Bỏ tái định cư, dân quay về sống nơi sơn cùng thủy tận

22/11/2019 - 20:43

PNO - Thiếu đất sản xuất ở nơi ở mới, hàng chục hộ dân đã bỏ khu tái định cư rồi quay về sống cảnh “phiêu dạt”, thiếu đường, điện, trường học... ở vùng lòng hồ thủy điện lớn nhất Bắc Trung bộ.

Mất gần 2 giờ đồng hồ, chiếc thuyền máy từ xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An chạy ngược lên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, mới đến được bản Kim Hồng (nay đã xóa sổ). Người lái thuyền Nguyễn Văn Hùng cho biết, chục năm trước, đã có nhiều bản làng bị xóa sổ sau khi người dân di dời, nhường đất cho dự án thủy điện Bản Vẽ.

Dự án thủy điện Bản Vẽ có công suất 320MW, tổng vốn đầu tư 7.781 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2004 và đưa vào vận hành từ năm 2010. Để thực hiện dự án, chính quyền địa phương đã phải di dời, tái định cư 3.022 hộ dân, trong đó có 2.127 hộ phải di dời về các khu tái định cư (TĐC) tập trung ở huyện Thanh Chương. 

Bo tai dinh cu, dan quay ve song noi son cung thuy tan
Những ngôi nhà tranh chênh vênh trên sườn đồi của những hộ dân quay lại lòng hồ thủy điện Bản Vẽ mưu sinh

Không lâu sau khi đến nơi ở mới, nhiều hộ dân đã bỏ khu TĐC để quay về vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ sinh sống.

Chỉ tay về phía thung lũng mênh mông nước, anh Hùng nói: “Bản cũ Kim Hồng ở dưới đó, thủy điện chặn dòng, giờ đã nằm sâu dưới nước”. Xa xa phía trên lưng chừng núi, thưa thớt mấy căn nhà tạm bợ do người dân dựng lên để sinh sống, sau khi quyết định bỏ khu TĐC để quay về vùng đất của mình.

Con đường mòn dẫn lên bản Kim Hồng mới, dốc dựng đứng, ngoằn ngoèo, trơn trượt. Ông Lô Văn Tính, một cư dân hồi cư cho hay, cả nhà ông gồm 5 người, được nhận 60 triệu đồng, xuống khu TĐC ở xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An dựng nhà ở.

Đất rừng ít, ruộng nước cằn cỗi, nên năm 2011, ông và mấy người nữa rủ nhau bán tháo căn nhà được vài triệu đồng rồi cùng bỏ về quê cũ. Bản cũ đã chìm trong nước, họ tìm đến vùng đất này rồi giúp nhau khai đất, dựng nhà ở.

Bo tai dinh cu, dan quay ve song noi son cung thuy tan
Nhiều người dân chấp nhận cuộc sống thiếu thốn ở nơi rừng sâu khi quay về nơi cũ

Trưởng bản Kim Hồng cũ - ông Chương Xuân Tần - thừa nhận việc quay trở về nơi cũ trong vùng lòng hồ, các hộ dân đang sống trong tình cảnh tạm bợ, hiểm nguy. “Hai vợ chồng tôi cũng đã quay về đây ở được 6 năm rồi. Hai vợ chồng già, chẳng làm được gì, nay chỉ trông chờ vào việc đánh cá và chăn nuôi sống qua ngày” - ông Tần nói.

Nói về lý do quay về nơi sơn cùng thủy tận, sống cảnh không đường, không điện, không trường học, không trạm y tế... cũng không xã nào quản lý, vị trưởng bản này cho rằng, do điều kiện sống tại khu tái định cư không đảm bảo; việc hỗ trợ, đền bù đất đai tại nơi ở cũ ở vùng lòng hồ chưa thỏa đáng. Mặt khác, nhiều người đã quá quen thuộc với sinh hoạt, mưu sinh ở nơi ở cũ.

Ông Lô Huy Hùng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm - cho biết, nguyên nhân chính khiến người dân rời khu TĐC là do việc bị chiếm đất sản xuất. Ngoài ra, công trình phục vụ di dân TĐC được đầu tư không đồng bộ, chất lượng kém, hiệu quả sử dụng không cao. Công tác giải phóng mặt bằng kéo dài (từ năm 2004) nên nhiều chính sách thay đổi, dẫn đến việc áp dụng không đồng nhất, gây bức xúc cho người dân.

Bo tai dinh cu, dan quay ve song noi son cung thuy tan
Từ sự vận động của chính quyền địa phương, nhiều người chấp nhận đưa con cái quay về khu TĐC sống để học tập song bản thân vẫn tiếp tục bám lại lòng hồ Bản Vẽ mưu sinh

Về sống ở nơi không điện, đường, trường, trạm... cũng đồng nghĩa việc khám chữa bệnh và các vấn đề an sinh xã hội khác của dân nơi đây sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều quyền lợi của người dân không được hưởng vì ngụ cư, không tham gia sinh hoạt vào một cộng đồng xã hội nào nhất định.

Ông Kha Văn Ót - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương - cho biết, chính quyền huyện này vẫn đang kiên trì vận động người dân về lại khu tái định cư. Đến nay, nhiều hộ dân đã đồng ý quay trở lại khu TĐC sinh sống.

Huyện cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền khẩn trương xác định lại đất đai, bồi thường cho bà con trước đây đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bà con được thụ hưởng chính sách đất đai.

“Hiện nhiều hộ dân đã đưa con cái quay lại nơi ở cũ sống để thuận tiện cho việc học hành, còn bản thân vẫn đang bám trụ ở khu vực lòng hồ để làm theo thời vụ và chăn nuôi” - ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương - cho biết.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI