi điều trị - ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP
Hình ảnh tổn thương mắt nặng của bé H.T.A. do phụ huynh bỏ theo dõi điều trị (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Cha mẹ hối hận

Ôm con gái 8 tháng tuổi vào lòng, chị Hoàng Thị O. (29 tuổi, ở tỉnh Kiên Giang) khóc nấc. Bác sĩ cố gắng động viên nhưng người mẹ không thể ngăn dòng nước mắt. Theo chị O., con gái chị bị sinh non 29 tuần, nặng 1,2kg. Từ lúc mới sinh đã phải nằm lồng ấp, thở ô xy. May mắn, bé có sức sống mãnh liệt nên khi được 1 tháng tuổi đã có thể về bên mẹ. Lúc này, bác sĩ khuyên chị nên đến bệnh viện chuyên khoa nhi tại TPHCM để khám tầm soát cho bé. 

“Bác sĩ nói thể trạng bé hồi phục tốt, chỉ cần tầm soát mắt thôi. Theo lịch khám, cách 2 tuần bé sẽ đến bệnh viện 1 lần để soi đáy mắt. Lúc dịch COVID-19, gia đình không dám cho bé ra ngoài. Không ngờ, chỉ hơn 2 tháng không đi khám…”, chị O. bỏ lửng câu nói. Theo chẩn đoán, bé gái bị bong võng mạc, tăng sinh mạch máu võng mạc… không thể điều trị, phải chịu cảnh mù lòa suốt đời. 

Còn chị Trần Thị Kim D. (35 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) đã hối hả gọi điện thoại về cho gia đình thông báo con gái chị (6 tháng tuổi) không thể tiếp tục tầm soát mắt bởi võng mạc đã bị bong quá nặng. Chị D. run run kể, do bé được soi đáy mắt, thăm khám 2 lần, kết quả mắt bé phát triển ổn định, nên chị chủ quan, không đưa bé đi tầm soát theo chỉ định của bác sĩ. Đến khi bé bị nóng sốt nhiều ngày, ôm con đi bệnh viện, chị D. mới sẵn tiện cho con kiểm tra mắt thì bé đã bị bong võng mạc từ lúc nào.

Chị D. buồn rầu: “Bé là con thứ hai của tôi. Sinh non 30 tuần nhưng bé rất khỏe. Thường ngày, bé cũng chơi đùa, ít quấy khóc, mắt cũng không bị đục hay gì cả nên tôi không nghĩ mắt của con bị hư”.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thành Danh - Trưởng đơn vị Mắt, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - cho biết, khi trẻ bị sinh non (dưới 34 tuần thai), các cơ quan trong cơ thể chưa được hoàn thiện. Các mạch máu nuôi mắt có thể gián đoạn hoặc ngừng phát triển, chưa tiếp cận được võng mạc, mạch máu mỏng manh dễ vỡ, gây xuất huyết võng mạc ở trẻ sơ sinh. Các mạch máu bị vỡ còn hình thành mô sẹo, khi chúng co lại sẽ kéo võng mạc rời khỏi phần sau của mắt dẫn đến nhãn cầu bị thiếu máu nuôi, từ đó gây bong võng mạc.

“Nguy hiểm hơn, bệnh bong võng mạc trẻ sinh non diễn ra âm thầm và không có bất kỳ triệu chứng gợi ý nào. Nếu trẻ không được phát hiện và can thiệp kịp thời, bệnh quá nặng chắc chắn bé sẽ bị mù”, bác sĩ Danh nói.

Tầm soát mắt sớm, thăm khám đúng hẹn

Trẻ được cha mẹ đưa đi khám mắt tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - ẢNH: P.A.
Trẻ được cha mẹ đưa đi khám mắt tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - Ảnh: P.A.

Theo bác sĩ Danh, đối với trẻ sinh non. Đặc biệt những trẻ có nguy cơ cao như trẻ sơ sinh có tuổi thai dưới 34 tuần, cân nặng lúc sinh nhẹ hơn 2,2kg, trẻ sinh non có tiền căn về thở ô xy, nhiễm trùng sơ sinh, truyền máu, trẻ có những bệnh lý khác nguy cơ bị bong võng mạc rất cao. Do bệnh diễn tiến rất nhanh, ở bé có độ tuổi trung bình từ 2-3 tuần nên cha mẹ bắt buộc phải đăng ký tầm soát cho trẻ sớm và kiên nhẫn đưa trẻ đến bệnh viện đúng lịch hẹn cho đến lúc mạch máu nuôi võng mạc “trưởng thành” hoàn toàn (trung bình từ 40-42 tuần) hay được can thiệp điều trị dứt điểm. 

Hiện nay, Việt Nam có hướng dẫn tầm soát bong võng mạc ở trẻ sinh non với nhiều tiêu chuẩn mở rộng nên sẽ thuận lợi. Khi phát hiện trẻ bị bong võng mạc, việc điều trị cũng rất đơn giản. Có 2 phương pháp can thiệp điều trị bong võng mạc trẻ sơ sinh rất hiệu quả. Tùy vào tổn thương, bác sĩ sẽ sử dụng laser quang đông, tức là dùng năng lượng laser chiếu vào võng mạc để phá hủy phần võng mạc không có mạch máu nuôi rồi cố gắng nuôi sống, bảo tồn phần võng mạc có đủ mạch máu. Bên cạnh đó, bé cũng có thể được chỉ định tiêm nội nhãn (thuốc ức chế hình thành mạch máu mới không có tác dụng vào mắt của trẻ). 

Bác sĩ Danh cho biết: “Nếu được chỉ định đúng thời điểm, mức độ, tỉ lệ điều trị thành công trên 95%, còn kết hợp cả hai phương pháp, tỉ lệ thành công gần như 100%”. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, từ sau dịch COVID-19, vì nhiều lý do, trên dưới 20% trẻ bị sinh non đã bỏ ngang việc tầm soát mắt. Một số trẻ bị mù vĩnh viễn do cha mẹ đưa đến quá trễ.

“Tầm soát mắt rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả tương lai của trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên thu xếp công việc, duy trì việc thăm khám cho con. Nếu không may ở những tuần cuối cùng của tầm soát, trẻ bị bong võng mạc sẽ là điều rất xót xa”, bác sĩ Danh nói.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI