Bộ Tài chính đề nghị đánh thuế tài sản đối với người sở hữu nhà trên 700 triệu đồng

13/04/2018 - 18:59

PNO - Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu dự luật này được áp dụng, dự kiến mỗi năm sẽ thu về khoảng từ 20.000 tỉ - trên 30.000 tỉ đồng.

Đây là thông tin được Bộ Tài chính đưa ra trong cuộc họp về Dự án Luật thuế tài sản chiều 13/4. 

Tại cuộc họp, Bộ Tài chính đưa ra hai cách xác định ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là xác định theo giá trị hoặc theo diện tích. Trường hợp áp dụng theo diện tích sẽ có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, thuận lợi trong việc xác định số thuế phải nộp; ổn định, không thay đổi theo thời giá. 

Bo Tai chinh de nghi danh thue tai san doi voi nguoi so huu nha tren 700 trieu dong
Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ chính sách thuế cho rằng đánh thuế nhà có giá trị từ 700 triệu đồng là phù hợp

Tuy nhiên, việc xác định ngưỡng không chịu thuế theo diện tích có nhược điểm là điều tiết cả đối với người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà tại nông thôn có diện tích vượt ngưỡng không chịu thuế nhưng giá trị thấp; trong khi đó lại không điều tiết đối với nhà giá trị lớn nhưng diện tích nằm trong ngưỡng không chịu thuế.

Theo số liệu về nhà ở năm 2011 tại Đề án Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo diện tích là 100m2 thì sẽ có khoảng gần 1,9 triệu căn bán kiên cố, nhà thiếu kiên cố, nhà đơn sơ (trong đó hơn 1,1 triệu căn ở nông thôn) phải chịu thuế.

Còn nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị sẽ đảm bảo được mục tiêu của thuế tài sản, không điều tiết đối với nhà có giá trị dưới ngưỡng không chịu thuế, điều tiết cao đối với nhà có giá trị lớn, đảm bảo công bằng xã hội (chỉ tính thuế đối với nhà có giá trị vượt ngưỡng không chịu thuế). Việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị sẽ phân biệt được các loại nhà khác nhau.

Từ đó, Bộ Tài chính đề nghị lấy ngưỡng không chịu thuế theo giá trị để đánh thuế tài sản đối với nhà. Cụ thể, Bộ Tài chính xây dựng phương án thuế suất thuế tài sản đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng.

Bo Tai chinh de nghi danh thue tai san doi voi nguoi so huu nha tren 700 trieu dong
Không kiểm soát được việc sở hữu nhà tại Việt Nam, Bộ Tài chính đề nghị đánh thuế tài sản luôn từ căn nhà đầu tiên

Còn về thuế suất, Bộ Tài chính cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, mức thuế suất thuế tài sản thấp nhất là 0,2%. Tuy nhiên, đa số các nước áp dụng mức thuế suất thuế tài sản cao, trong đó một số nước trong khu vực như Indonesia 0,5%; Philippines 1% và 2%. Do đó, Bộ đề xuất 2 phương án thuế suất thuế tài sản  là 0,3% hoặc 0,4%.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với thuế suất 0,3%, nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà 1 tỷ đồng, dự kiến số tiền thuế tài sản thu được khoảng 22.700 tỷ đồng; nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng thì số thuế thu được khoảng 23.300 tỉ đồng.

Đối với phương án thuế suất 0,4%, nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng, số thu thuế tài sản khoảng 30.300 tỷ đồng; nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng, số thuế này khoảng 31.000 tỷ đồng.

Từ đó, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.

Lý giải nguyên nhân không đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi mà đánh thuế ngay căn đầu tiên, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Bộ Tài chính) đưa ra hai nguyên nhân. Thứ nhất, là không đảm bảo công bằng, vì sẽ phát sinh trường hợp người chỉ có một căn nhà diện tích lớn, giá trị cao nhưng không bị đánh thuế, trong khi người sở hữu hai căn nhà nhỏ lại bị đánh thuế.

Thứ hai, khó khăn trong thu thuế, chưa phù hợp với điều kiện triển khai tại Việt Nam, cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở, cũng như có thể làm giảm mức hấp dẫn của thị trường bất động sản. 

Minh Anh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI